Món canh Tteokguk ngày đầu năm mới của người Hàn Quốc
Dịp Tết Nguyên đán, một món ăn không thể thiếu để dâng cúng tổ tiên trong ngày đầu năm mới của người Hàn Quốc là món Tteokguk (canh bánh gạo).
Truyền thống ăn canh Tteokguk vào ngày đầu năm mới có từ rất xa xưa và dường như đã gắn với tiềm thức của người Hàn Quốc . Người ta nói rằng món Tteokguk đã xuất hiện trong sách sử như là thức ăn được dùng trong các nghi lễ năm mới từ thời cổ đại. Có nghiên cứu cho rằng luộc và ăn Tteokguk trong ngày Tết được cho là bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Mặt Trời cổ xưa.
Đối với người Hàn Quốc, gạo là thực phẩm quan trọng nhất. Chính vì vậy, trong bát canh Tteokguk, bánh gạo là nguyên liệu chính. Tất cả các thành viên trong gia đình đều sẽ tham gia vào công việc chuẩn bị và chế biến canh Tteokguk. Người Hàn quan niệm rằng thanh bánh gạo dài là tượng trưng cho sự trường thọ, cho công việc được thuận lợi, làm ăn phát đạt.
Trong khi đó, hình bầu dục của các miếng bánh thái lát lại tượng trưng cho hình tròn của đồng tiền xu từng được sử dụng trong quá khứ mang ý nghĩa phát tài lộc cả năm. Người Hàn Quốc ăn canh Tteokguk trong năm mới còn có nghĩa mừng bản thân đã thêm một tuổi.
Trong quá khứ, khi kinh tế còn chưa phát triển, người Hàn Quốc chỉ nấu canh bằng nước thường. Khi đó, thịt bò cũng rất hiếm nên người ta chỉ ăn canh Tteokguk vào những dịp đặc biệt trong năm như năm mới, sinh nhật. Ngày nay, dù điều kiện kinh tế đã thay đổi nhưng theo truyền thống, ngày đầu năm mới, các gia đình vẫn quây quần để cùng nhau làm cơm cúng tổ tiên. Vào ngày này, các mẹ, các chị đều tập trung nấu canh Teokguk để các thành viên trong gia đình cùng ăn như một nghi lễ mang lại sự may mắn.
Chuyên gia ẩm thực Lee Chae-yun cho biết để làm phần bánh gạo, người Hàn sẽ đem xay gạo trắng, cho qua rây, nhào, hấp và giã gạo. Bánh gạo sau đó được nặn thành từng thanh tròn dài và thái nhỏ thành hình bầu dục để làm canh Tteokguk. Canh Tteokguk được nấu với nước dùng từ ức bò luộc hoặc nước hầm xương bò. Sau đó, các đồ trang trí như thịt bò, zidane và rong biển được phủ lên trên bát canh Tteokguk. Những đồ trang trí cũng cân bằng các chất dinh dưỡng để một bát Tteokguk vừa có đủ chất dinh dưỡng vừa đẹp mắt.
Vào ngày Tết, người Hàn thường mặc trang phục truyền thống Hanbok, thực hiện các nghi lễ cúng bái tổ tiên, chuẩn bị các món ăn truyền thống và tham gia vào các trò chơi dân gian được tổ chức trong các không gian văn hóa ở làng, xã, địa phương.
Tết âm lịch là một trong 2 dịp lễ quan trọng nhất hàng năm của người Hàn Quốc cùng với Tết Trung Thu (Chuseok). Vì đây là dịp lễ đặc biệt nên các hoạt động trong ngày này cũng mang đậm những nghi thức truyền thống và người Hàn Quốc rất có ý thức bảo tồn và giữ gìn những nét văn hóa đẹp đẽ của dân tộc mình.
>> Hình ảnh người dân khắp thế giới nhộn nhịp đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 
Hình ảnh người dân khắp thế giới nhộn nhịp đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 
Những điều nhất định phải tránh trong ngày mùng 1 Tết Nguyên đán để cả năm may mắn, bình an