Xã hội

Nên dọn bàn thờ trước hay sau khi cúng ông Công ông Táo?

Linh Chi 18/01/2025 09:44

Dịp cuối năm, gia đình nào cũng lau dọn bàn thờ cuối năm để kịp đón Tết Nguyên đán nhưng nhiều người băn khoăn là nên dọn bàn thờ trước hay sau khi cúng ông Công ông Táo?

Những ngày gần Tết Nguyên đán, nhà nhà người người chuẩn bị sắm sửa đón năm mới. Trong đó, việc bao sái bàn thờ là một phong tục quen thuộc trong văn hóa người Việt. Công việc này bao gồm lau chùi, dọn dẹp, sắp xếp lại bàn thờ, tỉa chân hương tạo không gian gọn gàng để đón năm mới.

Dọn bàn thờ trước hay sau cúng ông Táo?

Nhiều gia đình cho rằng sau khi tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời, các vị thần sẽ rời đi nên ban thờ sẽ trống. Đây là thời điểm thích hợp để bao sái bàn thờ.

Tuy nhiên, cũng có quan niệm rằng nên dọn dẹp bàn thờ trước khi cúng ông Công ông Táo để ban thờ gọn gàng, sạch sẽ, linh thiêng hơn.

Như vậy, việc dọn bàn thờ trước hay sau khi cúng ông Táo phụ thuộc vào quan điểm và sự sắp xếp của mỗi gia đình. Tuy nhiên, cần lưu ý là bạn phải bao sái bàn thờ trước khi cúng Tất niên.

Khi bao sái, dọn dẹp bàn thờ, gia chủ cần ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ, kín đáo, lịch sự. Việc bao sái bàn thờ cũng nên được thực hiện vào ban ngày để đảm bảo sự hoàn hảo và thành kính.

Nên dọn bàn thờ trước hay sau khi cúng ông Công ông Táo? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Hướng dẫn lau dọn bàn thờ cuối năm

Trước khi dọn bàn thờ, gia chủ tiến hành thắp một nén hương để báo cáo xin phép. Theo phong tục của người Bắc, người ta sẽ dùng nước mùi để lau dọn bàn thờ. Cây mùi già khi đun sôi có mùi thơm mang đến sự ấm cúng trong ngày Tết.

Tuy nhiên, ở một số địa phương ở miền Trung lại dùng nước ngũ vị để lau chùi, dọn dẹp bàn thờ. Trong nước ngũ vị có chứa 5 loại hương liệu khác nhau như đinh hương, quế, hồi, bạch đàn, gỗ vang đều có tính nóng nên đây là loại nước được xem là tốt nhất trong việc lau dọn bàn thờ. Theo quan niệm dân gian, những loại thảo mộc này giúp loại bỏ uế khí, tà ma, xui rủi. Ngoài ra, mùi hương này còn có tính năng chống ẩm mốc, xua đuổi côn trùng nhỏ và mang lại một mùi hương dễ chịu.

Đặc biệt, khi lau dọn bàn thờ không được di chuyển chân nhang tùy tiện bởi nó sẽ ảnh hưởng đến may mắn của gia chủ. Hơn nữa, khi lau dọn không được làm đổ vỡ hay nói tục chửi bậy, to tiếng.

Nếu có nhiều bài vị cần lau dọn thì phải đổi chậu nước khác, không dùng chung nước vì sẽ bị coi là "bất kính" với bề trên.

Khi lau dọn bàn thờ cần chuẩn bị chổi nhỏ và khăn lau sạch. Gia chủ nên chuẩn bị một cái bàn đã trải khăn sạch để để bát hương, bài vị theo đúng thứ tự để khi sắp xếp lại không bị nhầm lẫn. Ngoài ra, khi lau nên theo thứ tự từ trên cao xuống thấp bằng khăn mềm. Với các vật làm bằng đồng không nên dùng cồn hay rượu để lau vì nó sẽ làm oxy hóa, xỉn màu.

Lúc lau dọn, gia chủ nên dọn cả chân hương cho gọn gàng. Sau khi đã lau dọn sạch, bạn nên thay nước bình hoa và nước cúng.

Sau khi hoàn tất việc lau dọn bàn thờ, nên thắp 3 nén hương và khấn mời các vị thần linh quay về:

Nam mô A Di Đà Phật

Nam mô A Di Đà Phật

Nam mô A Di Đà Phật

Con kính lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

Con kính lạy ngài đương niên Thái Tuế chí đức tôn thần.

Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương.

Con kính lạy ngài Bản xứ Thần linh, Bản gia Thổ địa

Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân

Con kính lạy các bậc tiên gia, chư vị tôn Thần cai quản trong đất này, xứ này.

Con kính lạy Cao tằng tổ khảo, Cao tằng tổ tỷ, bá thúc huynh đệ, cô dì tỷ muội, nội ngoại dâu rể, hội đồng gia tiên họ...

Cúi xin các ngài cùng gia tiên chứng lễ hiển linh chứng giám lòng thành của con cháu.

Tên con là... sinh năm... Cùng các thành viên gia đình: (Họ tên... năm sinh...), ngụ tại địa chỉ...

Hôm này, ngày... tháng... năm... Nhằm ngày lành tháng tốt cuối năm mãn khí, gia đình chúng con xin phép chư vị tôn thần cùng hội đồng gia tiên họ... được rút tỉa chân nhang, bao sái ban thờ để đón Tết Nguyên đán.

Chúng con xin phép chư vị tôn thần: Ngài Đương niên Thái Tuế, ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị tôn thần chứng giám lòng thành. Cầu xin các ngài che chở cho gia đình chúng con bốn mùa hưng vượng, có quý nhân phù trợ, tài lộc vượng tiến, tai ách đều qua, tâm cầu sở đắc, sở nguyện tòng tâm.

Chúng con xin cầu gia tiên tiền tổ, hương linh nội ngoại, đồng đẳng gia quyến họ... phù hộ cho gia trung thuận hòa, gia đạo hưng vượng, cảnh nhà yên vui, con cháu thông minh học giỏi, vợ chồng thương yêu bảo ban nhau, cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc, cầu bình an đắc bình an.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ cầu xin các ngài cùng gia tiên hoan hỉ chứng lễ. Chúng con tâm thành cẩn cáo.

Khấn xong vái 3 vái.

* Thông tin bài viết chỉ mang tính tham khảo

>>Những loại hoa không nên chưng trên ban thờ ngày Tết, tránh cả năm xui xẻo, ly tán

Không chỉ cúng ông Công ông Táo hay Giao thừa: Lễ cúng đặc biệt này giúp gia đình, doanh nghiệp gặt hái may mắn, tài lộc ùn ùn kéo đến trong năm mới

Chiêm ngưỡng những mâm cúng ông Công ông Táo đẹp mãn nhãn của chị em

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/nen-don-ban-tho-truoc-hay-sau-khi-cung-ong-cong-ong-tao-134986.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Nên dọn bàn thờ trước hay sau khi cúng ông Công ông Táo?
    POWERED BY ONECMS & INTECH