Mỹ: Khoảng 10.000 nhân viên khách sạn đình công tại nhiều địa điểm du lịch trong ngày nghỉ lễ Lao Động
Cuộc đình công diễn ra giữa bối cảnh ngành du lịch Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ trong kỳ nghỉ Lễ Lao động nước này. Cuộc đàm phán về tiền lương và điều kiện làm việc vẫn chưa đạt được thỏa thuận.
Khoảng 10.000 nhân viên khách sạn tại Mỹ đã bắt đầu cuộc đình công kéo dài nhiều ngày tại một số thành phố vào ngày 1/9, sau khi các cuộc đàm phán hợp đồng với các tập đoàn khách sạn như Marriott International , Hilton và Hyatt bị đình trệ, theo thông tin từ công đoàn Unite Here.
Unite Here, tổ chức đại diện cho người lao động tại các khách sạn, sòng bạc và sân bay trên khắp Mỹ và Canada, cho biết hàng nghìn công nhân tại 24 khách sạn đang đình công tại các điểm đến du lịch lớn như San Francisco, San Diego (bang California), Honolulu (Hawaii), Boston, Seattle và Greenwich (bang Connecticut). Nhiều công nhân tại các thành phố khác cũng sẵn sàng tham gia cuộc đình công trong kỳ nghỉ Lễ Lao động.
Cuộc đình công diễn ra trong bối cảnh ngành hàng không đang đối mặt với lượng khách du lịch nội địa tăng 9% so với năm ngoái, theo dữ liệu đặt vé của AAA.
"Các cuộc đình công cũng đã được phê duyệt và có thể bắt đầu bất cứ lúc nào" tại Baltimore, New Haven, Oakland và Providence, công đoàn cho biết trong một tuyên bố, khi nhân viên và các nhà điều hành khách sạn đang đấu tranh để đạt được thỏa thuận về tiền lương và phục hồi việc làm đã bị cắt giảm trong đại dịch. Theo công đoàn, nhân viên khách sạn đang phải làm việc quá sức, với tình trạng ba nhân viên đảm nhận công việc của bốn người, dẫn đến căng thẳng và tập trung vào tốc độ thay vì chất lượng dịch vụ.
“Kể từ khi có COVID-19, họ mong đợi chúng tôi cung cấp dịch vụ năm sao với đội ngũ nhân viên ba sao,” một nhân viên tại Khách sạn Marriott's Palace ở San Francisco  chia sẻ.
Những nhân viên dọn phòng khách sạn tại Baltimore đang đấu tranh để nâng mức lương từ 16,20 USD lên 20 USD mỗi giờ. Tại Boston, nơi mức lương hiện tại là 28 USD mỗi giờ, công đoàn đang yêu cầu tăng thêm 10 USD mỗi giờ trong bốn năm tới.
Cả Hilton và Hyatt đều khẳng định vẫn cam kết đàm phán một thỏa thuận công bằng với công đoàn. Ông Michael D’Angelo, giám đốc quan hệ lao động của Hyatt, cho biết tập đoàn này đã chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch dự phòng để giảm thiểu tác động đến hoạt động của khách sạn trong trường hợp xảy ra đình công.
Cuộc đình công diễn ra trong bối cảnh 40.000 nhân viên khách sạn thuộc Unite Here tại hơn 20 thành phố phải đối mặt với việc hợp đồng lao động hết hạn trong năm nay. Các cuộc đàm phán về hợp đồng mới kéo dài bốn năm đã diễn ra từ tháng 5, và khoảng 15.000 trong số những công nhân này đã được cho phép đình công tại 12 thị trường.
Bà Gwen Mills, Chủ tịch của Unite Here, nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không chấp nhận một ‘trạng thái bình thường mới’ nơi các công ty khách sạn hưởng lợi bằng cách cắt giảm dịch vụ cho khách hàng và từ bỏ cam kết với người lao động,” đồng thời yêu cầu một thỏa thuận tốt hơn.
Công đoàn cũng kêu gọi du khách hủy đặt phòng khách sạn nếu công nhân đình công và yêu cầu hoàn tiền mà không bị phạt.
Năm 2023, người làm công của Unite Here đã giành được hợp đồng kỷ lục tại Los Angeles  sau các cuộc đình công liên tục, và tại Detroit sau cuộc đình công kéo dài 47 ngày.
Theo CNBC
>>Các cuộc biểu tình phản đối ‘du lịch đại trà’ lan khắp châu Âu 
Boeing 'đau đầu' vì 32.000 nhân viên sắp đình công, lỗ hơn 33 tỷ USD trong 5 năm 
Các khách sạn, quán bar và bảo tàng ở Pháp lãi lớn nhờ Olympic