Nền kinh tế toàn cầu cần một Trung Quốc dễ hiểu
Nền kinh tế Trung Quốc đang hướng tới đâu? Đó là điều mà mọi người đều muốn biết khi chờ đợi thông cáo được đưa ra vào thứ Năm khi cuộc họp quan trọng kéo dài 4 ngày của Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường. Ảnh: NY Times |
Thông cáo cũng sẽ cho thấy liệu các nhà cầm quyền tại Bắc Kinh có thể đưa ra cho thế giới một lời giải thích dễ hiểu về cách họ chẩn đoán và đề xuất chính sách cho một nền kinh tế ốm yếu hay không?
Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã đọc báo cáo công tác vào thứ Hai, ngày khai mạc phiên họp toàn thể Hội nghị Trung ương 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 20.
Trong báo cáo, nhà lãnh đạo tối caoTrung Quốc  “đã giải thích về dự thảo quyết định” của Ủy ban về “cải cách sâu sắc hơn nữa một cách toàn diện và thúc đẩy hiện đại hóa Trung Quốc”, Tân Hoa Xã đưa tin.
Thống kê cho thấy nền kinh tế Trung Quốc vẫn trong tình trạng ảm đạm. Tăng trưởng quý II chậm lại so với quý trước trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản kéo dài và nhu cầu tiêu dùng trong nước suy yếu. Do đó, các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế là trọng tâm lớn nhất trong cuộc họp lớn tuần này.
Cuối tháng trước, Thủ tướng Lý Cường đã khiến mọi chuyện trở nên phức tạp hơn. Với ý định xoa dịu những lo ngại của cộng đồng quốc tế, ông Lý đã có bài phát biểu tại Hội nghị WEF Đại Liên 2024.
Cụ thể, ông Lý đã đưa ra lời giải thích tương đối chi tiết về nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, phát biểu của Thủ tướng Lý Cường lại tạo ra sự hiểu lầm giữa các chuyên gia kinh tế bên ngoài Trung Quốc.
Mặc dù đang nói chuyện với các lãnh đạo doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới, nhưng ông Lý đã nói theo một cách mà chỉ có cán bộ đảng mới hiểu được và dường như thông điệp hướng đến lãnh đạo cấp cao.
Ông so sánh nền kinh tế Trung Quốc với một bệnh nhân và cho biết bệnh nhân này cuối cùng cũng đã khỏi bệnh sau một thời gian dài mắc bệnh hiểm nghèo. “Theo lý thuyết y học Trung Quốc. Vào thời điểm này, chúng ta không thể sử dụng thuốc mạnh. Bệnh nhân phải được để từ từ hồi phục, cơ thể hồi phục dần dần", ông Lý cho biết.
Trong lời giải thích của mình, ông Lý dùng thuật ngữ "cố bản bồi nguyên", có nghĩa là củng cố nền tảng và nuôi dưỡng gốc rễ. Mặc dù nhiều quan khách nước ngoài tham dự họp báo không nhận ra, nhưng "cố bản bồi nguyên" là điểm quan trọng nhất trong phát biểu của ông Lý.
Các hãng thông tấn lớn của Trung Quốc chỉ đưa tin về "cố bản bồi nguyên", hoàn toàn phớt lờ việc ông đề cập đến "thuốc mạnh".
Tuy nhiên, phần còn lại của thế giới chỉ chú ý tới câu “chúng ta không thể sử dụng thuốc mạnh” và kết luận nền kinh tế Trung Quốc thực sự đang mắc phải một căn bệnh nghiêm trọng.
Theo các nguồn tin Trung Quốc, ông Tập Cận Bình thích các lý thuyết y học Trung Quốc hơn các lý thuyết phương Tây và ủng hộ các ý tưởng dựa trên triết học Trung Hoa truyền thống hơn các ý tưởng dựa trên triết học phương Tây.
Ông Lý Cường từng là thư ký của ông Tập ở tỉnh Chiết Giang và tự tin rằng mình có thể đoán được mong muốn của cấp trên. Niềm tin đó đã khiến ông đề cập đến "cố bản bồi nguyên" trước khán giả quốc tế ở Đại Liên.
Chính ông Tập cũng từng đề cập tới thuật ngữ này trong bài phát biểu tại một hội nghị công tác giáo dục với chủ đề “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” vào năm ngoái.
