Nam Cường Hà Nội dưới tay 2 "nữ tướng" kinh doanh ra sao?
Nam Cường đang được chèo lái bởi 2 "nữ tướng" sau khi doanh nhân Trần Văn Cường ra đi.
Kể từ khi cố Chủ tịch Trần Văn Cường qua đời, bà Lê Thị Thúy Ngà đã đèo lái con tàu Nam Cường trên cương vị Chủ tịch HĐQT, sau đó Nam Cường Hà Nội có thêm nữ Phó Chủ tịch xinh đẹp ở tuổi 20.
Hành trình gần 40 năm thăng trầm của Nam Cường
Câu chuyện của cố doanh nhân Trần Văn Cường (1958 – 2010) – người sáng lập Nam Cường Hà Nội là trường hợp đem đến nhiều cảm hứng.
Ông Cường sinh năm 1958 tại một vùng quê ở Nam Định, là người thứ con thứ 3 trong gia đình 10 anh em. Trong những năm tháng nghèo khó lênh đênh cùng gia đình với nghề sông nước, ông Cường không có điều kiện để học hành bài bản. Mới hết lớp 6 phổ thông, ông phải nghỉ học cùng bố mẹ lao động vất vả kiếm sống. Sau đó, ở những năm tuổi 20, với tấm bằng thuyền trưởng, ông là chỉ huy con tàu số 889 vận chuyển phân đạm trên các tuyến sông phía Bắc.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) là mốc đánh dấu quan trọng cho thời kỳ đổi mới. Nắm bắt cơ hội này, năm 1989, ông Cường thành lập và giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổ hợp dịch vụ Vận tải – Vật tư nông nghiệp và Xây dựng Xuân Thuỷ. Đây cũng là tiền thân của Nam Cường Group sau này.
Đến năm 1994, HTX chuyển đổi thành Công ty TNHH Nam Cường và bổ sung ngành nghề kinh doanh xuất nhập khẩu phân đạm và các thiết bị vật tư nông nghiệp.
Sau khi tăng vốn điều lệ lên thành 595 tỷ đồng vào năm 1998, Nam Cường dưới sự dẫn dắt của ông Trần Văn Cường đã tập trung phát triển các lĩnh vực quy hoạch đô thị, đầu tư phát triển bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng, tham gia đầu tư hàng loạt KĐT tại Hà Nội, TP Hải Dương và TP Nam Định.
Đầu năm 2008, Tập đoàn Nam Cường ra đời. Cũng trong năm 2008, Nam Cường đạt mức 16.006 tỷ đồng vốn điều lệ - con số rất lớn ở thời điểm đó, và thậm chí vẫn đứng hàng top các doanh nghiệp quy mô lớn Việt Nam hiện tại.
Năm 2008, Nam Cường khởi công dự án đường Lê Văn Lương kéo dài với tổng chiều dài 7,7 km, nối liền cửa ngõ phía Tây với trung tâm Hà Nội.
Năm 2010 đánh dấu một nốt trầm trong quá trình phát triển của Nam Cường, khi Chủ tịch Trần Văn Cường qua đời. Vợ của ông Cường là bà Lê Thị Thúy Ngà, đã thay mặt chồng tổ chức khánh thành dự án đường Lê Văn Lương kéo dài.
Cũng chính từ thời điểm đó, Nam Cường bước vào một giai đoạn mới, dưới sự tiếp quản và lãnh đạo của Chủ tịch đương nhiệm Lê Thị Thúy Ngà – người sát cánh cùng ông Trần Văn Cường từ những ngày đầu khởi nghiệp.
Cùng với đó, con gái của ông Cường và bà Ngà là Trần Thị Quỳnh Ngọc cũng bắt đầu tham gia vào các hoạt động kinh doanh của gia đình từ năm 2010.
Tháng 1/2013, bà Ngọc với vai trò trưởng ban biên tập, đã cho ra mắt tập san nội bộ số đầu tiên, ghi lại những câu chuyện về ông Cường, về các cán bộ, nhân viên và những điểm nhấn trong hoạt động của Nam Cường.
Năm 2014, bà Ngọc trở thành Phó Chủ tịch HĐQT của Nam Cường. Tại lần thay đổi đăng ký doanh nghiệp gần nhất vào tháng 12/2016, Nam Cường có vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng. Trong đó, bà Ngà sở hữu đến 94% (2.115 tỷ đồng) và bà Ngọc nắm 3% (67,5 tỷ đồng).
