Thế giới

Nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới lung lay: Người dân bi quan về cuộc sống, có tiết kiệm cũng chẳng mua được nhà

Vĩnh Bằng 15/04/2025 11:02

Chi phí sinh hoạt leo thang, dân số già hóa và hệ thống chính trị trì trệ đang đẩy giới trẻ Nhật Bản vào trạng thái bi quan, mất phương hướng – theo các chuyên gia.

Chỉ 13% người dân Nhật Bản cảm thấy hài lòng với chất lượng cuộc sống hiện tại và chỉ 15% tin rằng tương lai sẽ tốt đẹp hơn. Đây là những tỷ lệ thấp nhất trong tổng số 30 quốc gia tham gia khảo sát toàn cầu mới nhất do hãng nghiên cứu Ipsos (Pháp) thực hiện.

Khảo sát được tiến hành trên gần 24.000 người ở châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ – trong đó khoảng 2.000 người đến từ Nhật Bản. Kết quả cho thấy mức độ hài lòng với cuộc sống của người Nhật thậm chí còn thấp hơn cả ở nhiều quốc gia đang phát triển như Colombia, Ấn Độ, Indonesia và Peru.

Ấn Độ đứng đầu bảng xếp hạng với 88% người được hỏi cho biết họ cảm thấy "rất" hoặc "khá" hạnh phúc. Trong khi đó, chỉ 12% người Nhật tự nhận mình "rất hạnh phúc", 48% khác cho rằng họ "khá hạnh phúc" – đưa Nhật Bản rơi xuống vị trí thứ 27 trong 30 nước được khảo sát, giảm 10 bậc so với kết quả của năm 2011.

Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới lung lay: Người dân bi quan về cuộc sống, có tiết kiệm cũng chẳng mua được nhà - ảnh 1
Chỉ 13% người dân Nhật Bản cảm thấy hài lòng với chất lượng cuộc sống hiện tại

Mức độ bi quan càng lộ rõ hơn khi người tham gia được hỏi về chất lượng sống hiện tại và kỳ vọng tương lai. Tại Ấn Độ, 74% cho rằng họ hài lòng với cuộc sống hiện tại – cao vượt mức trung bình 42% của 30 nước – thì ở Nhật, con số này chỉ là 13%. Nhật Bản xếp cuối bảng, thậm chí sau cả Hungary (22%).

Khi được hỏi về tương lai, chỉ 15% người Nhật tin rằng cuộc sống của họ sẽ cải thiện, thấp nhất trong số tất cả các nước. Ngay cả Pháp – quốc gia đứng áp chót – cũng có tới 29% tin tưởng vào một tương lai tươi sáng.

Lạm phát bóp nghẹt người dân

Giáo sư Hiromi Murakami, chuyên gia chính trị tại Đại học Temple (cơ sở Tokyo), nhận định xã hội Nhật Bản đang trải qua một “cuộc khủng hoảng tinh thần”. “Chúng tôi đã quen với tình trạng giảm phát suốt hơn 20 năm. Giờ đây, giá cả leo thang đột ngột khiến nhiều người không kịp trở tay”, bà Murakami chia sẻ với This Week in Asia. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Chính phủ từng theo đuổi mục tiêu lạm phát 2%, nhưng báo cáo mới nhất dự đoán tỷ lệ lạm phát có thể lên đến 12,2% trong năm 2025.

Mức sống giảm sút khi thu nhập không theo kịp giá cả, đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến người già sống bằng lương hưu cố định. “Người cao tuổi rất chật vật vì khoản lương hưu giờ đây không đủ trang trải chi tiêu như trước. Triển vọng trong và ngoài nước hiện tại không mấy khả quan”, bà nói.

Thế hệ trẻ mất phương hướng

Điều đáng lo hơn cả, theo Murakami, là sự u ám đang bao trùm cả giới trẻ – những người lẽ ra phải tràn đầy hi vọng vào tương lai. “Trong lớp học của tôi, có một nữ sinh khoảng 19 tuổi nói rằng em ấy cảm thấy ‘đã định sẵn là thất bại’. Em chỉ mong kiếm được việc, làm việc cật lực để đóng bảo hiểm hưu trí và không hề có điều gì để trông đợi”, Murakami kể.

Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới lung lay: Người dân bi quan về cuộc sống, có tiết kiệm cũng chẳng mua được nhà - ảnh 2
Mức độ hài lòng với cuộc sống của người Nhật thậm chí còn thấp hơn cả ở nhiều quốc gia đang phát triển như Colombia, Ấn Độ, Indonesia và Peru

Cô sinh viên lo sợ hệ thống lương hưu sẽ sụp đổ vì không có đủ người trẻ đi làm để duy trì. Theo Murakami, đây là tâm lý rất đáng buồn với một thế hệ lẽ ra phải mơ mộng và đầy khát vọng. Ngoài ra, sự trì trệ trong hệ thống chính trị càng khiến giới trẻ cảm thấy bị bỏ rơi. “Chính trị không thay đổi, không có chính sách mới để giải quyết các vấn đề tồn tại lâu dài. Người trẻ cảm thấy bị nhấn chìm”, bà nhận định.

Người dân "không hài lòng"

Cuộc khảo sát của Ipsos phản ánh nhiều bất mãn trong xã hội Nhật. Người dân tỏ ra không hài lòng với tình hình kinh tế – chính trị, đời sống xã hội, đời sống tinh thần và cả các mối quan hệ tình cảm. Ít người hài lòng với công việc, sức khỏe thể chất hoặc tinh thần. Một chút điểm sáng là mức độ hài lòng cao hơn ở các mối quan hệ bạn bè, chỗ ở và tình hình tài chính cá nhân.

Khi được hỏi điều gì khiến họ hạnh phúc, người Nhật xếp gia đình và con cái lên hàng đầu, bên cạnh cảm giác được yêu thương và trân trọng.

Khảo sát đã tạo ra làn sóng tranh luận trên mạng. Một người dùng trên Yahoo News viết: “Dù có tiết kiệm cỡ nào, bạn cũng không thể mua nhà ở Tokyo, và khi về già, không thể sống bằng lương hưu. Tỷ lệ tự tử lại cao. Nhật Bản là quốc gia khiến con người không thể hạnh phúc”.

Một người khác chia sẻ: "Tôi gần 40, độc thân, không gia đình, lúc nào cũng lo lắng cho hưu trí và tương lai. Dù thu nhập và tài sản cao hơn hẳn bạn bè, tôi vẫn không thấy hài lòng".

Dù vậy, Murakami cho rằng nhiều người đang quên mất những điều cơ bản mà họ đang có: “Những người này nên biết trân trọng. Họ không sống trong chiến tranh hay đói nghèo. Họ có nhà, có thức ăn, có khả năng tìm thấy niềm vui – nếu họ muốn”.

Theo SCMP

>> Nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới lung lay: Người dân nợ nần chồng chất, muốn 'sống sót' phải vay mượn khắp nơi

Nhật Bản khẳng định không có kế hoạch ‘nhượng bộ’ khi đàm phán thuế với Mỹ

Đồng USD lao dốc không tưởng, Mỹ đối mặt ‘cơn ác mộng’ thập niên 90 của Nhật Bản?

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/nen-kinh-te-lon-thu-3-the-gioi-lung-lay-nguoi-dan-bi-quan-ve-cuoc-song-co-tiet-kiem-cung-chang-mua-duoc-nha-140500.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới lung lay: Người dân bi quan về cuộc sống, có tiết kiệm cũng chẳng mua được nhà
    POWERED BY ONECMS & INTECH