Thế giới

Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á 'lung lay': Người dân nợ nần chồng chất, muốn mua nhà phải vay tiền 'khắp nơi'

Chu My 03/02/2025 - 16:24

Hàn Quốc đang đối mặt với vấn đề nợ hộ gia đình nghiêm trọng. Một phần nguyên nhân có thể là do mô hình cho thuê nhà "đặc biệt" ở quốc gia này.

Các Ngân hàng Trung ương thường có một nhiệm vụ chính: duy trì ổn định giá cả và kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách ở Hàn Quốc còn phải đối mặt với một trách nhiệm khác: quản lý mức nợ hộ gia đình cao.

Nợ hộ gia đình là một vấn đề thường xuyên xuất hiện trong các quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Hàn Quốc (BOK). Thống đốc BOK, ông Rhee Chang Yong, đã phát biểu vào ngày 2 tháng 1 rằng "đã có một số lời chỉ trích liên quan đến lý do tại sao Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc lại tính đến nợ hộ gia đình và tỏ ra quá thận trọng khi quyết định lãi suất cơ bản".

Tại sao nợ hộ gia đình lại quan trọng đối với các quyết định chính sách tiền tệ của BOK? Câu trả lời ngắn gọn là: vì nợ quá cao. Câu trả lời dài thì phức tạp hơn.

Ông Park Jeongwoo, chuyên gia kinh tế của Nomura nói với CNBC rằng BOK lo ngại về tác động lâu dài của nợ hộ gia đình cao đối với tăng trưởng kinh tế.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc e ngại rằng gánh nặng nợ quá lớn sẽ làm giảm khả năng chi tiêu của các hộ gia đình, vì họ phải dành phần lớn thu nhập để trả nợ, thay vì chi tiêu cho các nhu cầu khác trong cuộc sống. Điều này có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế tổng thể.

Ngoài ra, người dân hoặc các hộ gia đình ở Hàn Quốc chủ yếu vay mượn tiền để mua nhà thay vì sử dụng vốn tự có. Ví dụ như vay ngân hàng hoặc vay từ các nguồn tài chính khác để chi trả cho chi phí nhà ở. Điều này có thể gây ra việc phân bổ vốn không hợp lý trong nền kinh tế, khiến nhiều vốn được đầu tư vào các lĩnh vực không hiệu quả.

Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á 'lung lay': Người dân nợ nần chồng chất, muốn mua nhà phải vay tiền 'khắp nơi' - ảnh 1
Hàn Quốc đang đối mặt với vấn đề nợ hộ gia đình nghiêm trọng

Mô hình thuê nhà độc đáo

Hai yếu tố chủ yếu góp phần vào mức nợ cao của các hộ gia đình ở Hàn Quốc là việc sử dụng nhiều thẻ tín dụng và mô hình nhà ở đặc biệt tại đây.

Khác với hầu hết các hệ thống cho thuê trên thế giới, người thuê nhà ở Hàn Quốc phải trả một khoản tiền đặt cọc gọi là "jeonse". Cụ thể, chủ nhà cho thuê sẽ thu một khoản tiền đặt cọc gọi là jeonse, tương đương 50-80% giá trị bất động sản khi bắt đầu thời hạn thuê. Sau khi hết hợp đồng thuê, khoản tiền này sẽ được trả lại cho người thuê. Người thuê nhà không phải trả tiền thuê trong thời gian đó.

Đối với chủ nhà, jeonse là một khoản vay không tính lãi mà họ có thể tự do đầu tư vào các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, người thuê nhà thường phải vay tiền để trả tiền đặt cọc jeonse, gây ra "gánh nặng và nợ nần chồng chất".

Mặc dù tỷ lệ nợ hộ gia đình so với GDP không tăng quá nhiều trong vài năm qua, nhưng lãi suất tăng đã làm gia tăng gánh nặng trả nợ và đó là mối quan tâm chính của BOK và Chính phủ Hàn Quốc.

Thống đốc Rhee cũng chỉ ra rằng mặc dù BOK đã giảm lãi suất hai lần xuống còn 3% vào cuối năm ngoái, nhưng các ngân hàng thương mại ở Hàn Quốc vẫn chưa giảm lãi suất cho người tiêu dùng. Điều này có nghĩa là, dù BOK đã giảm lãi suất, nhưng chi phí lãi suất của người thuê nhà vẫn không giảm.

