Ngân hàng giảm lãi suất, tăng cho vay vực dậy sản xuất kinh doanh
Sau những thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, ngành ngân hàng đang khẩn trương vào cuộc cơ cấu nợ, giảm lãi suất và cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Giảm lãi suất cho vay cũ và mới từ 0,5 -2%
Ngân hàng  đầu tiên quyết định giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bão số 3 là VPBank với mức giảm từ 0,5 - 1% cho khách hàng cá nhân. Cụ thể, lãi suất cho vay trung - dài hạn giảm 1%/năm và ngắn hạn giảm 0,5%/năm đối với khách hàng cá nhân triển khai từ ngày 13/9 đến hết 31/12/2024.
Tương tự, MSB thông báo giảm 1% lãi suất vay đối với doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng bão lũ, nhằm chung tay tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão. TPBank giảm tối đa 50% số tiền lãi hiện tại cho khách hàng cá nhân hiện hữu chịu ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi ở các tỉnh thành phía bắc và giữ cố định mức lãi suất giảm này đến muộn nhất ngày 31/1/2025.
Trong số các ngân hàng thương mại, Agribank là nhà băng đi đầu trong việc cấp tín dụng đối với nông lâm thủy sản, lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất khi xảy ra thiên tai. Con số dư nợ của khách hàng bị thiệt hại sau bão số 3 của Agribank thống kê ban đầu là hơn 21.000 tỷ đồng. Để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất, ngân hàng quyết định giảm từ 0,5% - 2%/năm cho các khoản vay của nhóm này, tuỳ thuộc vào mức độ ảnh hưởng.
2 ngân hàng BIDV và VietinBank cũng đang đánh giá mức độ thiệt hại của từng khách hàng để có phương án cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi... ban hành gói tín dụng với mức lãi suất và quy mô hợp lý để đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp hồi phục sau cơn bão.
Không chỉ miễn giảm lãi suất cho các khoản vay cũ, nhiều ngân hàng thương mại đã quyết định giảm lãi suất cả những khoản vay mới, để người vay có vốn bắt đầu lại từ đầu.
ACB quyết định giảm 1-2 điểm % lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại trực tiếp từ thiên tai. Đồng thời, áp dụng mức lãi suất 6% cho khoản vay mới hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất - kinh doanh sau bão.
MSB bên cạnh mức lãi suất giảm 1% lãi suất vay đối với doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh từ nay đến cuối năm, ngân hàng cũng triển khai thêm chương trình cho vay tín chấp - không tài sản đảm bảo với thủ tục giải ngân nhanh. Cách này sẽ giúp gỡ khó khăn về tài sản đảm bảo bởi không ít tài sản của người dân, doanh nghiệp đã bị hư hỏng do bão.
Vietcombank đã quyết định giảm lãi suất cho vay trên dư nợ 130.000 tỷ đồng của 20.000 khách hàng bị ảnh hưởng bão (theo thống kê ban đầu). Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank Lê Quang Vinh cho biết: "Mức giảm là 0,5% từ nay đến cuối năm cho toàn bộ dư nợ hiện hữu và các dư nợ vay mới của khách hàng và người dân vay vốn sản xuất, kinh doanh, bị ảnh hưởng lớn bởi bão lũ. Vietcombank không chỉ thực hiện giảm lãi suất cho các khoản vay cũ, mà cũng cho vay các khoản vay mới, để khách hàng có thể phục hồi được sản xuất kinh doanh sau bão lũ".
Ngân hàng, doanh nghiệp đồng hành giảm áp lực nợ xấu
Theo báo cáo nhanh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chỉ riêng tại Hải Phòng và Quảng Ninh, đã có hơn 12.000 khách hàng vay vốn chịu ảnh hưởng, với tổng dư nợ khoảng 26.000 tỷ đồng. Công tác thống kê thiệt hại của các tỉnh, TP khác vẫn đang được tiến hành. Rất nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp, tới thương mại, dịch vụ đều chịu ảnh hưởng. Chính phủ đã yêu cầu NHNN nghiên cứu nâng quy mô gói tín dụng với lâm, thủy sản lên khoảng 50.000-60.000 tỷ đồng (tức là gấp đôi mức hiện tại là 30.000 tỷ đồng). Dòng tín dụng trong thời gian tới không chỉ hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà còn cần ưu tiên hỗ trợ khắc phục thiệt hại do bão lũ.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, lúc này "ngân hàng không thu nợ bằng mọi cách mà phải linh hoạt, trở thành chỗ dựa cho doanh nghiệp". Các ngân hàng thương mại tạm thời khoanh nợ, hoãn giãn nợ, giảm lãi ngay những khoản nào đã đến hạn với những khoản nợ sắp tới hạn, giải pháp hỗ trợ cũng nên rất tích cực cho khách hàng vay vốn. Hơn nữa, các ngân hàng cần mạnh dạn cho vay mới để doanh nghiệp, người dân và hộ gia đình có vốn mới quay vòng, còn các khoản nợ cũ phía ngân hàng cần xem xét giải quyết phù hợp với điều kiện thực tế.
"Tôi đánh giá rất cao động thái chỉ đạo kịp thời của NHNN. Trong thời gian tới, cần tiếp tục duy trì chính sách đó và có thêm khoản tín dụng mới để người dân có thể thay thế trang thiết bị, cơ sở vật chất cho hoạt động sản xuất kinh doanh và có thời gian vừa đủ để người dân tái sản xuất sinh lời, có điều kiện để trả nợ. Cần có chính sách phù hợp lớn liên quan đến việc giảm các sắc thuế. Nếu có, cần đảm bảo được rằng không gián đoạn việc hoạt động sản xuất kinh doanh và cũng để nhà sản xuất không đau đáu chuyện trả nợ mà ảnh hưởng đến việc hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động trong doanh nghiệp. Nếu Nhà nước và nhân dân cùng làm, tôi tin rằng chúng ta sẽ vượt qua được khó khăn này và có thể duy trì tốt đà tăng trưởng trong thời gian tới"- Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng đánh giá.
Theo nhận định của các chuyên gia, sau bão, con số nợ xấu tại các ngân hàng sẽ còn tăng lên rất mạnh do nhiều khách hàng vay vốn tại ngân hàng bị thiệt hại nặng, mất khả năng chi trả.
Các ngân hàng thương mại cần chủ động kết nối với chính quyền địa phương để có xác nhận thiệt hại của khách hàng. Điều này thể hiện được tinh thần đồng hành đôi bên cùng có lợi, bởi nếu doanh nghiệp không thể khôi phục sản xuất thì mất khả năng thanh toán, ngân hàng sẽ bị gia tăng nợ xấu.
>> Bão Yagi: Phải làm gì để được giảm lãi suất vay tới 1% từ các ngân hàng? 
Quốc tế hỗ trợ Việt Nam hơn 22 triệu USD để khắc phục hậu quả bão số 3 
Bộ Y tế: Không thu viện phí đối với nạn nhân bão số 3