Mỹ kêu gọi Trung Quốc dùng ảnh hưởng với Nga và Triều Tiên
Mỹ và Hàn Quốc kêu gọi Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình với Nga và Triều Tiên để ngăn chặn leo thang, sau khi Bình Nhưỡng được cho là đã đưa hàng nghìn binh sĩ đến Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un trong cuộc gặp ở Vladivostok, năm 2019. (Ảnh: AP) |
Trong cuộc họp hiếm thấy vào đầu tuần này, ba nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đã gặp đại sứ Trung Quốc tại Mỹ để nhấn mạnh những lo ngại của Washington và thúc giục Bắc Kinh dùng ảnh hưởng của mình với Triều Tiên  để hạn chế hợp tác, AP dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Ngày 31/10, Ngoại trưởng Antony Blinken xác nhận các bên đã có "cuộc thảo luận sôi nổi trong tuần này" và Trung Quốc biết Mỹ kỳ vọng họ “sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình để kiềm chế những hoạt động này".
"Nhưng tôi nghĩ rằng đây là tín hiệu yêu cầu không chỉ đến từ chúng tôi mà còn từ các quốc gia khác trên thế giới", ông Blinken phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington cùng Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và hai quan chức đồng cấp Hàn Quốc.
Phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington Liu Pengyu cho biết trong một tuyên bố, rằng lập trường của Trung Quốc về cuộc khủng hoảng Ukraine là "nhất quán và rõ ràng".
Mỹ tin rằng 8.000 binh lính Triều Tiên đang có mặt ở tỉnh biên giới của Nga và sẽ tham gia hỗ trợ quân đội Nga chống lại Ukraine trong những ngày tới. Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bình luận công khai về động thái này.
Bắc Kinh có quan hệ đối tác "không giới hạn" với Mátxcơva, đồng thời là đồng minh lớn của Bình Nhưỡng. Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh có thể không thích quan hệ hợp tác quân sự chặt chẽ hơn giữa Nga và Triều Tiên vì lo tình hình khu vực thay đổi.
Ông Shi Yinhong, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng quan hệ đối tác Nga-Triều Tiên đi ngược lại mục tiêu của Bắc Kinh về một bán đảo Triều Tiên ổn định.
Ông Shi nói rằng Bắc Kinh "hiểu sự phức tạp và nguy hiểm của tình hình", lưu ý rằng việc Trung Quốc “vẫn chưa nói gì về thỏa thuận liên minh quân sự giữa Triều Tiên và Nga cho thấy Bắc Kinh cực kỳ không đồng tình với thỏa thuận này".
Dennis Wilder, thành viên cấp cao của Sáng kiến Đối thoại Mỹ - Trung về các vấn đề toàn cầu tại Đại học Georgetown, cho rằng sự im lặng của Bắc Kinh về động thái của Triều Tiên là "đáng kinh ngạc". Ông cho rằng Bắc Kinh phải tìm ra sự cân bằng giữa việc ủng hộ Mátxcơva và không làm xấu thêm quan hệ với phương Tây.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói trong cuộc họp báo ngày 31/10, rằng Trung Quốc "nên hỏi Nga một số câu hỏi khó vào thời điểm này và liệu họ có ý định mở rộng xung đột bằng cách làm này hay không".
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Dan Kritenbrink và Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu James O'Brien đã gặp phái viên Trung Quốc Tạ Phong tại Washington hôm 29/10, quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Ông Lu Chao - Giám đốc Viện Nghiên cứu về Mỹ và Đông Á tại Đại học Liêu Ninh, Trung Quốc, cho rằng Mỹ không nên mong đợi Trung Quốc kiềm chế Triều Tiên.
"Tôi hy vọng Chính phủ Mỹ có thể hiểu lập trường của Trung Quốc", ông Lu nói.
>> Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa mới 
Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa mới 
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Triều Tiên mới phóng có thể bay tới bờ biển Mỹ