Ngoài lương thưởng hấp dẫn, cần tạo môi trường chuyên nghiệp để giữ chân người tài
Để thu hút và giữ chân người tài, Bộ Nội vụ cùng các chuyên gia cho rằng, ngoài chính sách về thu nhập, các cơ quan, đơn vị cần xây dựng môi trường làm việc công bằng, chuyên nghiệp và văn minh.
Trọng dụng người tài ngay trong bộ máy
Nghị định số 179 của Chính phủ đã ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2025, quy định về chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc ban hành nghị định này, Bộ Nội vụ cho biết, các chính sách được ban hành trước tiên nhằm phát hiện, trọng dụng những người tài năng đã và đang làm việc trong bộ máy.
Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức Nguyễn Tuấn Ninh. |
“Bộ Nội vụ khi xây dựng chính sách luôn đảm bảo phân cấp, phân quyền, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Đó là hai nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình xây dựng chính sách”, ông Ninh nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tuấn Ninh cho rằng, có rất nhiều người khi được tuyển vào, lúc đầu cũng rất bình thường, nhưng quá trình rèn luyện sau vài năm, họ đã phát huy được năng lực trình độ, trở thành những người có năng lực vượt trội.
“Do vậy, cần phát hiện người có tài năng ngay trong hệ thống công chức trong bộ máy để trọng dụng và sử dụng”, ông Ninh cho hay.
Đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng, theo Bộ Nội vụ, qua tổng kết, đánh giá cho thấy, thời gian qua, việc thu hút đối tượng này có số lượng còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu. Do vậy, lần này phải “mở rộng cánh cửa” vào cơ quan nhà nước, thu hút nhiều đối tượng tài năng này.
Theo nghị định, mức tiền lương  cơ bản đối với trường hợp có trình độ đại học được hưởng lương 13.700.000 đồng, với thạc sĩ là 15.620.000 đồng và người có trình độ tiến sĩ sẽ hưởng lương 17.550.000 đồng/tháng.
Đối với nhóm đối tượng này, Bộ Nội vụ nhấn mạnh, các bộ, ngành phải ưu tiên bố trí số lượng biên chế tuyển dụng “càng cao càng tốt”, có thể 10 – 15% hoặc 20%.
Với đối tượng là chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước, đang làm việc ở khu vực tư nhân, có thể bố trí ngay vào làm việc và thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của cơ quan, đơn vị.
“Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đây là đối tượng rất cần để thu hút, trọng dụng, tạo tiền đề dẫn dắt cho việc triển khai nhiệm vụ mà chúng ta đã, đang và sẽ thực hiện”, đại diện Bộ Nội vụ cho hay.
Theo nghị định, với nhóm chuyên gia, nhà khoa học, nếu có nguyện vọng làm việc gắn bó lâu dài cũng sẽ được xem xét tiếp nhận là công chức, viên chức. “Ở một số nước, họ thu hút chuyên gia, nhà khoa học theo kênh hợp đồng, trả lương rất cao, muốn vào công chức, viên chức sẽ cho vào và hưởng chính sách như người có tài năng khác”, ông Nguyễn Tuấn Ninh nói.
Theo nghị định, với nhóm đối tượng này, mức lương cơ bản thấp nhất được hưởng là hơn 41 triệu đồng/tháng, với chuyên viên cao cấp hoặc tương đương, mức hưởng trên 58 triệu đồng/tháng. “Đà Nẵng, Hưng Yên và một số tỉnh đã có chính sách thu hút người có tài năng vào làm việc và đã đạt được những kết quả bước đầu”, ông Ninh bày tỏ.
"Người tài thường bị thu hút bởi những sứ mệnh lớn lao và cơ hội tạo ra giá trị lâu dài" (Ảnh minh họa) |
Cơ hội thăng tiến dựa trên năng lực
Tuy nhiên, ngoài vấn đề tiền lương, Bộ Nội vụ cùng các chuyên gia đều lưu ý, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đổi mới, cải cách chế độ công vụ, công chức theo hướng năng động, linh hoạt, thực tài và xây dựng môi trường làm việc công bằng, chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại để thu hút người có tài năng gắn bó, làm việc lâu dài.
Trao đổi với Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, việc ban hành các cơ chế đủ mạnh, đủ hấp dẫn để giữ chân và thu hút người tài là một nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh chúng ta đang tiến hành sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Để làm được điều này, theo ông, trước tiên phải tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp, minh bạch và công bằng, để người tài có thể phát huy hết khả năng và được ghi nhận xứng đáng. “Sự phát triển nghề nghiệp rõ ràng, cơ hội thăng tiến dựa trên năng lực và đóng góp thực tế sẽ là động lực lớn để họ gắn bó lâu dài”, ông Sơn cho hay.
Ngoài ra, theo đại biểu, bên cạnh cơ chế lương thưởng cạnh tranh, gắn với hiệu quả công việc, cần thúc đẩy tinh thần cống hiến của người có tài năng.
“Người tài thường bị thu hút bởi những sứ mệnh lớn lao và cơ hội tạo ra giá trị lâu dài. Nếu họ nhận thấy vai trò của mình quan trọng và có ý nghĩa trong việc góp phần xây dựng đất nước, họ sẵn lòng ở lại và cống hiến”, ông Bùi Hoài Sơn cho hay.
Để bộ máy vừa tinh gọn, vừa hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chuyên gia cao cấp, TS. Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, việc ban hành các cơ chế, chính sách đủ mạnh, đủ hấp dẫn để giữ chân người tài là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Theo ông, giải pháp đầu tiên để giữ chân người tài là phải bố trí đúng người, đúng việc, đúng năng lực sở trường của họ.
Đặc biệt, cần tạo ra sự bình đẳng về môi trường làm việc, nếu người ta đủ điều kiện, năng lực thì cần cất nhắc đề bạt, bổ nhiệm. Nếu năng lực của họ làm việc bằng nhiều người khác, buộc phải nâng lương cho họ, như vậy mới thỏa đáng và giữ chân được người tài.
Cùng quan điểm, ngoài vấn đề tiền lương, ông Nguyễn Tuấn Ninh cũng cho rằng, muốn giữ chân được người có tài năng, các cơ quan, đơn vị phải xây dựng một môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp. “Thu hút người tài là một vấn đề nhưng trọng dụng và giữ chân được người tài lại là một vấn đề khác”, ông Ninh lưu ý.
>> Thủ tướng: Bảo đảm công viên chức, người lao động được trả đủ lương, thưởng Tết 
Người có tài năng vào công chức có mức lương lên đến hơn 58 triệu đồng/tháng 
8 nhóm chính sách, chế độ với công chức, viên chức nghỉ việc khi tinh gọn bộ máy