‘Ngày giải phóng’ hay ‘Ngày tận thế’: Quyết định thuế quan lịch sử của ông Trump có thể đẩy kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng?
Mặc dù Luke Tilley, Kinh tế trưởng của Wilmington Trust cho rằng lo ngại về thuế quan gây lạm phát lâu dài là sai lầm, ông vẫn coi thuế quan là mối đe dọa lớn đối với người tiêu dùng và nền kinh tế Mỹ vốn đã yếu.
Vào thứ Tư (ngày 2/4), Tổng thống Donald Trump  sẽ thực hiện một quyết định quan trọng trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của mình, khi ông quyết định áp dụng thuế cao đối với hàng nhập khẩu, với hy vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho nền kinh tế Mỹ. Rủi ro của quyết định này là rất lớn.
Khi Tổng thống chuẩn bị công bố thông báo về "Ngày Giải phóng", tâm lý của các hộ gia đình hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Người tiêu dùng lo ngại rằng các mức thuế mới sẽ gây ra một đợt lạm phát nữa, còn các nhà đầu tư lo sợ rằng giá cả tăng cao sẽ làm giảm lợi nhuận và khiến thị trường chứng khoán trở nên khó khăn hơn.
Điều mà ông Trump hứa hẹn là một nền kinh tế mới, không còn phụ thuộc vào chi tiêu thâm hụt, nơi mà Canada, Mexico, Trung Quốc và châu Âu sẽ không còn lợi dụng sự mong muốn của người tiêu dùng Mỹ đối với các sản phẩm ngày càng rẻ hơn.
Vấn đề lớn hiện nay là ngoài chính quyền, không ai biết chính xác làm thế nào những mục tiêu đó sẽ được đạt được, và cái giá phải trả sẽ là gì. "Người ta thường muốn mọi thứ hoàn thành ngay lập tức và phải biết chính xác mọi việc đang diễn ra thế nào. Nhưng các cuộc đàm phán không diễn ra như vậy. Những điều tốt đẹp cần có thời gian", Joseph LaVorgna, người từng là cố vấn kinh tế cấp cao trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, chia sẻ.
Về phần mình, LaVorgna, hiện là Kinh tế trưởng tại SMBC Nikko Securities, tỏ ra lạc quan rằng ông Trump có thể thực hiện được điều này, nhưng cũng hiểu tại sao thị trường lại lo ngại vì sự bất ổn hiện tại. "Đây là một cuộc đàm phán, và chúng ta cần đánh giá nó theo thời gian. Cuối cùng, chúng ta sẽ có thêm chi tiết và sự rõ ràng, và đối với tôi, mọi thứ sẽ được kết nối lại với nhau. Nhưng hiện tại, chúng ta đang ở giai đoạn quá sớm để biết chính xác việc thực thi sẽ ra sao", ông nói.
Dưới đây là những điều chúng ta biết: Nhà Trắng dự định áp dụng các mức thuế "đối ứng"  đối với các đối tác thương mại. Nghĩa là, Mỹ sẽ áp mức thuế tương đương với mức thuế mà các quốc gia khác áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ vào nước họ. Gần đây, có thông tin về mức thuế toàn diện là 20%, tuy nhiên, LaVorgna cho rằng mức thuế sẽ vào khoảng 10%, nhưng với Trung Quốc, con số này có thể lên tới 60%.
Tuy nhiên, những gì có thể xảy ra sẽ phức tạp hơn nhiều khi ông Trump cố gắng giảm thâm hụt thương mại kỷ lục 131,4 tỷ USD của Mỹ. Tổng thống Mỹ tự tin vào khả năng đàm phán của mình, và việc đe dọa áp thuế cao đối với các quốc gia khác là một phần trong chiến lược để đạt được thỏa thuận tốt nhất có thể, nơi nhiều hàng hóa được sản xuất trong nước, tạo ra việc làm tại Mỹ và xây dựng một hệ thống thương mại công bằng hơn.
Tuy nhiên, những hậu quả có thể xảy ra trong ngắn hạn là khá nghiêm trọng.

Ảnh hưởng tiềm tàng đến lạm phát
Trên lý thuyết, thuế quan là một loại thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu và có thể gây lạm phát. Tuy nhiên, trong thực tế, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Trong nhiệm kỳ đầu của mình, ông Trump đã áp đặt thuế cao, nhưng hầu như không thấy lạm phát kéo dài, chỉ có một số lần giá cả tăng đột biến. Các nhà kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang cho rằng thuế quan chỉ tạo ra một cú sốc "tạm thời" và hiếm khi là nguyên nhân gây ra lạm phát lâu dài.
