Với hành trình đặc biệt, người đàn ông này đã trở thành người đầu tiên ở Việt Nam vượt Thái Bình Dương bằng bè luồng.
Ông Lương Viết Lợi (SN 1959), trú tại TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa  là người Việt Nam duy nhất trực tiếp lái chiếc bè tre Sầm Sơn cách đây 26 năm vượt Thái Bình Dương cùng với đoàn thám hiểm do ông Tim Severin, người Anh làm thuyền trưởng cùng với 4 cộng sự.
Mối lương duyên định mệnh
Cơ duyên đưa ông Lương Viết Lợi đến với chuyến đi đặc biệt này bắt đầu từ cuộc gặp gỡ với Tim Severin - người thuyền trưởng chỉ huy cuộc hành trình. Được biết, Tim Severin là nhà thám hiểm sử học nổi tiếng người Anh. Ông nổi tiếng với việc tìm lại các hành trình huyền thoại của các nhân vật lịch sử.
Ông Lợi kể, khoảng cuối năm 1988, Tim Severin cùng với một vài người bạn đã lên ý tưởng thám hiểm vượt Thái Bình Dương bằng thuyền buồm. Khoảng 1 năm sau, Tim Severin đã tới Đài Loan tìm hiểu cách đóng bè tre của ngư dân nơi đây để “đặt hàng” cho họ làm bè vượt biển. Tuy nhiên, khi tới nơi, nhà thám hiểm nổi tiếng thế giới phải thất vọng quay về vì ngư dân Đài Loan đã không còn dùng loại bè này.
Được một người bạn làm ở viện bảo tàng mách nước, năm 1990, Tim Severin từ nước Anh tới Hà Nội để liên hệ với các cơ quan chức năng Việt Nam xin làm thủ tục vào Sầm Sơn khảo sát, đóng bè tre vượt Thái Bình Dương. Một năm sau đó, Tim Severin vào Sầm Sơn liên hệ với lãnh đạo thị xã (TP Sầm Sơn lúc đó là thị xã) để đóng bè tre thí nghiệm.
Bố con ông Lợi và hàng chục người dân vùng biển Sầm Sơn được thuê đóng bè tre cho nhà thám hiểm Tim Severin. Lúc này, ông Lợi phụ trách công tác thợ mộc (đục đẽo cây luồng, làm cột buồm và buộc dây kết bè...). Trong quá trình làm việc, dù chưa thông hiểu ngôn ngữ của nhau, nhưng qua ánh mắt, cử chỉ giữa ông Lợi và Tim Severin ngày càng thân thiết và hiểu nhau hơn. Khi chiếc bè thí nghiệm được đóng xong, nhiều ngư dân lớn tuổi có kinh nghiệm được giao trọng trách lái thử lúc sóng mạnh, thậm chí lúc bão đổ bộ vào bờ để nhà thám hiểm kiểm chứng sức chịu đựng của bè tre.
Trái với kỳ vọng, các ngư dân lão luyện, nhiều kinh nghiệm sóng gió do tuổi cao, sức yếu nên điều khiển bè không được như ý muốn. Thông qua người phiên dịch, Tim Severin đã đề nghị ông Lợi lái thử. Dù sóng to, gió lớn, nhưng chiếc bè tre do ông Lợi cầm lái chạy phăng phăng đưa nhà thám hiểm di chuyển theo ý mình.
Sau khi chiếc bè tre thí nghiệm được ông Lợi điều khiển đưa Tim Severin vượt sóng giữ theo ý muốn tại biển Sầm Sơn, nhà thám hiểm nổi tiếng thế giới bất ngờ hỏi “Lợi có muốn vượt Thái Bình Dương tới Mỹ với Tim Severin không?”.
Sau một phút suy nghĩ, ông Lợi đáp “Tim Severin đi được thì Lợi cũng đi được”. Sau câu trả lời đó, hai con người ở hai đất nước khác đã ôm lấy nhau, coi nhau là người bạn, người đồng hành trong chuyển vượt biển đi vào huyền thoại. “Sau khi tôi đồng ý vượt biển, Tim Severin rất vui. Hàng ngày, Tim Severin cùng ăn, ngủ và bi bô nói chuyện với tôi vài câu vừa học được. Nhiều người lúc đó cho rằng tôi đi theo họ là liều lĩnh, là đánh cược tính mạng, nhưng qua quá trình làm việc với Tim Severin tôi cảm nhận được đây là con người rất giỏi, làm việc khoa học và rất đáng tin cậy. Hơn nữa, với kinh nghiệm của một ngư dân, tôi tin chiếc bè tre Sầm Sơn sẽ an toàn vượt Thái Bình Dương tới Mỹ”, ông Lợi với giọng nói hào hùng kể lại.
Khát vọng từ tên bè ‘Từ Phúc’
Chiếc bè thí nghiệm ngoài mong đợi, Tim Severin và cộng sự lại bắt tay vào việc thiết kế, tìm nguyên vật liệu, thuê nhân công để đóng con bè tre mang tên “Từ Phúc” chuẩn bị cho chuyến vượt biển . Cái tên “Từ Phúc” lấy cảm hứng từ điển tích Từ Phúc nhận lệnh Tần Thủy Hoàng (Trung Quốc) lái thuyền đi tìm Bồng Lai Đảo.
Được ông Lợi và ngư dân Sầm Sơn tư vấn, Tim Severin cùng với lãnh đạo địa phương ngược huyện Quan Hóa tìm mua luồng (họ nhà tre) để về kết bè. Chiếc bè có chiều dài 18,3m, rộng 4,6m, cao 1m, xếp 3 lớp, được làm từ gần 500 cây luồng (mỗi cây có đường kính trung bình từ 0,13m). Để hoàn thành được chiếc bè tre huyền thoại này, hơn 30 người thợ lành nghề phải làm việc hơn 4 tháng liên tục. Mỗi ngày làm việc, thời điểm đó được ông Tim Severin trả công cho thợ 2 USD.
Ngoài ra, để hoàn chỉnh chiếc bè, những người thợ đã sử dụng gần 100km dây mây, dây tre để buộc, kết nối những cây luồng với nhau tạo thành bè mà không sử dụng đinh hay thiết bị nào khác. Ngày 16/3/1993, sau hơn 4 tháng gấp rút thi công, chiếc bè tre mang tên “Từ Phúc” được đoàn thám hiểm và chính quyền địa phương làm lễ hạ thủy tại đền Độc Cước, (TP Sầm Sơn ngày nay) trước sự chứng kiến của đông đảo người dân địa phương.
Sau khi làm lễ hạ thủy, chiếc bè tre được một con tàu khác kéo ra tỉnh Quảng Ninh để lắp buồm. Cột buồm được làm từ những cây gỗ quý, cứng và chịu được nước mặn, còn cánh buồm được làm từ vải xô khâu bằng tay. Chiếc bè tre “Từ Phúc” được điều khiển bằng 3 cánh buồm, 1 cánh phía trước mũi, 2 cánh phía sau.
Từ Quảng Ninh, tháng 4/1993, bè tre được đưa lên tàu chở sang Hồng Kông. Đến tháng 5/1993, chiếc bè tre được treo hai quốc kỳ của Việt Nam và Iceland đã đưa các nhà thám hiểm quốc tế bắt đầu khởi hành từ Hồng Kông vượt Thái Bình Dương tới Mỹ. Trong chuyến đi này, ông Lợi được giao nhiệm vụ lái chính và phụ trách kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho bè.
(Còn tiếp...)