Trong bài phát biểu, ông Tập đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết của các quan chức cấp cao trong đảng phải nâng cao năng lực phán đoán, hiểu biết và thực thi chính trị thông qua "cố bản bồi nguyên".
Vào ngày 4/7, ông Tập nhấn mạnh tầm quan trọng của"cố bản bồi nguyên" tại một buổi học nhóm của Bộ Chính trị, nhấn mạnh tầm quan trọng của thuật ngữ y học trong nghiên cứu “Tư tưởng Tập Cận Bình”. Ở đây, ông đang phản ánh động cơ thầm kín của mình: khuyến khích lòng trung thành tuyệt đối của cán bộ đảng với chính mình.
Đáng chú ý, Ban Tổ chức Trung ương Trung Quốc cho biết trên trang web chính thức của mình rằng kể từ Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của đảng vào năm 2012, khi đảm nhận chức Tổng Bí thư, ông Tập đã rất coi trọng việc phát triển và ứng dụng y học Trung Quốc.
"Cố bản bồi nguyên" đã trở thành thuật ngữ chính trị tượng trưng cho thời kỳ Tập Cận Bình. Do đó, việc ông Lý sử dụng thuật ngữ này là đúng đắn về mặt chính trị, ít nhất là đối với người Trung Quốc. Nhưng không có cách nào các chuyên gia kinh tế nước ngoài có thể nhanh chóng hiểu được thuật ngữ chính trị độc đáo của Đảng.
Thay vào đó, phát biểu của ông Lý Cường khiến giới quan sát quốc tế hiểu nhầm. Họ truyền đi thông điệp rằng tình trạng nền kinh tế Trung Quốc tồi tệ hơn những gì các chuyên gia đã nghĩ và rằng Hội nghị Trung ương 3 sẽ không đưa ra được giải pháp chính sách quan trọng nào.
Vào ngày khai mạc hội nghị, ông Tập giải thích về dự thảo quyết định của Ủy ban Trung ương liên quan đến “hiện đại hóa Trung Quốc”. Hiện đại hóa theo phong cách Trung Quốc, mà ông Tập ủng hộ như một lý tưởng, kết hợp triết học cổ xưa cũng như các ý tưởng y học Trung Hoa.
Ông Tập cũng chủ trương “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”. Điều này cũng dựa trên tư tưởng truyền thống của Trung Quốc, bao gồm cả tư tưởng về tự cường. Nhưng những suy nghĩ này rất khó để người nước ngoài có thể nắm bắt được đầy đủ.
Nếu nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái nghiêm trọng hơn người ta tưởng, có thể dễ dàng rút ra một kết luận rằng chính quyền của ông Tập đã mắc một loạt bước lùi về chính sách kể từ khi ông trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc 12 năm trước. Trong số đó có thể kể đến chính sách Zero-COVID nghiêm ngặt và lâu dài.
Nhưng ông Tập không thể thừa nhận điều này. Làm như vậy sẽ dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống tập trung mà ông đã xây dựng từ lâu. Thay vào đó, lòng trung thành tuyệt đối phải được duy trì để bảo vệ hệ thống đó.
Nếu Hội nghị Trung ương 3 không làm được gì nhiều hơn ngoài việc đưa ra những câu cửa miệng và triết lý ưa thích của ông Tập, thì cộng đồng quốc tế sẽ không khỏi lo lắng khi biết rằng tình hình kinh tế tồi tệ của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đáng kể đến định hướng tương lai của nền kinh tế toàn cầu.
Thay vào đó, chính quyền Tập Cận Bình nên giải thích tình hình kinh tế hiện tại của Trung Quốc và các chính sách điều chỉnh mà nước này dự định thực hiện bằng những thuật ngữ mà bất kỳ ai trên thế giới cũng có thể hiểu được. Nước này cũng nên công bố số liệu thống kê có thể so sánh trên phạm vi quốc tế để có thể đánh giá chính xác tình trạng kinh tế chính xác của Trung Quốc.
Nếu chính quyền Tập Cận Bình không thể đưa Trung Quốc vào một "sân chơi bình đẳng" với các nước khác về mặt thuật ngữ, thì khoảng cách nhận thức mà ông Lý đã vạch ra vào cuối tháng trước sẽ càng mở rộng hơn.
Bài viết thể hiện quan điểm của nhà báo Nhật Bản Katsuji Nakazawa, người đã sống 7 năm ở Trung Quốc.