Đây cũng từng là nơi trú ẩn, liên lạc, cung cấp lương thực, thực phẩm cho các cán bộ hoạt động cách mạng.
Từ nơi trú ẩn bí mật của cán bộ cách mạng
Ngôi nhà cổ nằm tại con ngõ nhỏ tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ , Hà Nội. Đây là nhà của cụ Nguyễn Thị An, nay được ông Công Ngọc Dũng - cháu nội cụ An gìn giữ. Vào những năm 1945, nơi đây từng là chỗ trú ẩn, liên lạc, cung cấp lương thực, thực phẩm cho các cán bộ hoạt động cách mạng.
Với địa thế kín đáo, nằm trong vùng an toàn nên đồng chí Hoàng Tùng - cán bộ cách mạng tại địa phương lúc bấy giờ đã lựa chọn nhà làm điểm dừng chân của Bác Hồ trong ba ngày đầu khi Người từ chiến khu Việt Bắc về thủ đô Hà Nội. Trong suốt khoảng thời gian đó, những người trong gia đình không để lộ bí mật, không làm mất tài liệu và chu cấp đầy đủ theo khả năng cho các đoàn cán bộ.
Do đây là căn cứ hoạt động bí mật nên cũng ít ai biết rằng nơi đây từng vinh dự được đón Bác về nghỉ ngơi. Quan thời gian, những câu chuyện về Bác Hồ được cụ Nguyễn Thị An kể lại cho con cháu.
Ông Công Ngọc Dũng - cháu của cụ An kể lại: “Theo tôi được kể, chiều 23/8/1945, một đoàn cán bộ gồm hơn 10 người từ chiến khu Việt Bắc về. Gia đình không được báo trước về sự xuất hiện của Bác Hồ, chỉ nghĩ cũng như các đoàn cán bộ khác từng đến đây ở.
Tuy nhiên hôm đó, bố tôi (tức ông Công Ngọc Kha) thấy đoàn có thái độ rất trang nghiêm, đi về lặng lẽ hơn, trong đoàn có một ông cụ khác hẳn mọi người, thân hình gầy, yếu như mới qua một trận ốm sốt rét.
Qua lời bố tôi kể lại, cụ làm việc chăm chỉ, không ăn được cơm, chỉ ăn cháo, làm việc rất khuya, sáng dậy sớm tập thể dục sau đó lại vào ngồi đánh máy. Tuy bận rộn như vậy nhưng ông cụ vẫn dành thời gian rèn luyện sức khỏe và dạy chị gái tôi tập hát, tập đếm”.
Tới 2/9/1945, khi mọi người trong gia đình tới dự buổi mít tinh của ngày độc lập, thấy ông cụ trên khán đài mới ngờ ngợ như từng ở nhà mình. Tới khi trở về, đồng chí Hoàng Tùng mới thông báo cho gia đình đó chính là Bác Hồ. Lúc đó mọi người mới vỡ òa, niềm tự hào, vui sướng, hân hoan của ngày độc lập được nhân lên gấp bội.
Hơn 9 giờ sáng 24/11/1946, sau khi tham dự Khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Bác Hồ đã quay trở lại căn nhà của cụ An lần 2. Lần này, gia đình đã được thông báo trước về sự xuất hiện của Bác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh  về thăm nơi ở xưa trong hình ảnh giản dị, thân tình. Nhiều người trong gia đình đã có cơ hội gặp Bác, đặc biệt bà Công Thị Mai (chị gái ông Dũng) còn được Người ôm, bế và dạy tập đếm tập hát.
Đến Di tích lịch sử cấp Quốc gia
Năm 1990, ông Công Ngọc Dũng - cháu nội của cụ An được tiếp quản lại ngôi nhà, đây cũng là thời điểm đất nước có nhiều đổi thay. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng khiến giá đất tại khu vực sinh sống của gia đình tăng nhanh chóng mặt. Lúc này, nhiều người trong dòng tộc đã khuyên ông Dũng nên bán ngôi nhà.
Tuy nhiên, kiên định với quyết định của bản thân, ông Dũng đã giữ lại ngôi nhà. Thậm chí, ông sẵn sàng hiến tặng lại cho Nhà nước để làm di tích lịch sử về Bác. Ông chia sẻ: “Có chật thì ở chật, rộng thì ở rộng, riêng ngôi nhà này phải để làm chỗ thờ Bác".
Trong suốt hơn 20 năm kể từ thời điểm được tiếp quản lại ngôi nhà, ông Dũng đã dốc sức để trông coi và giữ gìn nếp nhà. Ngoài việc sưu tầm, gìn giữ, ông còn trực tiếp hướng dẫn, giới thiệu về lịch sử ngôi nhà gần 100 năm tới các đoàn khách đến tham quan.
Gần 20 năm trông coi, bảo tồn và tiếp đón các đoàn khách tới tham quan, ông được Sở Văn hóa và Thể thao TP.Hà Nội tuyên dương vì đã có công bảo tồn, phát huy di tích cách mạng tại Phú Thượng. Đặc biệt, nếp nhà được tổ tiên truyền lại - nơi lưu giữ nhiều dấu ấn về Bác đã được nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Về sau này, ông Dũng mong muốn rằng thế hệ con cháu sau này sẽ tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống quý báu của gia đình. Hằng ngày, các con vẫn giúp ông Dũng quét dọn, sắp xếp, giữ gìn cũng như tiếp đón các đoàn khách tới tham qua.