Khối ngoại đã duy trì trạng thái bán ròng trong một năm gần nhất. Hàng chục nghìn tỷ đồng đã được rút ra khỏi sàn chứng khoán trong nhịp hồi phục của thị trường.
Ảnh minh họa |
Thị trường chứng khoán tiếp tục nối dài mạch đi lên ngay những tháng đầu năm 2024 Dương lịch trước khi chịu áp lực chốt lời mạnh trong 3 tuần trở lại đây. Đặc biệt, cú giảm 60 điểm phiên 15/4 (mức giảm mạnh nhất 2 năm) đã khiến VN-Index thêm một lần thủng mốc 1.220 điểm.
Trong nhịp vận động của thị trường, khối ngoại tiếp tục các động thái xả bán - vốn đã được duy trì kể từ đầu quý II năm ngoái.
3 tháng đầu năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tổng cộng 11.550 tỷ đồng trên cả 3 sàn - tương đương 50,62% tổng giá trị bán ròng của cả năm 2023. Áp lực bán ròng đến từ các quỹ chủ động và cả các quỹ ETF đã khiến trạng thái rút ròng tiếp tục hiện hữu và gây áp lực nhất định lên thị trường, theo thống kê từ BSC.
Chỉ tính riêng tháng 3, khối ngoại đã rút ròng hơn 8.700 tỷ đồng trên sàn HoSE trong đó cổ phiếu VNM  và VHM  là tâm điểm bán với lần lượt 2.170 tỷ và 2.129 tỷ đồng.
Trong nhịp tích lũy 4 tháng của cổ phiếu CTCP Vinhomes (Mã VHM) quanh mốc 42.000 đồng, khối ngoại đã liên tục mở các vị thế bán. Rộng hơn, tính từ đầu tháng 8/2023 tới nay, thông qua các giao dịch khớp lệnh/thỏa thuận, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 176 triệu cổ phiếu VHM.
Trong cùng thời điểm, cổ phiếu đầu ngành bất động sản điều chỉnh từ vùng giá 61.x về mức hiện tại. Tính trung bình giá giai đoạn này là 52.x đồng/cp, ước tính giá trị bán ròng của khối ngoại khoảng hơn 9.200 tỷ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu VHM 3 năm gần nhất |
Động thái bán ra của nhà đầu tư nước ngoài diễn ra trong bối cảnh Vinhomes vừa có năm 2023 kinh doanh tích cực với tổng doanh thu thuần 103.300 tỷ đồng - tăng 66% so với năm 2022; lãi sau thuế đạt gần 33.400 tỷ đồng - tăng 16%.
Vinhomes được biết đến là chủ đầu tư hàng loạt dự án đại đô thị hàng trăm ha như Vinhomes Ocean Park I, II, III, Vinhomes Grand Park, Vinhomes SmartCity… Tính đến cuối năm 2023, Vinhomes vẫn còn hơn 51.300 tỷ đồng giá trị bất động sản để bán đang xây dựng.
Ngoài ra công ty vẫn đang triển khai thi công tại một số dự án như dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế, dự án Đô thị lấn biển Cần Giờ (Vinhomes Long Beach Cần Giờ) và một dự án tại TP. Thủ Đức (TP. HCM). Riêng số tiền Vinhomes đã rót vào ba dự án này tính đến cuối năm 2023 là hơn 37.700 tỷ đồng.
Đầu tháng 2 năm nay, Vinhomes tiếp tục nhắm tới một dự án tại Long An. Theo kết quả mở hồ sơ đăng ký đầu tư dự án Khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc (Long An) do Sở Kế hoạch Đầu tư Long An công bố, liên danh CTCP Vinhomes - CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện.
Dự án khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây có diện tích khoảng 1.090ha, quy mô dân số khoảng 89.960 người. Cơ cấu sản phẩm bao gồm khoảng 7.050 căn nhà ở liền kề, 8.194 căn nhà ở biệt thự; nhà ở xã hội khoảng 13.440 căn hộ chung cư; nhà ở tái định cư là khoảng 2.370 căn nhà ở thấp tầng.
Đáng chú ý, mới đây, Vinhomes cũng đã chính thức thông báo ra mắt siêu dự án “Thành phố Đảo Hoàng Gia” – Vinhomes Royal Island tại đảo Vũ Yên. Cơ cấu sản phẩm của dự án gồm biệt thự, liền kề, shophouse… Đây là đô thị đảo đầu tiên giữa trung tâm TP. Hải Phòng với quy mô lên tới 877ha.
Ở diễn biến mới nhất, ông lớn bất động sản VN30 vừa công bố thông tin phát hành thành công gói trái phiếu VHMB2426003 với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng. Lô trái phiếu phát hành tại thị trường trong nước, kỳ hạn 24 tháng, đáo hạn ngày 15/4/2026.
Trước đó, vào tháng 3, Vinhomes cũng vừa công bố phát hành thành công gói trái phiếu VHMB2427001 với tổng mệnh giá phát hành 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn ngày 25/3/2027, lãi suất 12%/năm.
Được biết, theo Nghị quyết HĐQT công ty ngày 22/3/2024, Vinhomes có kế hoạch huy động vốn tổng cộng 10.000 tỷ đồng thông qua các đợt phát hành trái phiếu trong thời gian tới.
Khối ngoại bán ròng hơn 1.200 tỷ đồng, tâm điểm nhóm largecap 
Cổ phiếu ‘nhà’ Vingroup hút dòng tiền - VHM, VRE, VIC có tiềm năng sinh lời hàng chục %