Một quốc gia "giàu nứt đố đổ vách" nhưng đa số người dân phải đi thuê nhà, trung bình 48 tuổi mới mua được căn nhà đầu tiên

19-11-2023 08:04|Hoàng Yến

9 triệu dân Thụy Sĩ là những người giàu có bậc nhất thế giới xét theo GDP bình quân đầu người, nhưng có 1 điều tưởng chừng vô lý: khoảng 60% dân số đang đi thuê nhà.

Một quốc gia

Nếu ở 1 đất nước khác, Philip Skiba sẽ tuyệt đối không ngần ngại khi mua 1 căn nhà. Là chuyên viên phân tích làm việc trong ngành tài chính với mức lương hậu hĩnh, anh đang sống ở ngoại ô Zurich, nơi kể cả những ngôi nhà mà Skiba miêu tả là xấu xí cũng có giá lên tới hàng triệu USD.

Ví dụ, năm ngoái 1 căn nhà hết sức đơn giản ở gần chỗ anh sinh sống được rao bán với giá 7,5 triệu franc Thụy Sĩ, tương đương 13 triệu USD. “Suy nghĩ đầu tiên của tôi là thật nực cười”, Skiba (41 tuổi) nói.

Anh và bạn gái đang thuê 1 căn hộ. Khi căn nhà nói trên có khách mua chỉ sau vài tuần, Skiba càng nhận thức rõ hiện thực phũ phàng ở Thụy Sĩ hiện nay: mua 1 căn nhà bỏ ở bất cứ đâu gần Zurich không còn là điều xa xỉ nữa mà là trên cả xa xỉ. “2 con, 1 ngôi nhà, 1 mảnh vườn, 2 xe hơi – trong số những người mà tôi biết, chưa có có đủ những thứ đó”.

Một quốc gia

9 triệu dân Thụy Sĩ là những người giàu có bậc nhất thế giới xét theo GDP bình quân đầu người, nhưng có 1 điều tưởng chừng vô lý: hầu hết đang đi thuê nhà. Ngày càng có nhiều người, kể cả tầng lớp chuyên gia ở thành thị cũng cảm thấy không thể bước chân vào thị trường bất động sản.

Trung bình giá 1 căn hộ studio ở Zurich là 1,7 triệu USD. Tính theo giá trên mỗi m2, giá nhà ở đây đắt hơn khoảng 80% so với Paris. Chỉ khoảng 36% dân số Thụy Sĩ sở hữu nhà riêng, tỷ lệ thấp nhất ở phương Tây và cách xa mức 70% của EU hay 67% ở Mỹ và Úc. Mặc dù nhiều người trẻ cho biết đi thuê cũng có những mặt tiện lợi, hầu hết thừa nhận đó là vì họ không còn lựa chọn nào khác.

Trung bình người Thụy Sĩ mua được ngôi nhà đầu tiên năm 48 tuổi, nhiều hơn 15 tuổi so với nước láng giềng Pháp. Ở Mỹ và nhiều nước khác, chính phủ thường khuyến khích sở hữu nhà và coi đó là dấu mốc quan trọng trong đời. Ở Thụy Sĩ, nơi 70% diện tích là đồi núi và những bất động sản cổ kính không bị tàn phá bởi các cuộc chiến tranh thế giới như ở các nước khác luôn được săn lùng ráo riết, đi thuê nhà cả đời không được coi là 1 thất bại cá nhân hay sự yếu kém của hệ thống.

Suốt từ khi thế chiến thứ hai kết thúc đến nay, hiện trạng phần lớn người dân không sở hữu nhà mà đi thuê thực ra lại giúp ích cho kinh tế Thụy Sĩ. Năm 2008, khi khủng hoảng nợ dưới chuẩn đẩy Mỹ vào suy thoái, nước này không hề hấn gì. Thậm chí “cho vay dưới chuẩn” còn không có trong từ điển Thụy Sĩ.

Nhưng bên cạnh đó vẫn có 1 sự thật phũ phàng: trong những thập kỷ gần đây, những người sở hữu nhà trở nên giàu có hơn rất nhiều so với người đi thuê. Tài sản ròng trung bình của 1 người sở hữu nhà trong độ tuổi 30 cao gấp 6 lần so với người phải đi thuê nhà và cùng độ tuổi đó. Trong nhóm 70 tuổi, chênh lệch lên tới 11 lần.