"Thảm họa kinh tế"

Ryota Abe, chuyên gia kinh tế tại Sumitomo Mitsui Banking Corporation cho biết tỷ lệ nợ hộ gia đình ở Hàn Quốc đáng lo ngại vì nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế của nước này, làm suy yếu hệ thống tài chính.

“Trong trường hợp khủng hoảng tín dụng xảy ra, khi người vay không thể trả nợ vì số nợ quá lớn, vấn đề này có thể gây ra áp lực giảm phát và suy thoái kinh tế”, ông nhấn mạnh.

Theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tỷ lệ nợ hộ gia đình của Hàn Quốc vào quý II năm 2024 đạt 91% GDP. Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình 68,9% của các quốc gia phát triển khác.

Dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy Hàn Quốc có tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP cao nhất trong các quốc gia châu Á vào năm 2023, ở mức 93,54. Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu Á, có tỷ lệ 63,67%, trong khi Ấn Độ là 39,16%. Nhật Bản có tỷ lệ 65,66% vào năm 2023.

Ông Abe cho biết tỷ lệ nợ trên thu nhập khả dụng ròng của các hộ gia đình ở Hàn Quốc đã tăng lên 186% vào năm 2023, so với mức 130% vào năm 2008. Dữ liệu cho thấy tốc độ tăng nợ đang nhanh hơn tốc độ tăng tiền lương và GDP, điều này chứng minh các hộ gia đình của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á đang phụ thuộc rất nhiều vào nợ.

“Trong trường hợp các hộ gia đình không thể trả nợ, những cú sốc tiêu cực sẽ rất lớn và không chỉ ảnh hưởng đến các hộ gia đình mà còn gây tác động tới cả hệ thống tài chính. Nếu một cú sốc như vậy xảy ra, nền kinh tế sẽ rơi vào thảm họa. Do đó, Chính phủ Hàn Quốc cần phải giảm thiểu các rủi ro như vậy”, ông Abe nói thêm.

BOK tiến thoái lưỡng nan

BOK đang phải đối mặt với một tình huống khó khăn. Họ cần cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế đang chậm lại và giảm bớt gánh nặng trả nợ, nhưng việc giảm lãi suất có thể làm yếu đồng won và gây ra lạm phát nhập khẩu.

Quan trọng hơn, ông Rhee của Endowus cho biết, việc cắt giảm lãi suất có thể thúc đẩy nhu cầu về nhà ở tăng cao, làm gia tăng nợ hộ gia đình chưa thanh toán.

"Nếu lãi suất giảm và nợ gia tăng, điều này có thể dẫn đến kích thích nhu cầu nhà ở, làm giá nhà và giá thuê tăng, từ đó gây ra lạm phát. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc sẽ muốn kiểm soát tác động này”, ông nói.

Alex Holmes, Giám đốc nghiên cứu khu vực châu Á tại Economist Intelligence Unit, cho biết vào đầu tháng 1 rằng năm 2024 là năm đầu tiên nợ hộ gia đình giảm theo tỷ lệ phần trăm GDP và BOK sẽ không muốn cắt giảm lãi suất quá nhanh để tránh sự phục hồi đột ngột.

Theo CNBC

>> Mỹ khiến hàng loạt đồng tiền châu Á mất giá, nội tệ của nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới chạm đáy kỷ lục: Chuyện gì đã xảy ra?

'Bỏ qua' Hàn Quốc, Trung Quốc, người dân Đông Nam Á đang đổ xô đến quốc gia này làm việc

Tin nóng Hàn Quốc: Máy bay chở khách bất ngờ bốc cháy, sơ tán khẩn cấp hơn 170 người, đội ngũ cứu hỏa dùng mọi nguồn lực dập lửa

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/nen-kinh-te-lon-thu-4-chau-a-lung-lay-nguoi-dan-no-nan-chong-chat-muon-mua-nha-phai-vay-tien-khap-noi-136018.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á 'lung lay': Người dân nợ nần chồng chất, muốn mua nhà phải vay tiền 'khắp nơi'
    POWERED BY ONECMS & INTECH