Ngôi đình là Di tích Quốc gia đặc biệt, sẽ trở thành điểm đến quan trọng trên tuyến hành trình du lịch di sản văn hóa phía Tây của TP Hà Nội
Với vẻ đẹp và kiến trúc độc đáo, ngôi đình này được mệnh danh là đệ nhất danh lam xứ Đoài.
Theo thông tin trên Báo Văn Hóa, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Quyết định số 153/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt đình So, thuộc xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội . Quy hoạch này có thời hạn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Quyết định, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của xã Cộng Hòa. Mục tiêu là nghiên cứu, nhận diện và xác định vị trí cũng như mối quan hệ giữa đình So với các di tích, công trình tôn giáo và tín ngưỡng khác trong khu vực.
Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Đình So, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội (Ảnh: Báo Văn Hóa)
Quy mô quy hoạch khoảng 31,34ha, trên địa bàn xã Cộng Hòa, gồm: Toàn bộ diện tích khoanh vùng bảo vệ (khu vực I và II) của Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt đình So, là 4,1ha (Quyết định số 1820/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ). Phần diện tích nghiên cứu, đề xuất quy hoạch mở rộng, bổ sung vào khu vực bảo vệ II của di tích khoảng 27,24ha.
Phần diện tích nghiên cứu, đề xuất quy hoạch mở rộng và bổ sung vào khu vực bảo vệ II của di tích khoảng 27,24ha (gồm khu vực cảnh quan nằm ngoài đê sông Đáy; khu dân cư hiện trạng phía sau và hai bên đường vào di tích và không gian sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư bao quanh di tích). Nhằm tạo lập vành đai bảo vệ, hình thành không gian cảnh quan sinh thái cho di tích, đồng thời xây dựng bổ sung hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các công trình phụ trợ và khu chức năng.
Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt đình So, bao gồm các giá trị di sản văn hóa, tư liệu, tài liệu và hiện vật gắn với di tích, cùng không gian, kiến trúc, cảnh quan văn hóa của làng So. Mục tiêu quy hoạch nhằm nhận diện, bảo quản, tu bổ và phục hồi các yếu tố gốc cấu thành di tích, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể gắn liền với di tích và cộng đồng làng So.
Đồng thời hình thành điểm du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn của Thủ đô, kết nối với các di tích, điểm du lịch khác trên địa bàn huyện Quốc Oai và thành phố Hà Nội…Đưa đình So trở thành điểm đến quan trọng trên tuyến hành trình du lịch di sản văn hóa phía Tây của thành phố Hà Nội.
Phần diện tích nghiên cứu, đề xuất quy hoạch mở rộng và bổ sung vào khu vực bảo vệ II của di tích khoảng 27,24ha (Ảnh: Internet)
Theo Quyết định, thời gian lập quy hoạch không quá 24 tháng kể từ ngày nhiệm vụ lập Quy hoạch được duyệt (không bao gồm thời gian thẩm định, phê duyệt dự toán, đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn, thẩm định, phê duyệt quy hoạch).
Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đảm nhận trách nhiệm bố trí nguồn vốn, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch và các khoản chi phí khác liên quan. UBND Hà Nội phải chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, Thủ tướng Chính phủ, cùng các cơ quan chức năng về các nội dung sau: phạm vi và ranh giới quy hoạch được đề xuất; trình tự, thủ tục thực hiện; cũng như tính chính xác, hợp pháp của các tài liệu, số liệu, thông tin báo cáo và bản đồ trong hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và trong quá trình triển khai lập quy hoạch.
Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các Bộ, ngành liên quan để tổ chức lập và trình phê duyệt hồ sơ quy hoạch, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật.
Kiến trúc độc đáo của đình So
Đình So là Di tích Quốc gia đặc biệt mang giá trị lịch sử và văn hóa sâu sắc. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với lối kiến trúc độc đáo mà còn lưu giữ những huyền tích kỳ bí, gắn liền với triều đại nhà Đinh.
Được mệnh danh là "đệ nhất danh lam xứ Đoài" đình So thu hút sự chú ý bởi vẻ đẹp cổ kính và linh thiêng. Với quy mô đồ sộ và kiến trúc độc đáo, đình So được các nhà nghiên cứu đánh giá là một trong những ngôi đình cổ có kiến trúc mẫu mực nhất. Nổi bật với lối kiến trúc "nội công ngoại quốc", đình So có tổng cộng 55 gian, bao gồm cả dãy ngang và dãy dọc, cùng 64 cột lớn nhỏ, tạo nên một không gian linh thiêng và bề thế.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, đình So vẫn giữ được những nét đẹp tinh xảo và cổ kính, trở thành một biểu tượng của kiến trúc truyền thống. Nằm tựa lưng vào núi Rùa, phía trước đình là đê sông Đáy, nơi dòng sông đã được nắn thành một hồ nước hình bán nguyệt, tạo nên cảnh quan thiên nhiên hữu tình, hài hòa với công trình kiến trúc.
Cổng tam quan của đình có cấu trúc 2 tầng, 3 gian, 4 mái, với hai lối cửa nhỏ ở hai bên, tạo nên sự cân đối và trang trọng. Các họa tiết trang trí và chạm khắc trên nóc tam quan vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, thể hiện sự tinh xảo và tài hoa của các nghệ nhân xưa.
Qua cổng tam quan là đến tam môn, ở bốn góc có đầu đao cong tạo dáng mềm mại. Đình có tất cả bảy gian, 2 chái, 4 mái rộng lợp ngói. Đáng chú ý, mỹ thuật của đình So cực kỳ phong phú và đa dạng với các mảng chạm khắc có giá trị mỹ thuật và mang tính kỹ thuật cao. Các mảng chạm khắc ở đình So tập trung chủ yếu ở nghi môn, gian giữa tòa đại đình và ống muống.
Đáng chú ý, mỹ thuật của đình So cực kỳ phong phú và đa dạng với các mảng chạm khắc có giá trị mỹ thuật và mang tính kỹ thuật cao (Ảnh: Internet)
Ở nghi môn có các bức chạm khắc nổi bật với những đề tài mang đậm tính biểu tượng, trong đó hình tượng rồng là chủ đề chính xuyên suốt từ nghi môn cho đến đại đình. Đặc biệt, một trong những tác phẩm chạm khắc đáng chú ý là bộ "tứ linh," trong đó hai con rồng lớn ở trung tâm được khắc họa trong tư thế quay đầu vào nhau, tạo nên một cảnh tượng mạnh mẽ và đầy uy quyền. Các mảng chạm khắc ở nghi môn được kết hợp nhiều phong cách khác nhau tạo ra sự đa dạng trong trang trí.
Khi bước vào đại đình, du khách sẽ ngay lập tức ấn tượng với các đề tài trang trí bao quát, trong đó hình ảnh "tứ linh" được thể hiện rõ ràng, đặc biệt là hình tượng rồng.
Ngoài giá trị kiến trúc, đình So còn là trung tâm văn hóa của làng, với ba lễ hội lớn trong năm: Lễ hội mùng 8/2 âm lịch, lễ khao quân mùng 10/7 âm lịch, lễ Thánh hóa mùng 10/12 âm lịch. Với lá cờ thần rộng tới 24m2, cứ mỗi khi cờ bay cùng với tiếng trống sấm vang lên chính là dấu hiệu nhận biết làng So có hội.
>> Phó Thủ tướng phê duyệt xếp hạng 5 Di tích Quốc gia đặc biệt