This Schalchli (37 tuổi) có 1 quán café nhỏ tại 1 ngã tư nhộn nhịp ở Zurich. Mỗi ngày anh bán được hơn 200 cốc, nhưng số tiền thu được gần như chỉ đủ để trả 3.300 USD mỗi tháng cho căn hộ 1 phòng ngủ nơi anh đang sống cùng với bạn gái và đứa con trai vừa chào đời.

“Cuối tháng là tôi lại hết tiền. Số tiền bạn phải trả khi đi thuê nhà cả đời thật điên rồ, nhưng ở thời điểm hiện tại không có giải pháp nào cho tôi cả. Gia đình tôi không có tiền mặt, chắc sẽ đi thuê cả đời”.

Hollenstein, 1 chuyên gia tâm lý 41 tuổi, vẫn cảm thấy hài lòng với chuyện đi thuê nhà. Ở Thụy Sĩ, chủ nhà không được tăng tiền thuê trừ trường hợp đặc biệt như cải tạo hoặc lãi suất tăng. Đi thuê thì dễ dàng chuyển nơi ở hơn và cũng không cần chăm chút nhà cửa quá nhiều. “Nếu lò sưởi hỏng, chỉ cần gọi chủ nhà là xong”, cô nói.

Một quốc gia

Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi từ 4 năm trước, khi vợ chồng cô có con và nhận ra họ cần 1 tổ ấm ổn định hơn. Họ tìm thấy 1 căn nhà rộng 139m2 nằm cách Zurich 25 phút đi bằng tàu hỏa. Giá là 3,6 triệu USD và cô còn phải bỏ thêm tiền để cải tạo căn nhà mà cô cho là “buồn tẻ”.

Nhưng Hollenstein đã bị sốc khi mang tất cả số tiền tiết kiệm được trong suốt mấy chục năm để đầu tư vào 1 tài sản duy nhất. “Khoảnh khắc mua nhà, tôi cảm thấy mình bị mất tự do và đã cảm thấy hơi hoảng loạn”.

Rất nhiều người Thụy Sĩ sử dụng cách đảo nợ để mua nhà. Đây là đất nước của đồng hồ xa xỉ, socola hảo hạng và cả những khoản vay thế chấp cả đời. Không có gì bất thường khi người đi vay kéo dài khoản nợ của mình cho đến lúc chết và hưởng một chút lợi ích về thuế.

Những du khách tới đất nước tươi đẹp này sẽ dễ dàng hiểu được tại sao giá nhà ở đây lại cao đến vậy khi ngắm nhìn khung cảnh từ trong ô tô nhìn ra. Những thành phố cổ kính như Bern và Zurich không bị các cuộc chiến tranh thế giới tàn phá và thực sự giống như những bảo tàng sống. Ở đường chân trời là những ngọn núi tuyết phủ quanh năm.

Trong số khoảng 30 đồng nghiệp của Skiba, hầu hết có thu nhập ít nhất 100.000 franc 1 năm nhưng chỉ có 2 người sở hữu nhà. Skiba cũng có thể mua được 1 căn nhà ở vùng nông thôn cách Zurich khoảng 60km. Nhưng anh không muốn sống ở quá xa nơi làm việc cũng như các bạn bè của mình.

“Sở hữu bất động sản là điều đã được lập trình vào DNA của con người. Nhưng hiện giờ thuê nhà là lựa chọn duy nhất nếu bạn muốn sống ở thành phố tại Thụy Sĩ”, Skiba nói.

>> Một quốc gia không có gì ngoài vàng nhưng lại nghèo nhất thế giới, dân không đủ ăn

Apple tiến gần mốc vốn hóa 4.000 tỷ USD, giá trị vượt xa thị trường chứng khoán Đức và Thụy Sĩ cộng lại

Tình báo Ukraine nói kho UAV Nga cháy, Thụy Sĩ bác bỏ tổ chức hội nghị hòa bình

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/mot-quoc-gia-giau-nut-do-do-vach-nhung-da-so-nguoi-dan-phai-di-thue-nha-211479.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Một quốc gia "giàu nứt đố đổ vách" nhưng đa số người dân phải đi thuê nhà, trung bình 48 tuổi mới mua được căn nhà đầu tiên
    POWERED BY ONECMS & INTECH