Ngắm địa phương vừa được Foxconn đầu tư: Cực tăng trưởng quan trọng của miền Bắc, thỏi nam châm hút vốn FDI

02-07-2023 05:40|Quỳnh Như

Hai nhà máy của Foxconn được đầu tư gần 250 triệu USD được đặt tại khu công nghiệp thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam.

Ngày 29/6, đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết địa phương tổ chức trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với hai dự án nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh và nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh của Công ty Foxconn Singapore PTE LTD.

Trong đó, dự án Nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh có diện tích là 6,3 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 4.755,84 tỷ đồng, tương đương 200,24 triệu USD. Dự án được thực hiện nhằm xây dựng một nhà máy sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, sạc điện, bộ điều khiển sạc điện xe điện. Tiến độ thực hiện dự án được nhà đầu tư cam kết là trong 18 tháng. Dự kiến tháng 01/2025, dự án sẽ hoàn thành và đi vào sản xuất chính thức.

Dự án sau khi vào hoạt động sẽ mang lại việc làm thường xuyên cho khoảng 1.143 lao động, với mức thu nhập ổn định trung bình đối với công nhân sản xuất khoảng 13 triệu đồng/người/ tháng, tương đương 550 USD/người/tháng.

Còn dự án Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh có diện tích 4,1 ha, với tổng vốn đầu tư là 1.094,25 tỷ đồng, tương đương 46 triệu USD. Nhà máy này sẽ đảm nhận sản xuất, gia công linh kiện, khuôn mẫu linh kiện của sản phẩm công nghệ thông tin và sản phẩm truyền thông. Tiến độ thực hiện dự án là trong 16 tháng. Dự kiến tháng 10/2024, dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 738 lao động. Mức lương dự kiến đối với lao động phổ thông là khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Theo đại diện Foxconn, dây chuyền công nghệ và máy móc, thiết bị của cả hai dự án đều sử dụng hệ thống máy móc thiết bị hiện đại, đồng bộ có nguồn gốc Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam.

Hai nhà máy này của Foxconn có tổng mức đầu tư gần 250 triệu USD được đặt tại Khu công nghiệp Sông Khoai, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Hiện nay, đây là khu công nghiệp đa ngành phát triển theo hướng hiện đại, tập trung thu hút các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghệ cao, tạo động lực phát triển mới cho tỉnh Quảng Ninh. Theo giới thiệu, khu công nghiệp này được đầu tư xây dựng từ năm 2018 với diện tích quy hoạch là 714 ha. Tổng số vốn đăng ký thực hiện dự án là trên 3.500 tỷ đồng (155 triệu USD), thực hiện thành 05 giai đoạn, dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.

Dự án Khu công nghiệp Sông Khoai còn nằm trong tổng thể dự án Amata Hạ Long được tỉnh Quảng Ninh phê duyệt với tổng diện tích 5.789 ha với mục tiêu phát triển thành phố công nghiệp hợp nhất, hướng tới xây dựng thành phố thông minh trong tương lai với tổng số vốn đầu tư dự kiến là 1,6 tỷ đô. Điều này hứa hẹn sẽ giúp khu công nghiệp nhận được nhiều lợi thế trong việc thu hút lao động tới sinh sống và làm việc trong tương lai.

Khu công nghiệp Amata Sông Khoai có vị trí kết nối rất thuận lợi tới cảng nước sâu Lạch Huyện, đồng thời, nằm trên trục đường bộ kết nối trực tiếp tới cửa khẩu Móng Cái. Do đó, khu công nghiệp được đánh giá có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư do tiết kiệm được chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là thông qua cảng biển.

Hiện, Khu công nghiệp Sông Khoai đang có 5 dự án đã và đang triển khai với tổng vốn đầu tư hơn 1,1 tỷ USD. Đến hết năm 2023, khu công nghiệp dự kiến sẽ có tổng số khoảng 15 dự án của nhà đầu tư thứ cấp được triển khai với tổng vốn đạt khoảng 2,6 tỷ USD.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong suốt thời gian qua, tỉnh đã thành công trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, dẫn dắt đầu tư. "Trung bình 1 đồng ngân sách bỏ ra thì Quảng Ninh thu hút được 8 - 9 đồng ngoài ngân sách đầu tư cho tỉnh", chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh.

