Năm nay, TP. HCM dự kiến sẽ cấp sổ hồng cho 38.000 căn hộ
Nhà nước và các cơ quan chức năng đang nỗ lực tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý cho các dự án căn hộ tại TP. HCM.
Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. HCM cho thấy, hiện nay có hơn 81.000 căn nhà thuộc 335 dự án đã đủ điều kiện nhưng chưa thể hoàn tất cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) do phát sinh nhiều vướng mắc.
Mặc dù vậy, đến tháng 12/2024, TP. HCM đã nỗ lực, hoàn tất gỡ vướng pháp lý và giải quyết sổ hồng cho khoảng 43.100 căn, đạt tỷ lệ 53%.
Theo dự kiến trong năm 2025, TP. HCM sẽ hoàn thành tháo gỡ khó khăn và cấp sổ hồng cho 38.000 căn hộ còn lại.
Trong năm 2024, tại TP. HCM chỉ có một số dự án BĐS được cấp sổ hồng nhờ có pháp lý rõ ràng, chuẩn chỉnh.
Một số dự án như Lumiere Riverside, nhà phố SOHO thuộc KĐT The Global City hay tòa tháp Lake thuộc khu căn hộ hàng hiệu Grand Marina Saigon của Mastersie Homes; dự án Vinhomes Grand Park của Vinhomes.... là những dự án đã được cấp sổ trong năm 2024.
Việc cấp sổ hồng trong thời gian 1 năm, ngoài yếu tố pháp lý dự án chuẩn chỉnh còn dựa vào năng lực và uy tín của nhà phát triển dự án; sự kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp với cư dân và cơ quan Nhà nước.
Câu chuyện cấp sổ hồng cho các dự án đã có người dân vào sinh sống vẫn là vấn đề "nhức nhối" tại TP. HCM.
Thực trạng này vừa là "thế khó" cho cả người dân và cả doanh nghiệp BĐS.
Không ít các doanh nghiệp địa ốc muốn tiến hành các thủ tục nhằm bàn giao sổ cho người dân, nhưng việc ra sổ hồng phụ thuộc nhiều vào cơ quan Nhà nước. Thậm chí ngay cả việc chậm trễ đóng tiền sử dụng đất cũng không phải do phía doanh nghiệp chây ì, trốn tránh trách nhiệm mà nghịch lý doanh nghiệp muốn đóng cũng khó.
Thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất/nhà ở cho người dân bị chậm một phần do quy trình liên quan đến tiền sử dụng đất, không xác định được giá đất cũng như nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư, mặt khác do khối lượng công việc tại các cơ quan Nhà nước nhiều cũng khiến cho quá trình cấp sổ hồng bị chậm.
Năm 2025, TP. HCM sẽ tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư nhằm giải quyết hồ sơ nhanh chóng.
Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tăng cường giám sát tiến độ, theo dõi chặt chẽ các nhóm dự án cũng như đảm bảo việc cấp sổ hồng được thực hiện đúng với lộ trình đề ra.
Việc cấp sổ hồng không những đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân mà còn giúp xây dựng niềm tin trên thị trường BĐS. Đây được xem là bước tiến quan trọng giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững đối với thị trường nhà ở thương mại tại TP.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA), hiện nay một số vấn đề đã được bổ sung và đưa vào Luật Đất đai 2024 và Luật Nhà ở 2023 nên đã có cơ sở để cơ quan Nhà nước xử lý các vướng mắc khác liên quan đến việc cấp sổ hồng.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng - GĐ Sở TN&MT TP. HCM, TP đang tập trung giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân cũng như doanh nghiệp, không để tồn đọng.
Ngoài ra, việc cấp sổ hồng cho chủ đầu tư và dự án cũng được Sở cố gắng gỡ trong thời gian tới.
Sở TN&MT sẽ chủ động với Hội đồng Thẩm định giá của TP, đẩy nhanh công tác thẩm định, trình UBND TP. Hà Nội phê duyệt nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ tài chính bổ sung đối với các dự án nhà ở, hoàn thiện và phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp nhận và giải quyết, trả kết quả hồ sơ.
Theo GS. Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT, việc người dân bỏ tiền ra mua nhà, vào ở mà vẫn không được công nhận là quá thiệt thòi.
Theo đó, một trong những vấn đề quan trọng hiện nay là TP cần mạnh tay, quyết liệt hơn trong việc tháo gỡ khó khăn để sổ hồng đến tay người dân càng nhanh càng tốt.
Các doanh nghiệp địa ốc đều đặt kỳ vọng với những giải pháp sắp tới cùng chính sách quyết tâm phục hồi kinh tế chung, các cơ quan Nhà nước sẽ đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận, giúp cư dân có thể an tâm sinh sống và làm việc.
>> Bất động sản nghỉ dưỡng: 'Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân'