Mới đây, Sài Gòn VRG (SIP) cho Vietinbank Securities (CTS) vay tới 2.500 tỷ đồng. Trước đó, SIP còn là chủ nợ của VCBS và CTCK Cao su.
Mới đây, HĐQT CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank Securities, HoSE: CTS ) công bố Nghị quyết thông qua việc thực hiện vay vốn tại CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (Sài Gòn VGR, HoSE: SIP).
Cụ thể, CTS sẽ thực hiện vay vốn ngắn hạn tại SIP  với giá trị 2.500 tỷ đồng (bao gồm cả các khoản vay đang còn dư nợ). Như vậy CTS đã vay thêm 500 tỷ đồng so với con số công bố trước đây. Chi tiết về các thông tin khoản vay vẫn chưa được tiết lộ.
Sài Gòn VGR được biết đến là doanh nghiệp “đại gia” bất động sản mảng khu công nghiệp. SIP có truyền thống trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ cao (năm 2022 mức cổ tức tiền lên đến 45%).
Báo cáo tài chính quý III/2023 cho biết, SIP có tổng tài sản vượt qua mức 20.333 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Trong tổng số này, hơn 3.065 tỷ đồng là tiền gửi ngắn hạn và 354 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn.
Một điểm đáng chú ý, tại ngày 30/9/2023, Đầu tư Sài Gòn VRG ghi nhận khoản phải thu từ việc cho vay ngắn hạn lên đến gần 715 tỷ đồng. Trong đó, công ty hiện đang cung cấp khoản vay 712 tỷ đồng cho Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) và khoản vay gần 3 tỷ đồng cho CTCP Chứng khoán Cao su.
Sài Gòn VRG là một trong những doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp niêm yết lớn nhất ở miền Nam, sở hữu một quỹ đất lên đến gần 3.200 ha.
Các khu công nghiệp chính của Đầu tư Sài Gòn VRG hiện tại đặt tại các tỉnh Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Những địa phương này đang thu hút một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, mở ra triển vọng tăng trưởng dài hạn cho công ty.
>> Công ty chứng khoán bật mí xu hướng dòng tiền trước dịp Tết Nguyên Đán 
Cổ phiếu đáng chú ý ngày 11/1: EIB, VIP, CTD 
Công ty chứng khoán bật mí xu hướng dòng tiền trước dịp Tết Nguyên Đán