Nhờ đó, giai đoạn 2014 cho đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã huy động được trên 140.000 tỷ đồng đầu tư cho phát triển hạ tầng. Trong đó, hạ tầng giao thông trên địa bàn Quảng Ninh theo phương thức đối tác công-tư đã huy động được 45.000 tỷ đồng. Đến nay, hạ tầng giao thông của Quảng Ninh đã từng bước được đầu tư đồng bộ và hiện đại.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sở hữu nhiều lợi thế phát triển kinh tế, nhờ hệ thống cửa khẩu kết nối với Trung Quốc, cảng biển loại 1, hệ thống các khu công nghiệp lớn, hệ thống đường cao tốc hiện đại kết nối với các thành phố và địa phương trọng điểm. Tỉnh cũng sở hữu và thuận tiện kết nối tới hệ thống sân bay quốc tế: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài...

Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng để phát triển tỉnh Quảng Ninh nhanh. Trong 7 năm liên tiếp, Quảng Ninh đạt được tăng trưởng GRDP 2 con số. Đặc biệt trong năm 2021, 2022, dù diễn ra dịch COVID-19, Quảng Ninh đạt tăng trưởng khoảng 10,25%.

Nhờ vào việc quyết liệt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phát triển kinh tế, Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước đến nay 6 năm liên tiếp (2017-2022) giữ vị trí quán quân chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) và 10 năm liền (2013 – 2022) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.

Tỉnh Quảng Ninh đã kiên trì thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển "một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực", đặc biệt sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả.

Từ đó tạo ra bước đột phá trong tư duy tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang phát triển mới theo hướng bền vững hơn, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, phát huy tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh, trong tam giác động lực phía Bắc, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô...

Với vai trò là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc, Quảng Ninh cũng là "thỏi nam châm" thu hút khối nguồn lực và vốn đầu tư lớn. Theo Cổng Thông tin điện tử Quảng Ninh, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh ước đạt 832,17 triệu USD. Bên cạnh các nhà đầu tư truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hong Kong..., năm 2023, lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh đón nhận dòng vốn của nhà đầu tư đến từ Thụy Điển. Theo đó, tổng số đối tác đầu tư vào Quảng Ninh từ 19 tăng lên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tỉnh cũng có nhiều chính sách "trải thảm đỏ" để thu hút nhà đầu tư. Từ năm 2012, Quảng Ninh đã xác định tầm quan trọng của xây dựng quy hoạch chiến lược, huy động hàng trăm tỷ đồng vốn xã hội hóa để xây dựng quy hoạch. Lãnh đạo tỉnh thời kỳ đó thể hiện sự đột phá khi mời những đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới đến Quảng Ninh nghiên cứu, lập quy hoạch như McKinsey, BCG (Mỹ); Nikken Sekkei, Nippon Koei (Nhật Bản)...

Trong quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Quảng Ninh tiếp tục coi trọng nguồn lực đầu tư nước ngoài. Địa phương dự kiến thực hiện nhiều giải pháp để đưa nguồn lực này trở thành động lực phát triển quan trọng.

Chỉ sau 12 giờ làm việc, Foxconn quyết định đầu tư gần 250 triệu USD vào Quảng Ninh

200 tỷ phú sẽ di chuyển bằng ‘siêu’ du thuyền đến vịnh biển đẹp nhất thế giới của Việt Nam

Cầu dây văng một mặt phẳng đầu tiên của Việt Nam: Tựa cây đàn khổng lồ, là kỳ tích về kiến trúc với 2 trụ tháp cao 137m và 4 làn dây văng phản quang

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ngam-dia-phuong-vua-duoc-foxconn-dau-tu-cuc-tang-truong-quan-trong-cua-mien-bac-thoi-nam-cham-hut-von-fdi-190009.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Ngắm địa phương vừa được Foxconn đầu tư: Cực tăng trưởng quan trọng của miền Bắc, thỏi nam châm hút vốn FDI
    POWERED BY ONECMS & INTECH