Ngân hàng yếu kém sau chuyển giao bắt buộc hiện ra sao?
Sau khi được chuyển giao bắt buộc, nhiều ngân hàng yếu kém đã thay tên, định hướng trở thành ngân hàng số nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.
Các ngân hàng được chuyển giao bắt buộc đến nay gồm: CBBank chuyển giao về Vietcombank; OceanBank chuyển giao cho MB; DongABank được giao cho HDBank và GPBank chuyển giao về VPBank.
Trong số 4 ngân hàng được chuyển giao bắt buộc  nói trên, đã có 3 ngân hàng đổi tên. Cùng với việc đổi tên, các ngân hàng này cũng được trang bị một bộ nhận diện thương hiệu hoàn toàn mới, mang phong cách trẻ trung, năng động và mang phong cách "số hóa".
Mới đây nhất, DongABank chính thức đổi tên thành Ngân hàng TNHH MTV Số Vikki (Vikki Bank). CBBank cũng đổi tên thành Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Ngoại thương Công nghệ số (VCBNeo).
Vào giữa tháng 12/2024, OceanBank đổi tên thành Ngân hàng TNHH Một thành viên Việt Nam Hiện Đại (Modern Bank of Vietnam - MBV), một thành viên thuộc hệ sinh thái MB Group.
Đáng chú ý, cả 3 ngân hàng trên đều có cùng định hướng phát triển thành ngân hàng số.
Lãnh đạo HDbank cho biết, HDBank sẽ tái cấu trúc Vikki Bank trở thành ngân hàng số thế hệ mới, qua đó sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp và thủ tục đơn giản thông qua kênh số.
![]() |
DongABank chính thức đổi tên thành Ngân hàng TNHH MTV Số Vikki. Ảnh: Vikki Bank. |
Trên website, Vikki Bank cho biết là một ngân hàng số thế hệ mới đầu tiên kết hợp ứng dụng công nghệ hiện đại nhất với mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch cung cấp các dịch vụ ngân hàng, tài chính, đầu tư, bảo hiểm, du lịch, mua sắm… không giới hạn. Mạng lưới rộng khắp của ngân hàng số sẽ giúp cung cấp trải nghiệm khách hàng hiện đại, thuận tiện và an toàn, bảo mật tuyệt đối.
Trong thông cáo phát đi sau khi đổi tên, MBV khẳng định sẽ mang đến những giải pháp tài chính sáng tạo, linh hoạt và tối ưu, giúp khách hàng tận dụng tối đa cơ hội tài chính trong bối cảnh số hóa diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam.
Sau khi đổi tên, các ngân hàng định hướng tập trung vào các giải pháp tài chính sáng tạo, linh hoạt và tối ưu, giúp khách hàng tận dụng tối đa cơ hội tài chính trong bối cảnh số hóa diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam.
Như vậy, đến nay, 3/4 ngân hàng yếu kém hoàn thành chuyển giao bắt buộc đã được đổi thương hiệu, trường hợp duy nhất chưa đổi tên là GPBank hiện do VPBank thực hiện tái cơ cấu.
Ngân hàng SCB đang được Ngân hàng Nhà nước đặt trong diện kiểm soát đặc biệt.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém là một trong những giải pháp góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Việc chuyển giao giúp ngân hàng yếu kém khắc phục lỗ lũy kế và thoát khỏi kiểm soát đặc biệt. Trong khi các ngân hàng nhận chuyển giao sẽ được ưu đãi để mở rộng quy mô tài sản, tín dụng, đồng thời thúc đẩy quá trình tái cấu trúc các tổ chức tín dụng yếu kém.
Theo các chuyên gia, sở dĩ các ngân hàng khi chuyển giao định hướng ngân hàng số bởi với khoảng 70 triệu người dùng internet, chiếm 70,3% dân số, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên thế giới và thứ 6 tại châu Á. Thống kê của Statista cũng chỉ ra rằng, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có nhiều người sở hữu tài sản số nhất thế giới trong năm 2021.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối năm 2024, Việt Nam đã có hơn 200 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân và ghi nhận hơn 17 tỷ đồng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2024. Những con số này cho thấy Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho sự phát triển của ngân hàng số.
>> Chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng GPBank và DongA Bank, Ngân hàng Nhà nước nói gì? 
Một ngân hàng vừa được chuyển giao bắt buộc bất ngờ có động thái mới 
Ngân hàng vừa chuyển giao bắt buộc đổi tên, chuyển trụ sở