Ngôi miếu thiêng gắn với nhiều truyền thuyết huyền bí, là nơi đặt bức tượng bằng đá sa thạch xưa nhất Việt Nam
Nơi đây được biết đến là địa điểm tâm linh nổi tiếng của khu vực miền Tây Nam Bộ.
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam (hay còn được biết đến với tên gọi là Chùa  Bà Châu Đốc) tọa lạc bên dưới chân núi Sam, thuộc địa phận phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đây là một địa danh du lịch  tâm linh nổi tiếng bởi sự linh thiêng, huyền bí và vị thế phong thủy tiền tam giang, hậu thất sơn cùng nhiều văn hoá, tín ngưỡng tôn giáo đã tồn tại qua biết bao thập kỷ.
Miếu Bà Chúa Xứ có rất nhiều truyền thuyết huyền bí xung quanh hoàn cảnh ra đời của ngôi miếu, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Theo truyền thuyết kẻ lại, cách đây khoảng 200 năm, người dân địa phương tại Châu Đốc đã phát hiện ra tượng Bà ở trên đỉnh núi Sam và muốn đưa xuống. Tuy nhiên, mấy chục thanh niên cường tráng định khiêng tượng Bà nhưng không được. Sau đó qua miệng bà “cô Đồng” bảo chỉ cần 9 cô gái đồng trinh lên khiêng xuống. Nhưng đến chân núi thì tượng Bà bất ngờ nặng trịch không thể đi nữa. Người dân nghĩ Bà chọn nơi đây để an vị ở đây và đã lập miếu tôn thờ.
Một truyền thuyết khác liên quan đến ngôi miếu này, đó là nói về công lao ông Thoại Ngọc Hầu. Khi ông đi dẹp giặc ngoại xâm ở biên giới, bà Châu Thị Tế đã khấn vái Bà Chúa Xứ phù hộ ông dẹp yên giặc, gìn giữ xóm làng bình yên. Để tạ ơn những điều linh nghiệm, ông Thọai Ngọc Hầu cho thỉnh Bà từ trên đỉnh núi Sam về xây một ngôi miếu khang trang dưới chân núi và chọn ngày 24/4 là ngày cúng lễ Bà.
Khi xưa, miếu Bà được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, nằm quay về hướng tây bắc, phần lưng thì quay về vách núi, còn chính điện nhìn ra con đường và cánh đồng làng. Vào năm 1870, miếu được người dân xây dựng lại bằng gạch hồ ô dước. Trong 4 năm từ 1972 đến 1976, miếu Bà được hai kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng và Nguyễn Bá Lăng tái thiết lớn tạo nên dáng vẻ như hiện nay.
Về tổng thể, kiến trúc  miếu có dạng chữ "quốc", hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng. Bên trong miếu có võ ca, chánh điện, phòng khách, phòng của Ban quý tế…
Chính điện của miếu là nơi thờ tượng Bà Chúa Xứ. Theo nhà khảo cổ học người Pháp Malleret, tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam thuộc loại tượng thần Vishnu (nam thần), chất lượng bằng đá son, có giá trị nghệ thuật cao. Tượng được tạc vào cuối thế kỷ 6, và rất có thể đây một trong số hiện vật cổ của nền văn hóa Óc Eo. Đây chính là bức tượng  gắn với truyền thuyết đã được đề cập ở trên.
Quanh tượng Bà còn có bàn thờ Hội Đồng (phía trước), Tiền hiền và Hậu hiền (hai bên), bàn thờ Cô (bên phải, có thờ một tượng nữ thần nhỏ bằng gỗ), bàn thờ Cậu (bên trái, có thờ một Linga bằng đá rất to, cao khoảng 1,2m)...
Về nguồn gốc tượng Bà Chúa Xứ có nhiều truyền thuyết khác nhau. Theo lời truyền miệng dân gian thì vào những năm 1820 – 1825, quân Xiêm sang quấy phá nước ta và đuổi theo dân lên đỉnh núi Sam thì gặp tượng Bà. Bọn chúng ra sức khiêng bức tượng nhưng không nhấc nổi, một tên trong số đó đã làm tức giận làm gãy tay Bà và ngay lập tức hắn bị trừng phạt. Từ đó người dân gọi là Bà Chúa Xứ và lập miếu thờ để cho Bà Chúa phù hộ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tránh được giặc cướp, thoát khỏi dịch bệnh.
Còn theo nhà khảo cổ  học người Pháp Malleret nghiên cứu vào năm 1941 cho biết tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam thuộc loại tượng thần Vishnu (nam thần). Tạc dáng người nghĩ ngợi, quý phái, chất lượng bằng đá son, có giá trị nghệ thuật cao. Bức tượng được tạc vào cuối thế kỷ 6 và rất có thể đây một trong số hiện vật cổ còn sót lại của nền văn hóa Óc Eo xưa. Vào năm 2009, tượng Bà được ghi vào sách Kỷ lục An Giang là bức tượng bằng đá sa thạch xưa nhất Việt Nam và có áo phụng cúng nhiều nhất.
Bên cạnh đó, yếu tố phong thuỷ  ở nơi đây cũng rất được chú trọng với kiến trúc theo thế quay lưng với cổng chính, vốn được thiết kế lâu đời, dẫn ra con đường bao quanh chân Núi Sam. Kiến trúc này được đặt định ngay từ xây cất đầu tiên cách đây trên dưới 200 năm.
Theo các nhà phong thủy, vị thế đó ứng với quan niệm “tiền Chu tước, hậu Huyền vũ”. Lưng tựa vào núi không cao, khum khum như cụ rùa ngàn năm tuổi (huyền vũ) đang ra sức canh giữ, bảo bọc chở che..., càng khiến cho ngôi miếu thêm linh thiêng. Phía trước mặt ngôi miếu là cánh đồng bằng phẳng, thoáng đãng, xa xa là dòng sông Châu Đốc, nơi tiếp giáp của nhánh sông của đoạn cuối dòng Mekong hùng vĩ, đúng chuẩn cho vị thế Chu tước, tức phượng hoàng lửa. Hơn thế nữa, đây là hướng Đông Bắc. Việc hướng Chính điện miếu theo hướng này ứng với hướng sao Bát bạch, thuộc cung Cấn trong Bát quái, tương ứng với phát tài , vượng khí.