Năm 2023, diện tích nhà ở toàn quốc dự kiến đạt khoảng 26 m2/sàn/người

24-12-2022 09:25|Thúy Hạnh

Năm 2023, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 26 m2/sàn/người. Con số này tăng hơn so với con số đã đạt được của năm 2022 là 25,5 m2 sàn/người.

Tại hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 diễn ra tai Hà Nội ngày 23/12, Bộ Xây dựng cho biết, tập hợp số liệu từ các địa phương cho thấy, năm qua, cả nước đã khởi công 19 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp với khoảng 33.194 căn, có tổng diện tích xây dựng 1.802.932 m2.

Đẩy mạnh các chương trình phát triển nhà ở xã hội tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tính đến nay trên cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.790.000 m2.

Hiện cả nước đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn với tổng diện tích khoảng 22.718.000 m2 trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng.

Thực hiện Nghị định của Chính phủ về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các địa phương đẩy nhanh tốc độ thực hiện kiểm định, xây dựng kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ; trong đó ưu tiên triển khai các khu chung cư nguy hiểm, thuộc diện phải phá dỡ. Điển hình là trong năm 2022, Tp. Hồ Chí Minh đã triển khai 2 dự án dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư với quy mô 1.926 căn.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã triển khai 3 đoàn kiểm tra, làm việc trực tiếp với UBND các tỉnh Thừa Thiên Huế, Bình Định, Thanh Hóa với nội dung quản lý nhà nước về nhà ở và thị trường bất động sản giai đoạn 2016 - 2020; đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Bộ Xây dựng cũng kiểm tra trực tiếp một số dự án khu đô thị, khu phức hợp, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, các sàn giao dịch bất động sản; việc quản lý vận hành nhà chung cư, việc triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 tại 04 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Hậu Giang...

Cùng với việc ban hành Chương trình hành động và thành lập Tổ công tác liên ngành triển khai về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, trong đó có chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ.

Nổi bật là việc nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".

bat-dong-san-ha-noi.jpg
Năm 2023, diện tích nhà ở toàn quốc dự kiến đạt khoảng 26 m2/sàn/người. (Ảnh minh họa)

Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Tổ công tác liên ngành đã làm việc trực tiếp với 12 địa phương để thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ; yêu cầu 22 địa phương trọng điểm báo cáo tình hình triển khai thực hiện và nhu cầu vay vốn, các tồn tại, hạn chế và kiến nghị để Tổ công tác nắm bắt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đánh giá, trong phát triển nhà ở vẫn còn nhiều vấn đề hạn chế. Cụ thể như thiếu nguồn cung ở các phân khúc, cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa phù hợp với nhu cầu thị trường, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Giá bất động sản tăng cao gây khó khăn cho những người mua có nhu cầu ở thực.

Bởi vậy, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, cần sớm xây dựng kế hoạch, phổ biến cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan vì ngành xây dựng chịu khá nhiều tác động của hệ thống chính sách này. Việc tập huấn các quy định liên quan đến ngành nên được phổ biến, tập huấn ngay từ đầu năm để phục vụ việc tham mưu kịp thời, đúng đắn. Đặc biệt, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ cần sự quan tâm nhập cuốc và cùng thúc đẩy của các địa phương để đạt hiệu quả.

Năm 2023, Bộ Xây dựng thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đồng thời, Bộ sẽ chủ động nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành văn bản theo thẩm quyền hoặc đề xuất Chính phủ ban hành Nghị đinh hướng dẫn về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và khu đô thị.

Bên cạnh việc đó, Tổ công tác liên ngành tiếp tục làm việc với một số địa phương để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

Mặt khác, Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội xác định nhu cầu và triển khai cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; theo dõi tình hình thực hiện việc cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ.

Cơ chế, chính sách cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng với giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản, khắc phục lệch pha cung - cầu sản phẩm bất động sản; trong đó, chú trọng khuyến khích phát triển sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá phù hợp.

Một số chỉ tiêu kế hoạch của Bộ Xây dựng trong năm 2023:

Tốc độ tăng trưởng của ngành ước đạt 8 - 8,5%; Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt 41,7%, tăng 1,2% so với năm 2021; Tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%.

Định hướng năm 2023, Bộ Xây dựng phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng về xây dựng phấn đấu đạt 6,5 - 7%; Tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực nội thành/nội thị ước đạt 42,6%; Tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực toàn đô thị ước đạt 53,9%; Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 96%; Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm xuống khoảng 16%; Tỷ lệ thu gom xử lý nước thải đạt khoảng 17%; Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 26 m2 sàn/người; Sản lượng sản xuất xi măng khoảng 93,13 triệu tấn…

Ngành Xây dựng sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; Đẩy mạnh công tác các quản lý đầu tư xây dựng, giám sát chất lượng công trình, quản lý quy hoạch, kiến trúc, quản lý phát triển đô thị, quản lý hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, quản lý vật liệu xây dựng; Chú trọng công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện và sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập…

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ ra nguyên nhân nhà phân lô bán nền 'ế'

Bãi bỏ 12 thông tư về tài chính đất đai

Bài thuộc chủ đề Xây dựng
Theo Kiến Thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nam-2023-dien-tich-nha-o-toan-quoc-du-kien-dat-khoang-26-m2sannguoi-163534.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Năm 2023, diện tích nhà ở toàn quốc dự kiến đạt khoảng 26 m2/sàn/người
    POWERED BY ONECMS & INTECH