Ngành thép Trung Quốc rơi vào khủng hoảng: Gần 3/4 nhà sản xuất báo lỗ, nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản
Ngành thép của nền kinh tế thứ 2 thế giới đang phải trải qua một giai đoạn khó khăn chưa từng có.
The Business Times cho hay, cuộc khủng hoảng  thép của Trung Quốc đang tạo tiền đề cho một làn sóng phá sản hàng loạt và đẩy nhanh quá trình hợp nhất của ngành này.
Nhà phân tích cấp cao Michelle Leung cho biết gần 3/4 các nhà sản xuất thép của nước này đã thua lỗ trong nửa đầu năm và nhiều công ty trong số đó có nguy cơ phá sản .
Leung chỉ ra Xinjiang Ba Yi Iron & Steel, Gansu Jiu Steel Group và Anyang Iron & Steel Group là 3 công ty phải đối mặt với rủi ro phá sản cao nhất và có thể trở thành mục tiêu của các thương vụ mua lại.
Theo đánh giá của nhà phân tích, làn sóng hợp nhất này sẽ giúp Bắc Kinh đẩy mạnh tập trung hóa nhiều hơn vào ngành công nghiệp thép trong nước.
Chính phủ Trung Quốc muốn 5 công ty hàng đầu kiểm soát 40% thị trường vào năm 2025 và 10 công ty hàng đầu chiếm 60%. Những mục tiêu này được cho là "có thể đạt được", mặc dù Trung Quốc vẫn sẽ tụt hậu khá xa so với Hàn Quốc và Nhật Bản về mặt này, Leung nhận định.
Cuộc khủng hoảng bất động sản dai dẳng và tăng trưởng kinh tế chậm chạp cũng đang định hình lại ngành công nghiệp thép khổng lồ của Trung Quốc. Trong đó, tập đoàn China Baowu Steel Group - nhà sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc - tháng trước đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn so với năm 2008 và 2015.
Bên cạnh đó, nhu cầu trong nước sụt giảm cũng thúc đẩy các nhà máy tăng cường xuất khẩu, gây ra làn sóng phản ứng dữ dội về thương mại từ những quốc gia cho rằng kim loại này đang bị bán phá giá.
Tuy nhiên, Michelle Leung cho rằng xuất khẩu thép của Trung Quốc vẫn sẽ duy trì ở mức cao cho đến cuối năm 2026, khi tổng sản lượng bắt đầu giảm và nhiều đối tác thương mại tăng cường các biện pháp hạn chế.
Theo quan điểm của hầu hết các nhà kinh tế, gói cứu trợ nhà ở của Trung Quốc là con đường tốt nhất để đưa nước này đi đúng hướng đạt tăng trưởng khoảng 5%, nếu gói này được triển khai tối đa hiệu quả trước cuộc khủng hoảng bất động sản dự kiến sẽ kéo dài 5 năm nữa.
Báo cáo của Securities Daily chỉ ra, các ngân hàng Trung Quốc có thể thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất thế chấp mới trong năm nay để hỗ trợ tiêu dùng đang giảm sút.
Theo The Business Times
>> Không phải bất động sản, đây mới là lực cản lớn nhất ngăn kinh tế Trung Quốc phục hồi
Tượng đài sụp đổ: Tupperware xin bảo hộ phá sản sau gần 1 thế kỷ tồn tại 
Công ty 163 năm tuổi đã xây dựng tàu Titanic tuyên bố phá sản