Một tỷ phú USD của Việt Nam hao hụt tài sản 2 năm liên tiếp
Tài sản của 6 tỷ phú USD Việt Nam đã phục hồi đáng kể trong năm 2024, nhưng vẫn chưa thể trở lại mức đỉnh cuối năm 2021, thời điểm trước khi thị trường chứng khoán đối mặt với loạt biến cố lớn.
Việt Nam có 6 tỷ phú USD trong danh sách của Forbes năm 2024 |
Theo cập nhật mới nhất (27/12) của Forbes, danh sách tỷ phú USD của Việt Nam có 6 cá nhân gồm: Chủ tịch HĐQT Vingroup  - ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát - ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT VietJet Air  - bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Thaco Group - ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Techcombank - ông Hồ Hùng Anh và Chủ tịch HĐQT Masan Group  - ông Nguyễn Đăng Quang.
Tổng tài sản của các tỷ phú đạt 13,4 tỷ USD, tăng 800 triệu USD so với cuối năm 2023.
Ông Phạm Nhật Vượng sở hữu khối tài sản 4,1 tỷ USD, xếp thứ 833 thế giới. Ông Vượng hiện trực tiếp nắm hơn 691 triệu cổ phiếu VIC và gián tiếp sở hữu thông qua các công ty như GSM, VMI và Vietnam Investment Group.
Tài sản giảm: Tài sản của ông Trần Bá Dương và ông Nguyễn Đăng Quang cùng giảm 200 triệu USD so với cuối năm 2023. Ông Nguyễn Đăng Quang thường xuyên ra vào danh sách tỷ phú Forbes do biến động cổ phiếu MSN. Năm 2023, ông từng rời danh sách từ tháng 10 khi cổ phiếu Masan giảm hơn 30% từ đỉnh.
Tài sản tăng: Người tăng mạnh nhất là bà Nguyễn Thị Phương Thảo khi có thêm 700 triệu USD, đạt 2,9 tỷ USD, xếp thứ 1.185 thế giới. Bên cạnh vai trò là người đứng đầu VietJet Air, bà Thảo còn là Phó Chủ tịch HĐQT HDBank . Từ đầu năm 2024 tới nay, cổ phiếu HDB đã tăng hơn 50% lên mức đỉnh lịch sử gần 25.000 đồng trong phiên 27/12.
Tương tự, ông Trần Đình Long và ông Hồ Hùng Anh cũng ghi nhận mức tăng lần lượt là 600 triệu USD và 300 triệu USD nhờ diễn biến tích cực của cổ phiếu HPG và TCB.
Từ đầu năm 2022 đến nay, trong số 6 tỷ phú Việt Nam, chỉ có Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát  ghi nhận tài sản gia tăng. Trong khi đó, 5 tỷ phú còn lại đều chứng kiến tài sản sụt giảm, chủ yếu do những biến động trên thị trường chứng khoán, bao gồm thao túng giá cổ phiếu, khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp và áp lực lạm phát.
Người giảm mạnh nhất là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup. Đáng chú ý, Chủ tịch Tập đoàn Masan cũng trải qua năm thứ hai liên tiếp ghi nhận tài sản hao hụt.
>> Một ngân hàng được dự báo lập chuỗi 13 năm tăng trưởng lợi nhuận, cổ phiếu lập đỉnh mới 
Công ty riêng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng 'bất ngờ' ra mắt dòng bia mới mang tên Hanoi Autumn