Lãi suất tiền gửi tăng gần đây đến từ việc các ngân hàng bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm về thanh toán và cầu tín dụng tăng cuối năm.
Lãi suất tiền gửi bật tăng
Theo đó, lãi suất huy động tiền đồng của nhiều ngân hàng tăng từ 0,1 - 0,5%/năm gần đây.
Mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về Nam A Bank, với mức 7,4%/năm cho kỳ hạn 16 tháng, 24 tháng và 36 tháng đối với tiền gửi tiết kiệm trực tuyến. Lãi suất ngân hàng cao nhất kỳ hạn 12 tháng cũng là Nam A Bank với mức 7,2%/năm.
Xếp thứ hai trong bảng so sánh lãi suất ngân hàng cao nhất là SCB với mức lãi suất 7,15%/năm cho kỳ hạn 18 tháng. SCB tăng lãi suất huy động online 0,2% ở kỳ hạn từ 13 tháng trở lên.
Lãi suất liên ngân hàng trong tuần 15/11 – 22/12 cũng đồng loạt tăng mạnh, cụ thể các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần ghi nhận các mức tăng mạnh lần lượt lên 1,34%, 1,49% và 1,65%.
Còn tại các kỳ hạn dài như 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng tăng lần lượt lên 2,9%, lên 3,05% và 3,37%.
Hàng loạt các ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng có mức điều chỉnh lãi suất huy động sau nhiều tháng đi ngang. GPBank công bố biểu lãi suất tiền gửi mới áp dụng từ ngày 8/12/2021 ghi nhận mức tăng đồng loạt 0,3% so với tháng 11 ở các kỳ hạn 6 tháng trở lên.
Techcombank công bố biểu lãi suất huy động vốn khách hàng cá nhân mới nhất áp dụng từ ngày 15/12 tăng 0,25 - 0,4% so với tháng trước ở tất cả kỳ hạn.
Trước đó, Eximbank cũng áp dụng biểu lãi suất huy động tăng thêm từ 0,1 - 0,3 điểm %/năm ở nhiều kỳ hạn ngắn- lần tăng lãi suất thứ 2 trong hai tháng trở lại đây tại Eximbank.
VietBank cũng áp dụng mức tăng từ 0,1 - 0,2 điểm %/năm ở phần lớn các kỳ hạn ngay từ đầu 12/2021.
Lãi suất tiền gửi đang tăng dần về cuối năm và theo nhận định của giới phân tích, điều này hoàn toàn phù hợp. Bởi nếu xét về yếu tố mùa vụ, cuối năm là dịp các ngân hàng tăng hút vốn để phục vụ nhu cầu tăng cao của nền kinh tế. Do đó, việc ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi cũng giúp kênh huy động này trở nên hấp dẫn hơn trong bối cảnh lãi suất đã duy trì ở mức thấp trong suốt một thời gian dài khiến tiền gửi tiết kiệm sụt giảm mạnh.
Các chuyên gia của SSI Research cũng đưa ra nhận định, lãi suất tiền gửi tăng gần đây đến từ việc các ngân hàng bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm về thanh toán và cầu tín dụng tăng cuối năm. Điều này đã phần nào khiến thanh khoản trên hệ thống tạm thời căng thẳng.
Số liệu Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra, từ đầu năm đến cuối tháng 11/2021, tăng trưởng dư nợ toàn nền kinh tế đạt 10,1% so với cuối năm ngoái (cùng kỳ năm trước tăng 8,4%).
Như vậy, chỉ trong tháng 11/2021, các ngân hàng đã cung cấp khoảng 126.600 tỷ đồng tín dụng ra thị trường, gần gấp đôi so với tháng 10 và gấp 3 lần so với thời điểm giữa năm (tháng 8 và 9).
Riêng trên địa bàn TP.HCM, tín dụng trên địa bàn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và tăng trưởng cao hơn so với tháng trước, tăng trên 2% so với tháng 10/2021. Như vậy, tín dụng của các ngân hàng tại TP.HCM tăng trưởng tháng thứ hai liên tiếp (sau khi giảm 0,67% trong tháng 9/2021).
