"Ngỡ ngàng ngơ ngác" với hóa đơn tiền điện của người dân châu Âu

19-01-2022 13:44|Cao Trung

Ngay trước thềm năm mới, một số người dân châu Âu đã ngỡ ngàng khi nhận được hoá đơn tiền điện tăng gấp 3 lần so với mức sử dụng trước đó.

Christian Hurtz, một nhà phát triển phần mềm 41 tuổi, sinh sống tại Cologne, Đức đã bị ngỡ ngàng khi nhận được hóa đơn tiền điện ngay trước thềm Năm mới. Con số trên hóa đơn cao gấp ba lần so với mức anh đã sử dụng.

Christian Hurtz chỉ là một trong số hàng triệu người châu Âu đang phải chứng kiến cảnh chi phí năng lượng tăng vọt trong bối cảnh các nhà cung cấp ngừng kinh doanh vì giá khí đốt tăng cao hoặc chuyển chi phí này sang cho khách hàng.

Việc chi tiêu nhiều hơn cho hệ thống sưởi, chiếu sáng hoặc chạy xe hơi đang ảnh hưởng đến “túi tiền” của nhiều hộ gia đình và làm lung lay kỳ vọng rằng sự bùng nổ kinh tế dựa vào người tiêu dùng sẽ diễn ra sau khi bị kìm nén nhu cầu trong đại dịch.

Trong năm 2020, các hộ gia đình ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã chi trung bình 1.200 euro cho điện và khí đốt.

Theo các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Bank of America (BofA), con số này dự kiến sẽ tăng lên 1.850 euro trong năm 2022, do căng thẳng địa chính trị đẩy giá khí đốt tự nhiên lên cao, khiến nguồn cung năng lượng từ các nguồn tái tạo không thể bù đắp được.

Trong tháng 12/2020, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã dự báo kinh tế Eurozone sẽ tăng khoảng 4,2% vào năm 2022, nhờ tiêu dùng tư nhân tăng 5,9%.

Tuy nhiên, chi phí năng lượng cao hơn ảnh hưởng đến các hộ gia đình, cũng như tại các trạm xăng, khi giá dầu tăng gấp rưỡi và giá bán buôn khí đốt tự nhiên tăng gấp bốn lần trong một năm đang đặt ra sự nghi ngờ về những dự báo đó.

Theo ước tính của công ty phân tích ING, năng lượng chiếm hơn 6% nhu cầu tiêu dùng tư nhân ở Eurozone, nhưng con số này có thể tăng lên 8-10% do giá cả cao hơn, qua đó làm giảm chi tiêu cho các hàng hóa khác.

Một giàn khoan khí đốt của Gazprom, tập đoàn năng lượng Nga. (Ảnh: Bloomberg)

Theo công ty tư vấn Nomisma Energia, tại Italy, giá điện và khí đốt sẽ làm giảm 2,9% mức tiêu dùng của các hộ gia đình trong năm 2022 và khiến GDP giảm 1,1% nếu tỷ lệ này giữ gần mức giá hiện nay. Chủ tịch của Nomisma Energia, Davide Tabarelli, cho biết sức tiêu dùng yếu tại Italy luôn là một trong những trở ngại chính đối với tăng trưởng GDP mạnh hơn.

Tình hình tại Tây Ban Nha thậm chí còn nghiêm trọng hơn, khi các nhà kinh tế tại BBVA, công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia có trụ sở tại Bilbao, đưa ra mức dự báo tăng trưởng 1,4% cho năm 2022 hồi tháng 12/2021, dựa trên giá thị trường thấp hơn mức giá hiện tại.

Tại Đức, Viện RWI ước tính chi tiêu của người tiêu dùng có thể sẽ không vượt mức trước khủng hoảng một lần nữa cho đến quý II/2022 và cho biết giá cả tăng cao có thể ngăn cản mọi người mua sắm lớn.

Pháp có lẽ là một ngoại lệ khi chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron, người đang tìm cách tái tranh cử vào tháng 5/2022, đã giới hạn mức tăng giá điện ở mức 4%.

Các chính phủ khác cũng đang triển khai các biện pháp từ cắt giảm thuế năng lượng đến trợ cấp cho các hộ gia đình nghèo hơn. Tuy nhiên, theo ước tính của BofA, những khoản này sẽ chỉ bù đắp được khoảng 25% trong số 54% số hóa đơn năng lượng tăng từ năm 2020.

Một số người đã bắt đầu thắt lưng buộc bụng.

Chuyên gia dự báo đà tăng giá của Bitcoin chưa kết thúc, có thể cán mốc 225.000 USD

Trader 'toát mồ hôi lạnh' vì Bitcoin từ 66.000 USD 'bốc hơi' còn 8.900 USD

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ngo-ngang-ngo-ngac-voi-hoa-don-tien-dien-cua-nguoi-dan-chau-au-131391.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    "Ngỡ ngàng ngơ ngác" với hóa đơn tiền điện của người dân châu Âu
    POWERED BY ONECMS & INTECH