Ngành gym 'chao đảo': Chuỗi phòng tập liên tiếp đóng cửa, chật vật để duy trì
Kinh tế suy giảm khiến khách hàng, chủ yếu là giới kinh doanh, cắt giảm chi tiêu cho các dịch vụ phòng gym, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu.
Thị trường phòng gym tại Việt Nam đang đối mặt với làn sóng đóng cửa hàng loạt, mà gần đây nhất là sự việc chuỗi phòng gym cao cấp Fit24 thông báo tạm ngừng hoạt động từ ngày 5/10. Trước đó, Getfit Gym & Yoga, một chuỗi phòng gym có tuổi đời 14 năm, cũng đã tuyên bố đóng cửa các chi nhánh vào ngày 4/9 vì những "lý do bất khả kháng".
Không chỉ dừng lại ở Fit24 và Getfit, nhiều chuỗi phòng gym khác như CityGym, 25 Fit, và Diamond Fitness Center cũng thu hẹp quy mô hoạt động trong bối cảnh khó khăn chung của ngành. Các “ông lớn” như California Fitness & Yoga hay Elite cũng đã chậm lại trong việc mở rộng, chỉ khai trương thêm một số ít chi nhánh trong hai năm qua.
Theo ông Lê Chí Trung, Giám đốc Fit24, kinh tế suy giảm khiến khách hàng, chủ yếu là giới kinh doanh, cắt giảm chi tiêu cho các dịch vụ phòng gym, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu.
Số chi nhánh một số chuỗi phòng tập tháng 10/2022 và tháng 9/2024. Theo số liệu từ VnExpress khảo sát |
>> Chuỗi phòng tập gym Fit24 thông báo ngừng hoạt động tất cả các chi nhánh 
Ông Nguyễn Hữu Phúc - đồng sáng lập, Thành viên Hội đồng quản trị Getfit Holdings - sở hữu Getfit Gym & Yogathừa nhận việc mở lại Getfit Gym & Yoga chỉ mới là bước đầu và còn rất nhiều thách thức ở phía trước. "Nền kinh tế ít nhiều thách thức và ngành gym cũng bị ảnh hưởng. Trước chúng tôi, cũng có vài thương hiệu khác đóng hẳn và một số chuỗi lớn giảm quy mô", ông nói.
Mới đây, trong chương trình Shark Tank Việt Nam, một nhà sáng lập từ Tây Ban Nha đã kêu gọi 500.000 USD cho 25% cổ phần để mở rộng chuỗi gym boutique Hustle tại Việt Nam. Mặc dù chuỗi này có mức tăng trưởng ấn tượng và màn trình bày của Founder rất thuyết phục, nhưng tất cả các nhà Shark đều từ chối rót vốn, phản ánh sự thận trọng đối với thị trường phòng gym hiện tại.
Ngành gym tại Việt Nam, theo khảo sát của Vietdata, đang tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 20% mỗi năm. Tuy nhiên, sự phân chia phân khúc rõ rệt khiến các chuỗi phòng gym bình dân khó cạnh tranh với các thương hiệu lớn vốn phục vụ đối tượng có thu nhập cao.
Nghiên cứu từ Ken Research chỉ ra rằng giá dịch vụ hội viên phòng gym đã tăng trung bình 4%, trong khi người dùng thắt chặt ngân sách, “Có sự chuyển dịch từ dịch vụ phòng tập thể dục truyền thống sang các hoạt động như Zumba, pilates, yoga hay mô hình riêng tư hơn”, Ken Research nhận định.
Mô hình phòng tập riêng tư |
Sự xuất hiện của các mô hình phòng tập riêng tư với huấn luyện viên cá nhân cũng tạo thêm áp lực lên các chuỗi phòng tập truyền thống. Theo một chuyên gia kinh tế tại TP.HCM, thị trường phòng gym đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt từ các mô hình phòng tập riêng tư "all-in-one". "Kinh tế khó khăn khiến người dân phải cân nhắc chi tiêu, trong khi các dịch vụ phòng tập lại tăng giá, tạo thêm áp lực lên thị trường", chuyên gia cho biết.
Các môn thể thao ngoài trời như chạy bộ, pickleball cũng đang thu hút một lượng lớn người tham gia, làm giảm sự quan tâm đến các phòng gym trong nhà. Thống kê cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2024, pickleball đã thu hút 189.000 lượt thảo luận, tăng 400% so với trước đó.
Một trong những thách thức lớn khác đối với các phòng gym là chi phí thuê mặt bằng tăng cao. Theo báo cáo của Savills và CBRE, giá thuê tại các trung tâm thương mại và khu vực trung tâm Hà Nội và TP. HCM đã tăng từ 3% đến 18% trong nửa đầu năm 2024. Điều này gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp thể hình, đặc biệt là những đơn vị thuê mặt bằng tại các khu chung cư cao cấp.
Với những thách thức lớn về kinh tế, chi phí và sự cạnh tranh khốc liệt từ các mô hình tập luyện khác, ngành gym tại Việt Nam đang trải qua một giai đoạn đầy khó khăn, buộc nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô hoặc tạm ngừng hoạt động.
>> Bất ngờ đóng cửa toàn bộ chi nhánh, lãnh đạo chuỗi phòng gym Fit24 nói gì?