Một mặt hàng của Việt Nam bị Mỹ áp thuế nhập khẩu lên tới 271%
Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa công bố mức thuế sơ bộ tối đa tới hơn 271% đối với sản phẩm năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành phán quyết sơ bộ trong cuộc điều tra chống bán phá giá khi áp thuế từ 21,31% đến 271,2% đối với sản phẩm tấm pin mặt trời nhập khẩu từ Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam  - bao gồm cả từ một số nhà sản xuất thuộc sở hữu của Trung Quốc - với lý do họ có bằng chứng về giá cả và hoạt động thương mại không công bằng.
Quyết định này được Cục Quản lý Thương mại Quốc tế (ITA) thuộc Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày 29/11, sau khi các nhà sản xuất Hoa Kỳ khiếu nại rằng các nhà sản xuất Đông Nam Á đang bán phá giá các tế bào quang điện silicon tinh thể - thành phần chính trong tấm pin mặt trời - vào thị trường Hoa Kỳ với giá thấp, gây bất lợi cho các nhà sản xuất trong nước.
Động thái đó là quyết định sơ bộ quan trọng thứ hai của ITA trong năm nay. Quyết định trước đó vào ngày 1/10 đã áp dụng mức thuế cao tới 292,61% đối với việc nhập khẩu tế bào quang điện và các mô-đun được sản xuất từ chúng từ Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Đây là 4 nước Đông Nam Á cung cấp phần lớn lượng thiết bị nhập khẩu đó cho Mỹ.
>> Pin mặt trời của Việt Nam được Mỹ săn mua, xuất khẩu tăng gần gấp đôi năm ngoái 
Một số công ty bị ảnh hưởng bởi thuế quan như Jinko Solar, Trina Solar và JA Solar thuộc sở hữu hoặc có liên kết chặt chẽ với các thực thể Trung Quốc. Sau khi Bộ Thương mại Mỹ áp dụng trực tiếp thuế quan trước đó đối với các sản phẩm năng lượng mặt trời do Trung Quốc sản xuất, các nhà sản xuất năng lượng mặt trời ở “đất nước tỷ dân” đã thiết lập hoạt động tại các quốc gia như Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam để tiếp tục xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhằm tránh các mức thuế quan đó.
Ủy ban Thương mại Sản xuất Năng lượng Mặt trời của Liên minh Hoa Kỳ, một liên minh các nhà sản xuất năng lượng mặt trời có trụ sở tại “xứ sở cờ hoa”, bao gồm First Solar, Hanwha Q Cells USA và Mission Solar Energy, đã dẫn đầu vụ kiện dẫn đến mức thuế quan mới được ban hành.
Doanh nghiệp sản phẩm năng lượng Mặt Trời Việt Nam, Thái Lan chịu ảnh hưởng ra sao?
Theo quyết định ngày 29/11 của Bộ Thương mại Mỹ, sản phẩm năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Campuchia phải chịu mức thuế 117,1%.
Đối với Malaysia, mức thuế suất được đánh giá ban đầu dao động từ 17,8% đối với Jinko Solar Technology đến 81,2% đối với các nhà cung cấp khác. Hanwha Q Cells Malaysia được đánh giá sơ bộ là không có biên độ bán phá giá và do đó được chỉ định mức thuế suất ban đầu là 0%.
Sản phẩm năng lượng mặt trời nhập khẩu từ nhiều nhà xuất khẩu tại Việt Nam, bao gồm JA Solar Vietnam, Jinko Solar (Vietnam) Industries Company, Boviet Solar Technology và Trina Solar Energy Development Company, phải chịu mức thuế từ 53,2% đến 56,4%. Các nhà xuất khẩu pin quang điện silicon tinh thể tại Việt Nam không được nêu tên trong quyết định của Bộ Thương mại Mỹ ngày 29/11 phải chịu mức thuế tới 271,28%.
Bộ Thương mại Mỹ dự kiến sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về các vụ kiện chống bán phá giá và thuế đối kháng vào tháng 4 năm 2025. Vào thời điểm đó, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ sẽ xem xét các phát hiện và ban hành quyết định cuối cùng vào tháng 6 năm sau.
Mặc dù mức thuế sơ bộ có thể được điều chỉnh, nhưng chúng đã thể hiện sự gia tăng trong việc thực thi thương mại của Mỹ đối với các hành vi thương mại không công bằng trong lĩnh vực năng lượng mặt trời.
Theo Reuters/The Epoch Times