Đây là nơi tưởng nhớ linh hồn của 13.000 liệt sĩ hy sinh trong các trận chiến oai hùng của dân tộc nhưng vẫn chưa tìm được hài cốt.
‘Ngôi nhà chung’ của hơn 13.000 anh hùng
Đền thờ vọng này được xây dựng ngay sát Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn , phía đối diện là di tích cầu Bến Tắt (thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, Quảng Trị). Ngôi đền được xây dựng trên diện tích hơn 3.000m2 theo mô thức thờ tự truyền thống, gồm ngôi đền chính có ba gian, bên ngoài có nhà bia lưu danh liệt sĩ.
Trên tấm bia này còn khắc câu chuyện về cuộc chiến 6.000 ngày trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại và kết thúc bằng nỗi day dứt khi vẫn còn hơn 13.000 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy vẫn đang nằm lại giữa núi rừng Trường Sơn.
Ông Nguyễn Đức Chính, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, là người bắt đầu cho xây dựng đền thờ vọng này. Thời điểm 2011, ông Chính đang là phó chủ tịch phụ trách văn hóa xã hội của UBND tỉnh. Ông nhớ rõ thời điểm đó những người đại diện Quỹ "Nghĩa tình Trường Sơn" của báo Sài Gòn Giải Phóng đã đến gặp lãnh đạo tỉnh để đề nghị được xây dựng một đền thờ anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
Tuy nhiên thời điểm đó nghĩa trang này đã là di tích quốc gia nên việc xây dựng này không thể thực hiện. "Khi đó, tôi chợt nghĩ đến những liệt sĩ đang nằm rải rác khắp các khe núi trên dãy Trường Sơn. Con số được các đơn vị chuyên môn cung cấp thì có đến hơn 13.000 liệt sĩ Trường Sơn chưa tìm được hài cốt", ông Chính nhớ lại.
Thay vì xây đền thờ liệt sĩ chung, ông Chính đã đề nghị quỹ "Nghĩa tình Trường Sơn" xây dựng một đền thờ riêng cho 13.000 liệt sĩ này để họ có một nơi thờ phụng hương khói. "Hài cốt họ nằm lại giữa núi rừng hoang lạnh đã là một thiệt thòi rồi. Họ còn không được hương khói nữa thì xót xa lắm", ông Chính đề nghị.
Nghe ý tưởng này, những người đại diện quỹ "Nghĩa tình Trường Sơn" đồng ý ngay. Và sau đó, quỹ này còn kêu gọi Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam tham gia. Đúng một năm sau, đền thờ vọng hình thành. Từ đây, 13.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt đã có một nơi thờ tự. Đền thờ được coi như là nấm mồ chung của những người vì nước quên thân.
(TyGiaMoi.com) - Chạnh lòng cảnh đìu hiu
Tuy nhiên đều là nơi thờ phụng của liệt sĩ Trường Sơn và nằm cạnh nhau nhưng có một thực tế là không nhiều người biết đến sự tồn tại của đền thờ vọng. Điều này gây nên một hình ảnh xót xa là bên thì nườm nượp người đến thăm viếng, một bên lại vắng vẻ khiến ai đến cũng thấy chạnh lòng.
Những ngày sát lễ kỷ niệm thương binh liệt sĩ này là những ngày những người quản lý ở đền thờ vọng thấy chạnh lòng nhất. Những đoàn xe từ khắp cả nước lại đổ về Quảng Trị để tri ân. Nhưng cũng như những ngày trước đó, dòng người lại dồn dập đổ về phía Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
Con đường dẫn vào tượng đài chính của Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn luôn nườm nượp xe chở các đoàn khách từ các tỉnh phía Bắc, phía Nam. Bãi xe của nghĩa trang cũng luôn trong tình trạng chật kín bởi cùng lúc có đến vài chục xe lớn nhỏ cùng vào.
Từ sáng đến trưa, ban quản trang phải làm lễ liên tục cho các đoàn khách trước tượng đài chính. Khói hương nghi ngút ở các phần mộ khiến ai nấy đều thấy ấm lòng.
Tuy nhiên, tình cảnh lại trái ngược ở khu đền thờ vọng. Từ sáng đến trưa mới có lác đác một vài người tạt qua. Lư hương lớn ở ngay trước sảnh có nhiều thời điểm lạnh ngắt. Hai nhân viên trực ở đây thi thoảng phải tự mình đi thắp hương lên bàn thờ cho không khí bớt quạnh quẽ.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, nhân viên trực đền thờ vọng, nói cảnh quạnh hiu ở đây đã diễn ra từ lâu. Những dịp lễ còn có một vài đoàn khách đến viếng bên nghĩa trang rồi luôn tiện ghé qua. Còn ngày bình thường thì gần như không ai đến hương khói.
"Đơn vị tài trợ xây đền thờ vọng thì mỗi năm 1-2 lần đến chăm sóc. Còn lại thì gần như nơi này bị quên lãng. Nhiều khi nghĩ cũng thấy chạnh lòng cho các liệt sĩ ở đây", anh Tuấn xúc động.
Và không chỉ những người quản lý như anh Tuấn thấy chạnh lòng, mà cả những người dân ở quanh khu vực này cũng xót thay cho các liệt sĩ.
Ông Trần Công Chức, 54 tuổi, ở ngay lối rẽ vào Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, bản thân mình cũng nhiều lần chủ động vào thắp hương cho các liệt sĩ để bớt quạnh vắng. "Dù có mộ phần hay không thì liệt sĩ nào cũng là liệt sĩ. Liệt sĩ nào cũng đều hy sinh máu xương vì nước. Không ai được lãng quên", ông Chức tự dặn mình.