Nghiên cứu thành công công nghệ chuyển đổi tế bào ung thư đại tràng thành tế bào bình thường
Đây không chỉ là một cách điều trị ung thư mới tiềm năng mà còn giúp bệnh nhân tránh những tác dụng phụ.
Các nhà khoa học tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) vừa công bố một bước tiến vượt bậc trong điều trị ung thư .
Theo đó, nhóm chuyên gia đã phát triển thành công công nghệ biến đổi tế bào ung thư đại tràng thành tế bào khỏe mạnh thay vì tiêu diệt chúng. Đây được xem là một cách tiếp cận mang tính cách mạng, mở ra cơ hội cải thiện hiệu quả điều trị ung thư và giảm thiểu tác dụng phụ, theo chuyên trang y khoa News Medical.
Giáo sư Kwang-Hyun Cho, người đứng đầu nghiên cứu từ Khoa Kỹ thuật não bộ và Sinh học tại KAIST, mô tả đây là một hiện tượng "đáng kinh ngạc". Ông nhấn mạnh rằng nghiên cứu không chỉ chứng minh khả năng đảo ngược tế bào ung thư về trạng thái bình thường mà còn cho thấy tiềm năng thực hiện điều này một cách hệ thống.
Trước đây, các phương pháp điều trị ung thư truyền thống tập trung vào tiêu diệt tế bào ung thư bằng hóa trị , xạ trị  hoặc phẫu thuật. Mặc dù thường mang lại kết quả tích cực nhưng cách tiếp cận này đi kèm với hai vấn đề lớn: nguy cơ kháng thuốc và tái phát của tế bào ung thư, cùng với tác dụng phụ nghiêm trọng đối với tế bào khỏe mạnh.
Nhóm nghiên cứu tại KAIST đã chọn cách tiếp cận khác biệt. Thay vì tập trung tiêu diệt, họ tìm cách giải quyết nguyên nhân gốc rễ của sự phát triển ung thư. Các nhà khoa học đã tạo ra một bản sao kỹ thuật số của mạng gen liên quan đến sự biến đổi tế bào, từ đó mô phỏng và phân tích các tương tác gen phức tạp.
Thông qua mô phỏng, nhóm nghiên cứu đã xác định được các "công tắc phân tử" - những yếu tố quan trọng có khả năng kích hoạt quá trình đưa tế bào ung thư trở về trạng thái bình thường. Thành tựu này đã được chứng minh trên các nghiên cứu về ung thư biểu mô tế bào gan, ung thư vú và bệnh bạch cầu tủy cấp tính.
Công nghệ biến đổi tế bào ung thư thành tế bào khỏe mạnh không chỉ mang tính cách mạng trong điều trị ung thư đại tràng mà còn mở ra cơ hội ứng dụng cho các loại ung thư khác. Phương pháp này có thể giảm thiểu đáng kể các tác dụng phụ so với phương pháp truyền thống, đồng thời giảm nguy cơ tái phát bệnh.
Giới chuyên gia nhận định, sự đột phá này đánh dấu một kỷ nguyên mới trong điều trị ung thư. Nếu được phát triển thành công và ứng dụng rộng rãi, đây có thể trở thành một phương pháp điều trị an toàn hơn, hiệu quả hơn, thay đổi hoàn toàn cách chúng ta đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo này.
Nghiên cứu từ KAIST không chỉ là bước tiến quan trọng của y học hiện đại mà còn mang đến hy vọng mới cho hàng triệu bệnh nhân ung thư trên toàn cầu, theo News Medical.
>> Cảnh báo 5 thói quen hàng ngày 'nuôi' tế bào ung thư tuyến tụy nhưng ít ai để ý