Lãi suất thực dương, người dân vẫn “chê” gửi tiền?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2021 tăng 0,32% so với tháng trước. Bình quân chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng năm 2021 tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng bình quân 11 tháng thấp nhất kể từ năm 2016.
Nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng năm nay thấp là do giá các mặt hàng thực phẩm giảm 0,52% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,11 điểm phần trăm.
Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng dự báo, lạm phát năm 2021 khoảng 1,9%, bảo đảm chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ đặt ra. Lạm phát cơ bản năm 2021 dự báo khoảng 0,8%-0,9%.
Như vậy, có thể thấy lạm phát Việt Nam năm 2021 đang được kiểm soát ở mức khoảng 2%, trong khi đó lãi suất huy động bằng VND đang được các ngân hàng áp dụng mức khoảng mức 4-6%/năm. Do đó, thực tế khách hàng gửi tiết kiệm tiền đồng ở ngân hàng vẫn hưởng lãi suất thực dương.
Giới phân tích tài chính cho rằng, nếu so với lạm phát năm 2021 được kiểm soát ở mức 3% thì với mặt bằng lãi suất trên, người gửi tiền vẫn có thể được được hưởng lãi suất thực dương.
Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ nhận định rằng, so với lạm phát của Việt Nam đang được kiểm soát ở mức thấp, gửi tiết kiệm ngân hàng, người dân vẫn được hưởng lãi suất thực dương.
Tuy gửi tiết kiệm ngân hàng, người dân vẫn được hưởng lãi suất thực dương nhưng lãnh đạo một ngân hàng thừa nhận rằng, lãi tiết kiệm giảm thời gian qua, trong khi các kênh đầu tư khác, nhất là chứng khoán tăng khiến tiền gửi tiết kiệm sụt giảm. Ngoài ra, việc các ngân hàng chỉ tăng lãi suất theo “mùa vụ” cũng khiến nhiều người lo ngại mức lãi suất sẽ giảm trong thời gian tới.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, cuối tháng 9/2021, tiền gửi của dân cư chỉ tăng 2,91% so với đầu năm, đáng chú ý là từ tháng 6 trở lại đây, nguồn huy động này liên tục giảm 1.000-3.000 tỷ đồng hàng tháng. Báo cáo tài chính quý 3/2021 cũng cho thấy nhiều ngân hàng có thị trường trọng tâm ở các tỉnh, thành phía Nam ghi nhận tiền gửi sụt giảm.
Các chuyên gia của SSI Research đưa ra đánh giá, dù ngân hàng chạy đua thanh khoản cuối năm để đáp ứng cầu vốn tăng, song có nhiều yếu tố hỗ trợ duy trì mặt bằng lãi suất thấp từ nay tới cuối năm 2021 như quan điểm nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, nguồn ngoại tệ, kiều hối tăng trưởng tốt, lạm phát kiểm soát thấp, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào…
Ngoài ra, theo nhận định mới đây của bộ phận phân tích chứng khoán VCBS, việc nhiều ngân hàng được nới room tín dụng và chỉ còn 1 tháng cuối năm để giải ngân đã tạo áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn. Tuy nhiên, mức tăng đáng kể hiện được ghi nhận ở các ngân hàng quy mô nhỏ.
Việc các ngân hàng liên tục tăng lãi suất sẽ thu hút dòng tiền nhàn rỗi trở lại thay vì "chảy" vào các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản. Tuy nhiên với nỗi lo lãi suất tiền gửi sẽ giảm trở lại khi cầu tín dụng giảm, cộng thêm việc các ngân hàng lớn duy trì mức lãi suất không cao, dòng tiền nhàn rỗi vẫn có thể chuyển từ kênh tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn như chứng khoán, bất động sản trong thời gian tới.
Lãi suất huy động liên tục tăng, riêng nhóm big4 biến động khác thường 
Giá vàng hôm nay 27/12/2024: Thế giới tĩnh lặng, nhẫn trơn và SJC chờ bứt phá