Ngân hàng cảnh báo rủi ro khi thanh toán hóa đơn điện, nước trên ứng dụng ngân hàng
Một ngân hàng đã phát đi thông báo khuyến nghị khách hàng nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo tinh vi liên quan đến việc thanh toán hóa đơn phí sinh hoạt.
Ngân hàng Wooribank đã phát đi cảnh báo  cho khách hàng về thủ đoạn lừa đảo mới khi thanh toán hóa đơn phí sinh hoạt qua mã QR. Đối tượng lừa đảo thường giả danh nhân viên các đơn vị cung cấp điện, nước, internet,… yêu cầu thanh toán gấp  và đe dọa ngừng dịch vụ nếu không thực hiện. Chúng gửi mã QR chứa đường link thanh toán với số tiền định sẵn, đồng thời gây áp lực để khách hàng thao tác nhanh mà không kiểm tra kỹ thông tin.
Ngân hàng khuyến cáo khách hàng cần thận trọng, xác minh thông tin qua các kênh chính thức trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào để tránh rủi ro bị lừa đảo.
Mã QR  mà kẻ gian cung cấp thường chứa đường link thanh toán với số tiền đã được cài đặt sẵn. Chúng lợi dụng sự thiếu cảnh giác, gây nhiễu thông tin khiến khách hàng vô tình chuyển tiền vào tài khoản của chúng.
Để phòng tránh thủ đoạn tinh vi này, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần cảnh giác cao độ trước các cuộc gọi, tin nhắn từ những đối tượng không rõ danh tính. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại, Zalo hoặc SMS.
Khi nhận được yêu cầu thanh toán, hãy kiểm tra lại thông tin thông qua các kênh chính thức của công ty điện lực như website hoặc tổng đài hỗ trợ. Đồng thời, không tải xuống bất kỳ ứng dụng nào từ các trang web không rõ nguồn gốc mà đối tượng lạ gửi đến.
Người dân nên thực hiện thanh toán qua các phương thức chính thống được công ty điện lực công nhận, chẳng hạn như ứng dụng ngân hàng, ví điện tử hoặc tại các điểm thu tiền chính thức. Nếu nghi ngờ về tính xác thực của một cuộc gọi hoặc tin nhắn, cần liên hệ trực tiếp với công ty điện lực để kiểm tra và xác nhận thông tin.
Nếu trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, người dân cần nhanh chóng báo cáo với cơ quan Công an để nhận được sự hỗ trợ và giải quyết kịp thời.
Ngoài ra, thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc "cơ quan thuế có quyền truy cập vào tài khoản cá nhân để truy thu thuế từ ngày 1/1/2025" là hoàn toàn bịa đặt. Cụ thể, mẫu thông báo giả mạo cho rằng các giao dịch có nội dung "MUA - BÁN" sẽ bị thu thuế 10% trên số tiền chuyển khoản đã gây hoang mang trong dư luận.
Một số người kinh doanh thương mại điện tử trên các nền tảng như Facebook, TikTok, YouTube thậm chí còn yêu cầu người mua khi chuyển khoản chỉ ghi "TÊN... chuyển khoản" để tránh bị thu thuế. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng khẳng định đây là thông tin sai lệch và không có cơ sở pháp lý.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế khẳng định, thông tin "Từ ngày 1/1/2025, cơ quan thuế có quyền truy cập vào mọi tài khoản cá nhân để truy thu thuế về thương mại điện tử" là hoàn toàn sai lệch và không phù hợp với quy định pháp luật. Cơ quan này cũng nhấn mạnh, mọi cá nhân có hoạt động kinh doanh, bao gồm thương mại điện tử, đều phải tự kê khai và nộp thuế theo đúng trách nhiệm pháp lý của mình.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân nên tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội. Hãy luôn kiểm chứng qua các nguồn chính thống như website hoặc báo chí của cơ quan, tổ chức Nhà nước. Đồng thời, cần thận trọng trước khi chia sẻ thông tin chưa được xác thực, để tránh gây hoang mang và gặp rủi ro pháp lý.
Công an cảnh báo thủ đoạn lừa đảo đổi tiền dịp Tết Nguyên đán qua mạng xã hội 
Cẩn thận mất tiền tiêu Tết: Rủi ro khi quét mã QR để thanh toán hóa đơn điện, nước, mua sắm