Tuy nhiên, lần này có thể khác, khi ông Trump cố gắng làm điều gì đó trên quy mô chưa từng thấy kể từ khi mức thuế Smoot-Hawley thảm họa năm 1930 khởi động một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu, và điều này có thể trở thành kịch bản tồi tệ nhất trong những tham vọng của Tổng thống.
"Điều này có thể là một sự thay đổi lớn trong nền kinh tế quốc nội và toàn cầu, giống như những gì Thatcher hay Reagan đã làm, khi khu vực tư nhân trở nên mạnh mẽ hơn, Chính phủ gọn nhẹ hơn và hệ thống thương mại công bằng hơn", Mohamed El-Erian, cố vấn Kinh tế trưởng của Allianz, cho biết hôm thứ Ba trên CNBC.
"Ngược lại, nếu chúng ta tiếp tục áp thuế đối ứng qua lại, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ và khi đó, tình trạng đình trệ này sẽ trở nên ổn định, điều này sẽ tạo ra vấn đề", ông nhấn mạnh.
Nền kinh tế Mỹ hiện đang có dấu hiệu của tình trạng lạm phát đình trệ, có thể không giống như những năm 1970 và đầu những năm 80, nhưng vẫn là tình huống mà tăng trưởng chậm lại và lạm phát khó kiểm soát hơn so với dự đoán.
Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay xuống chỉ còn mức dương nhẹ. Công ty này giải thích rằng nguyên nhân là "sự suy giảm mạnh mẽ trong niềm tin của các hộ gia đình và doanh nghiệp gần đây" cùng với những tác động phụ từ thuế quan, khi các quan chức chính quyền sẵn sàng chấp nhận tăng trưởng thấp trong ngắn hạn để đạt được các mục tiêu thương mại dài hạn.
Các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang vào tháng trước đã dự báo mức tăng trưởng GDP là 1,7% trong năm nay; trong khi đó, Goldman Sachs dự báo GDP Mỹ chỉ tăng trưởng khoảng 1%. Ngoài ra, Goldman Sachs đã tăng mức rủi ro suy thoái lên 35% trong năm nay, mặc dù họ dự đoán tăng trưởng vẫn sẽ duy trì ở mức dương trong kịch bản khả dĩ nhất.
Vấn đề về nền kinh tế tổng thể
Tuy nhiên, Luke Tilley, Kinh tế trưởng của Wilmington Trust, cho rằng rủi ro suy thoái có thể còn cao hơn, lên đến 40%, và không chỉ do tác động của thuế quan. "Chúng tôi đã dự báo tình hình không mấy tích cực từ trước. Một phần lớn lý do là chúng tôi không nghĩ người tiêu dùng đủ mạnh để bắt đầu năm nay và chúng tôi thấy tăng trưởng sẽ chậm lại do thuế quan", ông nói.
Tilley cũng cho rằng thị trường lao động sẽ trở nên yếu hơn khi các công ty tạm dừng việc tuyển dụng, cũng như hoãn các quyết định khác như đầu tư vào doanh nghiệp của họ.
Quan điểm của ông về sự do dự của các doanh nghiệp đã được xác nhận vào thứ Ba (ngày 1/4) trong một cuộc khảo sát của Viện Quản lý Cung ứng, trong đó các người tham gia cho biết sự không chắc chắn là một rào cản lớn đối với sự phát triển.
"Khách hàng đang tạm dừng các đơn đặt hàng mới vì sự không chắc chắn liên quan đến thuế quan. Không có chỉ đạo rõ ràng từ chính quyền về cách họ sẽ thực hiện, vì vậy rất khó để dự đoán tác động của chúng đến doanh nghiệp", một quản lý trong ngành thiết bị vận tải cho biết.
Mặc dù Tilley cho rằng lo ngại về thuế quan gây lạm phát lâu dài là sai lầm - ví dụ, Smoot-Hawley thực sự đã dẫn đến giảm phát - ông vẫn coi thuế quan là mối đe dọa lớn đối với người tiêu dùng và nền kinh tế vốn đã yếu, vì chúng có thể làm tình hình kinh tế tồi tệ hơn.
"Chúng tôi xem thuế quan như một gánh nặng quá lớn đối với tăng trưởng. Chúng sẽ làm giá tăng trong một số chỉ số lạm phát ban đầu, nhưng sẽ gây ra quá nhiều yếu kém kinh tế, dẫn đến giảm phát ròng sau cùng. Chúng giống như một loại thuế, có tác dụng co lại và sẽ làm nền kinh tế nặng nề hơn", ông nhận định.
Theo CNBC
Canh bạc thuế quan có thể đẩy kinh tế Mỹ vào vòng xoáy suy thoái bất tận? 
100 năm sau khi thuế quan đẩy thế giới vào Đại Suy Thoái, Mỹ lại bước vào vết xe đổ?