Vĩ mô

Nếu không xuất khẩu được sầu riêng đông lạnh, khó đạt mục tiêu xuất khẩu 3 tỷ USD

Khúc Văn 23/07/2024 - 18:51

Năm 2023, ngành hàng rau củ quả đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục, trong đó, có sự đóng góp rất lớn của mặt hàng sầu riêng với kim ngạch 2,3 tỷ USD.

3 tỷ USD xuất khẩu là nằm trong tầm tay

Chia sẻ tại Tọa đàm "Đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng, cơ hội nào cho nông dân, doanh nghiệp?" diễn ra hôm nay (23/7), ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam - cho hay, dự kiến kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm 2024 của Việt Nam khoảng trên 3 tỷ USD.

Riêng 6 tháng đầu năm giá trị đã đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu Việt Nam chưa xuất khẩu được sầu riêng đông lạnh thì kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD/năm sẽ rất khó đạt được.

Cũng theo ông Nguyên hiện nay nhiều nhà vườn chạy theo số lượng hơn là chất lượng, các nhà vườn móc nối với người gõ sầu riêng để bán sầu riêng non. Việc cắt sầu riêng non cho sản lượng cao hơn 10% so với sầu riêng chín, tuy nhiên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng.

Nếu không xuất khẩu được sầu riêng đông lạnh, khó đạt mục tiêu xuất khẩu 3 tỷ USD
3 tỷ USD xuất khẩu là nằm trong tầm tay.

Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, việc cắt sầu riêng non làm ảnh hướng đến cả một ngành hàng, hình ảnh nông sản Việt. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng, quá trình thu hái và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi xuất khẩu. Khi sầu riêng xuất khẩu đi Trung Quốc, EU thì bắt buộc phải kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, khi nào đạt tiêu chuẩn mới thu hái để xuất khẩu.

Trong kiểm soát chất lượng sầu riêng, việc quản lý mã số vùng trồng là hết sức quan trọng. Về việc này, theo ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tạo điều kiện để cấp cho hơn 700 mã số vùng trồng, gần 200 cơ sở đóng gói.

Tuy nhiên, diện tích vùng trồng sầu riêng đã được cấp mã số chỉ đạt 25.000 ha trên tổng số 150.000 ha. Như vậy, có thể thấy diện tích trồng sầu riêng và diện tích được cấp mã số còn thấp và chưa tương xứng với tiềm năng của ngành sầu riêng. Sản xuất nhỏ lẻ sầu riêng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với các vùng trồng.

Cùng với việc đề nghị phía Trung Quốc mở rộng các vùng trồng được cấp mã số, tăng diện tích trồng sầu riêng chất lượng cao, ông Hiếu cho rằng, chúng ta cần tập trung vào chất lượng sầu riêng, nâng cao nhận thức của người dân, trong đó, làm sao quản lý hiệu quả chất lượng mã số được cấp ra. Việc này xuất phát từ doanh nghiệp và địa phương, cần sự phối hợp của các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương.

>>Sầu riêng quả tươi đã xuất khẩu sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ

Quan tâm tới công nghệ sầu riêng

Về việc đàm phán xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Quang Hiếu cho hay, việc này sẽ giúp cho Việt Nam đa dạng hóa sản phẩm sầu riêng xuất khẩu. Tuy nhiên, câu chuyện tiếp theo cần quan tâm đó là công nghệ bảo quản.

“Chúng ta đã đưa vào trong dự thảo, điều khoản khá phù hợp, khả thi. Trong đó, tính đến các yếu tố áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong chế biến. Chúng tôi đã gửi cho phía bên Trung Quốc xem xét các nội dung này. Tôi kỳ vọng các điều khoản này sẽ sớm được thông qua trong năm 2024, lúc đó xuất khẩu sản phẩm sầu riêng sẽ có nhiều cơ hội tăng lên”, ông Hiếu nói.

Sầu riêng là mặt hàng có đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu rau quả.
Sầu riêng là mặt hàng có đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu rau quả.

Bà Phan Thị Mến – Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Khoa học và Công nghệ Sultech - cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng các quy định pháp luật liên quan đến mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để việc cấp và quản lý việc này được thuận lợi, rõ ràng, minh bạch tạo điều kiện tối đa cho hoạt động xuất khẩu và có căn cứ pháp lý để xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động này.

Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam - cũng khuyến nghị, khi xuất khẩu sang Trung Quốc, quả sầu riêng tươi của Việt Nam phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc; không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía bạn quan tâm, đặc biệt là ruồi đục quả và các loài rệp sáp (6 loài); thu hái đúng độ chín, đảm bảo chất lượng; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì để đảm bảo truy xuất nguồn gốc; các vùng trồng và cơ sở đóng gói phải được giám sát theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật được đào tạo để kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, đóng gói.

"Doanh nghiệp, người dân và các cơ quan cần đáp ứng yêu cầu về nhật ký, hồ sơ sản xuất cũng như các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trước khi thu hoạch mà phía Trung Quốc yêu cầu", ông Nam nói.

Xuất khẩu sầu riêng bắt đầu có sự tăng trưởng khởi sắc từ năm 2022 với kim ngạch đạt gần 421 triệu USD và đột phá trong năm 2023 với gần 2,3 tỷ USD. Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2023 Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sầu riêng tươi, sản lượng hơn 543.000 tấn. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sầu riêng chủ lực của Việt Nam, chiếm hơn 96% sản lượng và 96,8% kim ngạch xuất khẩu.
6 tháng đầu năm 2024, vùng trồng sầu riêng ở ĐBSCL đã xuất khẩu được hơn 1,5 tỷ USD. Dự kiến, 6 tháng cuối năm sản lượng sầu riêng ở Tây Nguyên có kim ngạch cao hơn, đạt khoảng 2 tỷ USD.
Về diện tích vùng trồng, mục tiêu định hướng đến năm 2030, diện tích sầu riêng nước ta là 75.000ha. Tuy nhiên, trong cơn sốt giá sầu riêng, diện tích loại trái cây này đã lên đến 112.000ha.

Đắk Nông: nông dân phấn khởi vì sầu riêng được mùa, được giá

Cảnh báo nhóm người không nên ăn sầu riêng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/neu-khong-xuat-khau-duoc-sau-rieng-dong-lanh-kho-dat-muc-tieu-xuat-khau-3-ty-usd-242912.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Nếu không xuất khẩu được sầu riêng đông lạnh, khó đạt mục tiêu xuất khẩu 3 tỷ USD
    POWERED BY ONECMS & INTECH