Hoạt động kết nối cung - cầu của Sở Công Thương Nghệ An đã phát huy vai trò đầu mối liên kết các doanh nghiệp, góp phần tích cực trong tiêu thụ hàng Việt.
Hơn 1 năm qua các hoạt động kết nối cung - cầu của Sở Công Thương Nghệ An đã phát huy vài trò đầu mối hỗ trợ, liên kết giúp doanh nghiệp, nhà sản xuất và các kênh phân phối đến gần nhau hơn và đã tạo ra tác động tích cực, góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt.
Giữ vai trò kết nối
Ông Phạm Văn Hoá - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An, cho hay để tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm Nghệ An tiếp cận thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, ngày 17/12 vừa qua, Sở Công Thương Nghệ An vừa có cuộc làm việc với các nhà phân phối hàng hóa tại thành phố Hà Nội như, Trung tâm thương mại BigC Thăng Long, Lotte Mart, MM Mega Market Thăng Long, Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên.
Một số sản phẩm được kết nối lần này có cam Nghĩa Đàn, cam Xã Đoài, tinh bột nghệ, viên nghệ mật ong, bột đậu nành, bột ngũ cốc, bột sắn dây, chè xanh Thanh Chương; trà (túi lọc, hòa tan, cao) từ giảo cổ lam, cà gai leo, dây thìa canh …của một số doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong tỉnh.
“Sau lần kết nối này, các đơn vị phân phối đã tiếp cận các sản phẩm tỉnh Nghệ An và cử bộ phận phụ trách nghiên cứu thị trường tiếp cận, hướng dẫn thủ tục hồ sơ và cách thức để đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối…” ông Phạm Văn Hoá cho biết.
Trước đó, để hàng hóa của Nghệ An tiếp cận với thị trường rộng lớn tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam, Sở Công Thương đã tham gia Hội nghị kết nối cung - cầu giữa TP. HCM và các tỉnh, thành ngày diễn ra ngày 2/12, và nhanh chóng cung cấp thông tin đầu mối cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản của tỉnh đến các tỉnh, thành phố, hiệp hội, doanh nghiệp tham gia hội nghị để kết nối tiêu thụ.
Sản phẩm hàng hóa của Nghệ An, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp rất đa dạng, đảm bảo yêu cầu về hình thức, mẫu mã, chất lượng, đủ điều kiện để lưu thông ra thị trường. Nghệ An, hiện đã có 71 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và trên 200 sản phẩm OCOP.
Ông Trần An Khang – Giám đốc BigC Vinh cho biết, hiện hàng Việt tại siêu thị chiếm trên 90%, người tiêu dùng đã tin và sử dụng, mua sắm sản phẩm hàng Việt nhiều hơn. Các nhà sản xuất đã quan tâm nhiều hơn đến thị trường nội địa và nghiên cứu đưa ra những sản phẩm phù hợp với thị trường. Điều chỉnh sản xuất, sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng Việt.
Thêm sức lan tỏa cho hàng Việt
Từ sự khởi xướng và chỉ đạo quyết liệt từ phía Bộ Công Thương, chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các địa phương ra đời vào thời điểm nhu cầu tìm đầu ra cho sản phẩm của các nhà sản xuất đang bức thiết, nhu cầu sử dụng hàng hóa chất lượng của người tiêu dùng đòi hỏi ngày càng cao.
Ông Trịnh Xuân Giáo – Chủ trang trại cam Thiên Sơn huyện Yên Thành cho hay, qua các cuộc tìm kiếm thị trường như vậy, các cơ sở sản xuất tự nhận thấy để phát triển bền vững thì buộc phải nghiên cứu, tự thay đổi. Riêng sản phẩm cam Thiên Sơn của trang trại chúng tôi đã đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global, được các siêu thị như BigC Thăng Long, Lotte Mart, MM Mega Market Thăng Long đưa vào hệ thống tiêu thụ.
Từ phía các nhà phân phối cho thấy, hệ thống phân phối đang rất ưa chuộng các loại hàng Việt, hàng đặc sản của các địa phương. Đại diện MM Mega Market Nghệ An ông Bùi Công Việt thông tin, hệ thống siêu thị này đang tiêu thụ nhiều loại đặc sản của Nghệ An, như rau xanh, thuỷ hải sản…rồi các sản phẩm OCOP của địa phương.
Ngoài MM Mega Market, các nhà cung ứng hàng hóa, các siêu thị, chuỗi bán sản phẩm nông sản trên địa bàn đã kết nối, tiêu thụ ổn định một số mặt hàng, cụ thể: rau, củ, quả các loại khoảng 83 tấn/ngày (trong đó khoảng 50 - 60 tấn cung cấp cho các tỉnh, thành khác); sản phẩm thủy, hải sản khoảng 7 tấn/ngày; sản phẩm thịt, trứng các loại khoảng 6 tấn/ngày. Nguồn sản phẩm nông nghiệp chủ yếu được lấy từ TP Vinh, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Nam Đàn, Nghi Lộc, TX Cửa Lò.
Cũng theo ông Phạm Xuân Hoá – Sở Công Thương luôn đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp, thúc đẩy xúc tiến thương mại. Nhiều cuộc làm việc đã được Sở Công Thương triển khai hiệu quả như, làm việc tại một số địa phương ven biển để nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong tiêu thụ sản phẩm thủy, hải sản tươi sống, đông lạnh, sau đó, kịp thời phối hợp Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước, các hệ thống phân phối như Wincomerce, Lotte, MM Mega Market tháo gỡ, tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm thủy, hải sản. Hỗ trợ, kết nối để hệ thống Winmart+ tổ chức hội thảo tìm hiểu cơ hội và hợp tác.
Sở Công Thương cũng tham mưu UBND tỉnh thực hiện Chương trình làm việc với Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, Công ty CP Dịch vụ Thương mại tổng hợp Wincommerce tại tỉnh Nghệ An để kết nối, tiêu thụ sản phẩm Cam Vinh và các sản phẩm hàng hóa khác của tỉnh. Tại buổi làm việc, hệ thống Wincommerce đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với 7 doanh nghiệp, tổ chức sản xuất cam, lạc sen, sản phẩm từ sen, thủy, hải sản, sản phẩm dược liệu, rau sạch...
Ngoài hình thức truyền thống, Sở Công Thương cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giao thương theo hình thức trực tuyến; đẩy mạnh ứng dụng và tiêu thụ sản phẩm qua các trang thương mại điện tử lớn của Việt Nam như Shopee, Sendo, Tiki, Lazada.
“Chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các tỉnh thành trong bối cảnh kinh doanh mới còn góp phần hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn bởi dịch bệnh, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam” và tạo cơ hội để thêm sức lan tỏa cho hàng Việt” – ông Hoá nhấn mạnh.
Mặt hàng Việt Nam gây sốt, khiến Trung Quốc chi gần 110.000 tỷ đồng nhập khẩu 
Từ hôm nay (18/12), OceanBank chính thức có tên gọi mới là Modern Bank of Vietnam (MBV)