Mỹ ‘tiếp quản Dải Gaza’ là chuyện hoang đường?
Từng chỉ trích việc xây dựng quốc gia, giờ đây Tổng thống Donald Trump nói về việc Mỹ sẽ tiếp quản một vùng đất ở Trung Đông, trục xuất người Palestine và biến nó thành "Riviera của Trung Đông".
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng, ngày 4/1. (Ảnh: NYT) |
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ca ngợi Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn có "suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ". Nhưng với Dải Gaza, ý tưởng mà ông Trump đưa ra dường như vượt xa mọi tưởng tượng.
Tuyên bố của ông Trump về ý định giành quyền kiểm soát Dải Gaza, di dời người Palestine và biến vùng đất ven biển này thành "Riviera của Trung Đông" là ý tưởng có thể gây chú ý trong các chương trình truyền hình, vì tính khiêu khích, hấp dẫn, kỳ quặc, vô lý.
Nhưng giờ đây, với vai trò tổng thống, ông Trump đưa ra những ý tưởng ngày càng táo bạo hơn về việc vẽ lại bản đồ thế giới theo kiểu của chủ nghĩa đế quốc thế kỷ 19, báo New York Times viết trong bài bình luận đăng hôm nay (5/2).
Đầu tiên là mua Greenland, sau đó sáp nhập Canada, giành lại kênh đào Panama và đổi tên Vịnh Mexico. Trong tuyên bố mới nhất, ông nói về chuyện tiếp quản một vùng đất bị xung đột tàn phá ở Trung Đông mà không một tổng thống Mỹ nào khác muốn làm.
Không có cơ sở pháp lý nào cho phép Mỹ đơn phương khẳng định quyền kiểm soát đối với lãnh thổ của quốc gia khác hoặc cưỡng bức di dời toàn bộ dân số ở lãnh thổ đó. Điều này là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.
Việc tái định cư 2 triệu người Palestine cũng sẽ là một thách thức to lớn về hậu cần và tài chính, chưa kể vấn đề mâu thuẫn chính trị, sự cần thiết phải điều động hàng nghìn lính Mỹ và nguy cơ gây ra nhiều xung đột bạo lực hơn.
Ý tưởng của ông Trump dường như là tham vọng mở rộng nhiều nhất sức mạnh và của cải của Mỹ ở Trung Đông kể từ chiến dịch tấn công và tái thiết Iraq cách đây 2 thập kỷ. Đó sẽ là sự đảo ngược đáng kinh ngạc đối với vị tổng thống khi tranh cử lần đầu tiên vào năm 2016 đã chỉ trích việc xây dựng quốc gia và tuyên bố sẽ đưa Mỹ ra khỏi Trung Đông.
Đối với nhiều người, ý tưởng mà ông Trump đưa ra là hoang đường.
“Đây thực sự là đề xuất chính sách khó hiểu nhất mà tôi từng nghe từ một tổng thống Mỹ”, Andrew Miller, cựu cố vấn chính sách Trung Đông dưới thời Tổng thống Barack Obama, nhận xét.
“Mỹ sẽ tiếp quản Dải Gaza, bao gồm việc triển khai quân đội Mỹ, không chỉ là cực đoan mà còn hoàn toàn xa rời thực tế,” Halie Soifer, giám đốc điều hành của Hội đồng Dân chủ Do Thái ở Mỹ, đánh giá.
“Điều này đang xảy ra trong thế giới nào vậy?", Khaled Elgindy, một học giả thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Ả-rập đương đại thuộc Đại học Georgetown, đặt câu hỏi. Ông cho rằng phát biểu của ông Trump “thực sự kỳ lạ và không mạch lạc”, đặt ra nhiều câu hỏi hơn câu trả lời.
“Ông ấy đang nói theo thuật ngữ địa - chính trị hay chỉ coi Dải Gaza là dự án phát triển bờ biển khổng lồ? Và điều đó vì lợi ích của ai? Chắc chắn không phải người Palestine, những người sẽ bị ‘di dời’ hàng loạt. Liệu Mỹ có trở thành kẻ chiếm đóng mới ở Dải Gaza thay Israel không? Điều này phục vụ gì cho lợi ích gì của Mỹ?”, ông Elgindy nêu hoài nghi.
Một số người như Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen của đảng Dân chủ gọi đây là kế hoạch "thanh trừng sắc tộc dưới một cái tên khác".
Không rõ liệu Thủ tướng Netanyahu có ủng hộ kế hoạch của ông Trump hay không, nhưng đã cười tươi khi nhà lãnh đạo Mỹ nói về việc đưa tất cả người Palestine ra khỏi Dải Gaza, điều mà Israel cũng chưa dám làm.
Ông Trump  có vẻ đã lấy ý tưởng mà con rể Jared Kushner của ông đưa ra năm ngoái, rằng "bất động sản ven biển ở Dải Gaza có thể rất có giá trị", và đề xuất Israel "di dời người dân ra khỏi đó rồi dọn dẹp". Nhưng ông Kushner không nói đến việc buộc người Palestine phải rời đi vĩnh viễn hay việc Mỹ sẽ tiếp quản.
Dải Gaza (Gaza Strip) nằm giáp biển, sau lưng là Israel. |
Tiền lệ xấu
Việc giành quyền kiểm soát Dải Gaza có thể sẽ đưa Mỹ vào cuộc xung đột Israel - Palestine theo cách mà các tổng thống từ thời Harry S. Truman vẫn cố né tránh.
Mỹ từ lâu vẫn cung cấp vũ khí cho Israel, ủng hộ nước này về mặt ngoại giao và cố gắng làm trung gian cho các thỏa thuận hòa bình. Hàng trăm quân nhân Mỹ phục vụ trong lực lượng gìn giữ hòa bình tại Sinai trong hơn 4 thập kỷ. Chính quyền Tổng thống Joe Biden tiền nhiệm đã hai lần điều lực lượng không quân và hải quân Mỹ bảo vệ Israel vào năm ngoái, nhằm đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran.
Tuy nhiên, các tổng thống Mỹ tránh xa việc triển khai đông đảo bộ binh Mỹ đến Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine. Năm ngoái, khi quân đội Mỹ dựng cầu tàu nổi tạm thời để cung cấp hàng viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza, chính quyền cựu Tổng thống Biden không đưa quân đội đổ bộ vào đó.
Aaron David Miller, cựu đại diện của Mỹ về đàm phán hòa bình Trung Đông làm việc tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế, cho rằng đề xuất của ông Trump cơ bản trái ngược với những quan điểm của ông xưa nay về xây dựng quốc gia và có thể làm suy yếu mong muốn làm trung gian cho thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa với Ả-rập Xê-út và Israel.
Ông Miller cũng cho rằng điều này sẽ trở thành tiền lệ xấu, khiến các cường quốc khác tự ý tiếp quản lãnh thổ của nước khác theo ý của họ.
Tuy nhiên, chuyên gia đàm phán này cho rằng kế hoạch của ông Trump “chắc chắn không thể xảy ra".
Ông cho rằng đây có thể là cách nhà lãnh đạo Mỹ gây mất tập trung vào những nội dung khác của cuộc họp với Thủ tướng Netanyahu.
>>Ông Trump muốn Mỹ tiếp quản dải Gaza, kêu gọi người Palestine di dời vĩnh viễn
Quan chức Hamas cáo buộc ông Trump gây bất ổn khi muốn Mỹ tiếp quản Dải Gaza 
Ông Trump muốn Mỹ tiếp quản dải Gaza, kêu gọi người Palestine di dời vĩnh viễn