Mỹ phát hiện kho báu ‘vàng trắng’ khổng lồ có thể thay đổi cục diện thế giới, tỷ phú Warren Buffett hưởng lợi lớn
Khai thác lithium được coi là "giấy phép in tiền" giúp Mỹ dẫn đầu cuộc cách mạng năng lượng xanh.
Maria Nava-Froelich, thị trưởng Calipatria, California, đang đứng bên bờ biển, chứng kiến bùn địa nhiệt sủi bọt như món hầm thời tiền sử ở rìa Biển Salton. Được bồi đắp bởi sông Colorado đang cạn dần, biển nội địa lớn nhất của tiểu bang đang co lại, phát tán bụi thuốc trừ sâu độc hại và bệnh phổi theo sau, tàn phá quần thể cá, đe dọa các loài chim di cư.
Bên dưới lớp bùn đó là một lượng lớn lithium, từng được coi là vô giá trị, nằm sâu hơn một dặm bên dưới lớp bùn địa nhiệt ở sa mạc phía Bắc Mexico và phía Đông San Diego, đủ để đáp ứng nhu cầu nội địa của Mỹ, thậm chí còn có thể xuất khẩu nếu khai thác hiệu quả.
Điều này khiến bà Nava-Froelich cùng nhiều người dân địa phương hy vọng về một cơn sốt “vàng trắng”  tiếp theo ở California khi Washington đang đấu tranh để nới lỏng sự kìm kẹp của Trung Quốc đối với nguyên tố này. "Hiện có rất nhiều sự quan tâm đến lithium", bà Nava-Froelich nói. "Nó có thể giúp chúng tôi giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc".
Nhu cầu về lithium, nguyên liệu thiết yếu để sản xuất pin cho xe điện và máy bay chiến đấu, được dự đoán sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2030. Điều này đã khiến California, với “Thung lũng Lithium”, trở thành tâm điểm chú ý trong cuộc đua xanh hóa. Elon Musk, giám đốc điều hành Tesla, thậm chí còn ví việc khai thác lithium như một "giấy phép in tiền".
Hiện nay, Trung Quốc đang nắm giữ vị trí thống trị trong chuỗi cung ứng các khoáng sản chiến lược, đặc biệt là lithium. Với 60% nguồn cung hóa chất lithium và 75% sản lượng pin lithium-ion toàn cầu, Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đến thị trường năng lượng xanh. Trong khi đó, Mỹ chỉ sở hữu một số mỏ lithium quy mô nhỏ ở Arkansas, Nevada, North Carolina và Utah. Mỏ duy nhất đang hoạt động tại Nevada chỉ chiếm dưới 1% tổng sản lượng toàn cầu.
Vào năm 2021, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, một kế hoạch khai thác mỏ lộ thiên trị giá 1 tỷ USD tại mỏ Thacker Pass tại Nevada đã được phê duyệt. Tổng thống Joe Biden cũng tiếp tục đẩy mạnh dự án này sau khi nhậm chức. Mỏ này do công ty Lithium Americas vận hành, được kỳ vọng sẽ cung cấp một lượng lớn lithium cho thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, khai thác lithium tại Mỹ gặp nhiều phản đối từ người dân do lo ngại về tác động môi trường. Để giải quyết vấn đề này, một số dự án, như khai thác địa nhiệt tại thung lũng Imperial, được kỳ vọng sẽ giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Thung lũng Imperial, California đang trở thành tâm điểm của cuộc đua khai thác lithium, một nguyên liệu quan trọng cho pin xe điện. Hiện tại, ba công ty địa nhiệt là Berkshire Hathaway Energy, Controlled Thermal Resources, và EnergySource Minerals đang thử nghiệm quy mô nhỏ.
Điều đáng chú ý là các nhà máy địa nhiệt tại đây, vốn được sử dụng để sản xuất điện, nay lại trở thành nguồn khai thác lithium  tiềm năng. Berkshire Hathaway, sở hữu của tỷ phú Warren Buffett, là một ví dụ điển hình với 10 nhà máy địa nhiệt hiện có và chắc chắn sẽ hưởng lợi lớn. Những nhà máy này từ lâu đã khai thác nước muối nóng từ lòng đất để sản xuất điện, nhưng lithium trước đây chưa được quan tâm đúng mức.
Với trữ lượng lithium ước tính lên tới 15 triệu tấn, thung lũng Imperial có tiềm năng trở thành mỏ lithium lớn nhất thế giới. Ba công ty này đang đặt mục tiêu sản xuất 100.000 tấn lithium mỗi năm vào năm 2027, đủ để cung cấp năng lượng cho 50.000 xe điện.
Michael McKibben, nhà địa hóa học từ Đại học California, Riverside, dự đoán rằng trong vòng 5 năm tới, Mỹ hoàn toàn có thể trở thành nhà cung cấp lithium hàng đầu thế giới.
Mặc dù Trung Quốc dự kiến sẽ thống trị chuỗi cung ứng pin lithium-ion trong thập kỷ tới, các nỗ lực dài hạn của Mỹ và các quốc gia châu Âu như Anh, Đức và Pháp có thể tạo ra áp lực lớn lên Trung Quốc.
Tại Calipatria, người dân đang mơ về sự phát triển các khu công nghiệp, thành phố thông minh và dự án nhà ở nhờ vào nguồn lợi từ lithium. Khu vực này từng chứng kiến thời kỳ thịnh vượng vào những năm 1950 và 1960 khi các ngôi sao Hollywood đổ về “Salton Riviera” để tận hưởng mùa hè và các hoạt động thể thao dưới nước. Tuy nhiên, hiện nay nông nghiệp, động lực kinh tế chính của vùng, đang bị đe dọa bởi tình trạng thiếu nước. Dân số tại đây đã giảm 15% từ năm 2010 đến 2020.
Khi thị trưởng Nava-Froelich đến thăm thị trấn Niland, nơi bà lớn lên, bà chứng kiến cảnh những ngôi nhà bị cháy đổ, bưu điện và cửa hàng tạp hóa bị bỏ hoang sau các vụ hỏa hoạn gần đây. Đồ đạc hỏng hóc nằm rải rác khắp nơi, biểu hiện cho sự suy tàn của một thị trấn từng phát triển.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững, Ủy ban Thung lũng Lithium đã được thành lập với mục tiêu quản lý nguồn tài nguyên này một cách hiệu quả và minh bạch. Một phần thuế từ khai thác lithium sẽ được dùng để khắc phục ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tại biển Salton, và cải thiện sức khỏe cho cộng đồng.
"Họ nói rằng bệnh hen suyễn không phải là vấn đề lớn, nhưng nhiều người ở đây bị chảy máu cam thường xuyên", ông Jerry Prado, một người dân địa phương 83 tuổi chia sẻ.
Các quan chức thung lũng Imperial đang tích cực thúc đẩy việc xây dựng một chuỗi cung ứng lithium khép kín ngay tại địa phương, từ khai thác đến sản xuất pin và xe điện. Mục tiêu là không chỉ giảm chi phí mà còn tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Giám sát viên quận Ryan Kelley chia sẻ: "Thật lãng phí khi lithium khai thác được tại đây lại phải vận chuyển ra nước ngoài, bao gồm cả Trung Quốc. Dù có mâu thuẫn lợi ích, mọi người vẫn cảm thấy lạc quan về tiềm năng của khu vực này”.
Theo SCMP
>> Các 'ông lớn' khai khoáng Trung Quốc đổ vốn vào Zimbabwe bất chấp giá lithium giảm 90%