Ngay năm sau, tỉnh ven biển miền Trung sẽ đón thành phố mới, chỉ cách sân bay trọng điểm xứ Nẫu 10km
Năm 2025, địa phương này sẽ trở thành thành phố trực thuộc tỉnh với quy mô dân số hơn 200.000 người.
Theo Đảng bộ tỉnh Bình Định, ngày 11/12/2024, tại kỳ họp thứ 20 của HĐND tỉnh Bình Định  khóa 13, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định, đã báo cáo tờ trình của UBND tỉnh về kế hoạch thành lập  các phường thuộc thị xã An Nhơn và việc nâng cấp thị xã này thành thành phố.
Theo ông Tuấn, hồ sơ đề án thành lập các phường và TP An Nhơn  đã hoàn thiện và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 và Nghị quyết số 50 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15. Quá trình chuẩn bị đề án đã tuân thủ nghiêm ngặt các thủ tục, đồng thời nhận được sự tham gia và đồng thuận cao từ cử tri và đại biểu HĐND các cấp. Tỷ lệ tán thành cho các phường đạt từ 97,99% trở lên, trong khi tỷ lệ tán thành cho việc thành lập TP An Nhơn lên tới 99,16%.
Cụ thể, các xã Nhơn Phúc, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Nhơn Phong, Nhơn Hậu và Nhơn An đã đạt đầy đủ các tiêu chí cần thiết để thành lập phường theo quy định. Thị xã An Nhơn cũng đã hoàn thiện các điều kiện để trở thành thành phố, với diện tích tự nhiên 244,49 km² và dân số đạt 208.396 người, bao gồm 15 đơn vị hành chính cấp xã. Sau khi thành lập, TP An Nhơn sẽ gồm 15 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 11 phường và 4 xã.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định cho biết, việc thành lập các phường và TP An Nhơn sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Đồng thời, đây cũng là bước tiến quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động, tạo cơ hội việc làm, thu hút lao động chất lượng cao và phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại.
Ngoài ra, thị xã An Nhơn còn giữ vai trò trọng yếu trong việc kết nối kinh tế giữa TP Quy Nhơn, các khu vực phụ cận và các hành lang kinh tế dọc theo quốc lộ 19. Đây là khu vực chiến lược để phát triển công nghiệp và dịch vụ trong khu vực tam giác phát triển An Nhơn - Quy Nhơn - Nhơn Hội.
Hướng đến mục tiêu thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025
Thị xã An Nhơn cách sân bay Phù Cát chỉ 10km, hiện đang là đô thị loại 3 với 5 phường và 10 xã. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt chương trình phát triển đô thị An Nhơn đến năm 2045, trong đó dự kiến An Nhơn sẽ được công nhận thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025.
Giai đoạn từ nay đến năm 2025, thị xã An Nhơn sẽ có 11 đơn vị hành chính đạt tiêu chuẩn phường và 4 xã. Từ năm 2026 đến 2030, dự kiến sẽ thành lập thêm một phường nữa. Đến năm 2030, quy mô dân số toàn đô thị sẽ đạt khoảng 220.000 người, với dân số nội thị dự kiến khoảng 183.700 người và dân số ngoại thị khoảng 36.300 người.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Bình Định sẽ đầu tư mạnh vào hạ tầng, giao thông và cải tạo đô thị trong giai đoạn đến năm 2035. Tổng kinh phí đầu tư sẽ được huy động từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn ngoài ngân sách.
Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng kỹ thuật khung (gồm các tuyến đường giao thông, công trình cấp thoát nước…) sẽ vượt 3.100 tỷ đồng. Chi phí cải tạo, nâng cấp khu vực nội thị và phát triển các khu dân cư dự kiến trên 2.000 tỷ đồng. Các hạng mục hạ tầng xã hội như chợ, khu thể thao, khu thương mại, công viên,… dự kiến đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, vào năm 2025, tỉnh Bình Định dự kiến triển khai 18 công trình chỉnh trang đô thị và hạ tầng kỹ thuật, với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Hai dự án trọng điểm có mức đầu tư lớn nhất gồm khu Thể dục Thể thao trung tâm An Nhơn kết hợp quảng trường (170 tỷ đồng) và tuyến giao thông Bắc - Nam từ quốc lộ 19 đến khu công nghiệp - đô thị Becamex VSIP Bình Định, kết nối với Cảng Quy Nhơn (140 tỷ đồng).
Với vị trí chiến lược, cách TP Quy Nhơn khoảng 20km về phía tây bắc và sân bay Phù Cát - sân bay trọng điểm hơn 60 năm tuổi của xứ Nẫu, chỉ cách trung tâm thị xã khoảng 10km, An Nhơn đang tận dụng nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế và giao thương. Sân bay Phù Cát hiện đang được quy hoạch nâng cấp thành sân bay cấp 4C theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và sân bay quân sự cấp 1.
Mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2030 là đưa sân bay Phù Cát đạt công suất phục vụ 5 triệu hành khách/năm và 12.000 tấn hàng hóa/năm, có thể tiếp nhận các loại máy bay code C như A320/A321 và tương đương. Phương thức tiếp cận hạ cánh sẽ đạt tiêu chuẩn CAT II, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của thị xã An Nhơn và khu vực xung quanh.
>> Sau sáp nhập thị xã Cửa Lò, thành phố Vinh có bao nhiêu phường, xã?