Cổ phiếu của doanh nghiệp này đã tăng 27% trong gần 1 tháng trở lại đây - mức tăng mạnh nhất nhóm VN30.
Nửa đầu phiên sáng 21/5, thị trường chứng khoán rung lắc nhẹ trở lại quanh mốc 1.275 điểm sau khi chinh phục bất thành điểm cao 1.280 trong phiên đầu tuần.
Dù vậy, cổ phiếu BCM  của Tổng CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - sàn HoSE) tiếp tục tăng 1,6% lên sát mốc 64.000 đồng/cp (tạm tính là mức tăng mạnh nhất rổ VN30).
Nửa đầu phiên sáng, BCM có thời điểm tăng vượt mức 65.000 đồng/cp |
Sau gần 1 tháng, cổ phiếu VN30 này đã tăng gần 27% giá trị - nhịp tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 7/2022.
Được biết, cổ phiếu BCM lên giao dịch trên sàn UPCoM từ năm 2018 trước khi chuyển niêm yết trên sang HoSE từ tháng 8/2020. Đến đầu năm 2022, 1,035 tỷ cổ phiếu Becamex được thêm mới vào rổ VN30 thay thế mã KDH của Nhà Khang Điền trong bối cảnh thanh khoản gần như mất hút, khớp lệnh trung bình giai đoạn từ tháng 10/2022 đến đầu tháng 6/2023 chỉ chưa đầy 150.000 đơn vị/phiên.
Những tín hiệu tích cực về thanh khoản chỉ thực sự xuất hiện từ đầu tháng 6/2023 (4 tháng kể từ thời điểm BCM vào rổ VN30). Dù vậy, xét trong tổng thể nhóm VN30, BCM vẫn là một trong những mã "kém khách" nhất.
Nguyên nhân chính bởi gần 998 triệu cổ phiếu (tương ứng 95,44% vốn) Becamex IDC đang được sở hữu bởi cổ đông Nhà nước (UBND tỉnh Bình Dương). 3 cá nhân khác bao gồm các ông Nguyễn Văn Hùng (Chủ tịch HĐQT), Nguyễn Phú Thịnh và Phạm Ngọc Thuận (Tổng Giám đốc) lần lượt sở hữu 6,08, 1,21 và 1,1 triệu cổ phiếu BCM.
Điều này đồng nghĩa số cổ phiếu Becamex IDC trôi nổi trên thị trường chỉ còn khoảng 38,8 triệu đơn vị, được nắm giữ bởi hơn 4.800 cổ đông còn lại.
Dù thanh khoản thuộc Top thấp nhất VN30 song thực tế, Becamex mới chính là doanh nghiệp ghi nhận tốc độ gia tăng cổ đông mạnh nhất nhóm trong 1 năm qua. Cụ thể, tính đến cuối tháng 2/2024, tổng số cổ đông BCM là 4.584, cao gấp 3,83 lần con số 1.268 cổ đông ghi nhận tại ĐHCĐ thường niên hồi cuối tháng 5/2023.
Dù đã tạo ra sự khác biệt đáng kể về thanh khoản song 'quân số' cổ đông Becamex IDC vẫn thuộc Top ít nhất nhóm doanh nghiệp VN30. Cơ cấu cổ đông cô đặc với phần lớn vốn được nắm giữ bởi Nhà nước khiến giá cổ phiếu BCM vận động không quá đặc sắc trong thời gian qua. Thậm chí, tại những thời điểm giá chiết khấu mạnh cùng với thị trường chung, BCM vẫn thiếu đi sự hiện diện của những dòng tiền lớn.
Thực tế, trước khi xuất hiện nhịp tăng giá hiện hữu, cổ phiếu BCM đã miệt mài giảm 40% từ mức 82.x đồng (khi vào rổ VN30) về sát mốc 50.000 đồng/cp.
Cuối tháng 4 vừa qua, cổ phiếu BCM bất ngờ phát động nhịp tăng giá. Một trong những thông tin hỗ trợ đến từ việc, ngày 17/5/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 426/QĐ-TTg phê duyệt giảm tỷ lệ vốn Nhà nước tại Tổng CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - Mã BCM) từ 95,44% xuống hơn 65% vốn điều lệ theo lộ trình đến hết năm 2025.
Việc hạ tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước được đánh giá tạo cơ hội cho những nhà đầu tư có tiềm lực tham gia cùng với Becamex IDC, mở ra tiềm năng phát triển trong tương lai cho đại gia bất động sản khu công nghiệp này.
>> Cổ phiếu BCM xuất hiện nhịp tăng giá mạnh nhất từ khi vào rổ VN30