Tháng 4/2014, doanh nghiệp của bà Ngà lọt top 20 gia đình kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam, theo Forbes Việt Nam. Cũng trong năm này, bà Ngà được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp xây dựng".
Cơ ngơi bất động sản nghìn tỷ
Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay, hệ thống bất động sản Nam Cường của bà Ngà đã được thành hình với sự ra đời và phát triển đa dạng về các loại hình nhà ở, khu du lịch nghỉ dưỡng tại nhiều tỉnh, thành khác nhau như Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Phú Quốc hay Hải Phòng.
Tại Hà Nội, bên cạnh KĐT Dương Nội, Hà Đông 197ha, Nam Cường còn sở hữu các dự án lớn gồm KĐTM Cổ Nhuế (17,6 ha, quận Bắc Từ Liêm) với hàng nghìn căn hộ chung cư. Tập đoàn này ghi dấu ấn trên thị trường năm 2010 bởi những căn hộ có giá dưới 1 tỷ đồng, đem lại cơ hội có nhà ở cho các gia đình trẻ chưa có nhiều tiền tích lũy.
Tại Nam Định, Nam Cường đầu tư ba dự án, gồm KĐT Hòa Vượng (55,4 ha); KĐT Thống Nhất (63,9 ha) và KĐT Mỹ Trung (191,5 ha). Tất cả các dự án đều đã hoàn thành và bàn giao.
Tại Hải Dương, doanh nghiệp cũng đã triển khai hai dự án lớn, bao gồm Khu văn hóa thể thao - đô thị mới phía Đông TP Hải Dương (138 ha) và Khu thương mại - du lịch - đô thị phía Tây TP Hải Dương (595 ha).
Trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, Nam Cường có các dự án như Khu tổ hợp dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Nam Cường Phú Quốc tại tỉnh Kiên Giang (32,32 ha), cùng hàng loạt khách sạn, như Khách sạn Nam Cường Hải Phòng, Khách sạn Nam Cường Nam Định, Khách sạn và Resort Nam Cường Đồ Sơn (TP Hải Phòng), Khách sạn Nam Cường Dương Nội, Khách sạn Nam Cường Hải Dương hay Khách sạn Nam Cường Phú Quốc.
Bên cạnh lĩnh vực mũi nhọn là địa ốc, Nam Cường cũng tham gia đầu tư BOT giao thông khi góp 55% vốn tại Công ty TNHH BOT Đường 188 – chủ đầu tư dự án BOT đường 188 đoạn An Thái – Mạo Khê (Hải Dương – Quảng Ninh), tổng chiều dài 14,74 km.
Công viên Thiên văn học ngoài trời đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á được khởi công vào tháng 7/2017 tại KĐT Dương Nội, với tổng diện tích là 12 ha, trong đó diện tích mặt nước là 6 ha. Dự án nằm ở nút giao giữa đường Ngô Thì Nhậm kéo dài và Lê Quang Đạo kéo dài.
Ngoài ra, Nam Cường còn tham gia hoạt động trong lĩnh vực y tế khi cho ra đời CTCP Bệnh viện Quốc tế Nam Cường hay lĩnh vực giáo dục với CTCP Giáo dục MG và CTCP Giáo dục NT, tuy nhiên cả hai doanh nghiệp này đều đã ngừng hoạt động.
Hai nữ doanh nhân đã cho thấy một Nam Cường vượt trội về lợi nhuận trong khi những doanh nghiệp địa ốc khác lao đao trong vòng xoáy nợ nần, bán tháo tài sản, giải bài toán thanh khoản.
Theo báo cáo tài chính bán niên năm 2023 của CTCP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội vừa công bố, khoản lợi nhuận sau thuế đạt hơn 194,5 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu giảm từ 9,2% về còn 2,5%.
Tại thời điểm 30/6, doanh nghiệp này có vốn chủ sở hữu gần 7.888 tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm. Nợ phải trả ở mức 3.250 tỷ đồng, giảm gần 2% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ trái phiếu còn gần 338 tỷ đồng. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp bất động sản khác có mức nợ trái phiếu gấp hàng chục lần tỷ lệ của Nam Cường. Dường như quyết định không sử dụng đòn bẩy tài chính là một trong những yếu tố giúp Nam Cường vượt qua sóng gió nợ nần BĐS.
Tổng tài sản của doanh nghiệp đạt hơn 11.100 tỷ đồng, tương đương một số doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn như Văn Phú Invest (VPI), BĐS An Gia (AGG).
Tập đoàn Nam Cường Hà Nội báo lãi 6 tháng đầu năm 2023 giảm 72%