Người phụ nữ khởi nghiệp từ đồng ruộng và khát vọng vươn ra thế giới
Mất rất nhiều ngày đêm nghiên cứu, tôi đã dần cảm nhận được một phần hơi thở của rau, củ, quả. Kể từ đó, sản phẩm mì sợi mềm, thơm ngon, đầy chất dinh dưỡng kết tinh từ thực phẩm hữu cơ được ra đời…”
Đó là những lời bộc bạch rất chân thành của nữ doanh nhân Đặng Thị Tâm (SN 1983), Giám đốc Công ty Cổ phần An An Agri khi kể về hành trình kiến tạo thương hiệu mì rau củ hữu cơ mang đậm bản sắc Việt.
“Non cao cũng có đường trèo…”
Từ bao đời nay, người dân Nghệ An nói chung, huyện Diễn Châu nói riêng luôn xem lúa là cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp địa phương. Những năm 2015 trở về trước, do tập quán canh tác của bà con còn lạc hậu cùng việc phát huy nội lực của địa phương còn rất hạn chế… nên năng suất sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây vẫn còn ở mức thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn, vất vả.
Mang theo trăn trở trên cùng tình yêu với đất và lúa được hun đúc từ thuở bé, năm 2015, chị Đặng Thị Tâm đã từ bỏ công việc ổn định trong cơ quan nhà nước để về quê gắn bó với đồng ruộng, bắt đầu khởi nghiệp từ việc trồng rau, củ, quả sạch.
“Đây là một quá trình rất vất vả, đòi hỏi lòng đam mê, sự chuyên tâm, kiên trì và bền bỉ rất lớn. Những ngày đầu lập nghiệp, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu công nghệ và biết bao tháng ngày dầm mưa dãi nắng cùng người nông dân trên cánh đồng rau nguyên liệu, nhưng bù lại tôi đã có được giống rau phù hợp chất đất và phát triển tươi tốt”, chị Tâm nói.
Cũng trong khoảng thời gian này, nhờ vài điều cố chấp khác biệt nho nhỏ như: Rau trồng là phải thực sự thơm ngon nổi bật, phải là sao bảo quản sau thu hoạch tự nhiên mà vẫn để được lâu,… sản phẩm của chị đã được một thương nhân người Nhật Bản thích thú và để ý đến. Với mong muốn giúp đỡ chị, vị thương nhân này đã giao một số đơn hàng đơn giản, không dùng chất bảo quản, không can thiệp thuốc bảo vệ thực vật như: Bột rau cải bó xôi, bột cải xoăn, bột mầm lúa mạch… số lượng hơn 20 tấn/tháng.
“Thời điểm ấy, tôi chưa có đủ khả năng tài chính cùng đất trồng thực hiện nên đã phải ngậm ngùi từ chối. Sau đó, bác định hướng nên phát triển một số sản phẩm chế biến và bán tại thị trường trong nước. Bác nói, cháu hãy làm ra một sản phẩm tốt nhất trên thế giới và tôi cũng hiểu đấy là cách bác nhắc nhở rằng phải làm tốt nhất, đủ điều kiện để bước ra thế giới,…vừa là một sự động viên, vừa là một sự tin tưởng”, chị Tâm kể lại.
Mang theo tâm thế ấy cùng những đêm trằn trọc thức trắng để nghiên cứu, tìm hiểu và hơn hết là được sự hỗ trợ của Sở KH&CN tỉnh Nghệ An, đến năm 2017, chị đã quyết định chuyển sang hướng chế biến nông sản, đưa mầm lúa mạch, rau củ tươi ngon vào những sợi mì theo đúng tiêu chuẩn của thực phẩm hữu cơ.
Chị Tâm chia sẻ: “Nguyên liệu sử dụng nó cũng phải là loại tốt nhất, được trồng hữu cơ, được chăm sóc cẩn thận nhất, những nguyên liệu tươi đã qua sấy nhưng tươi nguyên bản vị, như được hái về từ một cánh đồng đẫm sương. Những ngày thu hoạch dưới ruộng ba giờ sáng để kịp chuyến về phòng thí nghiệm, những đêm gồng mình trên ghế cứng phòng thí nghiệm quên ăn, quên ngủ ấy là vì tôi muốn tạo ra loại bột mầm lúa mì hảo hạng”.
Đó là một quy trình sản xuất rất chặt chẽ từ khâu tuyển chọn hạt giống, gieo trồng hữu cơ theo tiêu chuẩn, thu hái và chế biến khép kín trong môi trường an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng vận dụng công thức một cách khoa học, bài bản mới tạo ra được sợi mì ngon ngọt tự nhiên, mang hương vị nguyên bản, thanh mát từ rau củ và các loại thảo dược.
“Vượt qua những khó khăn, vất vả cùng sự quyết tâm đã giúp cho tôi tạo được thành công bước đầu với dự án sản xuất rau củ quả thảo dược hữu cơ, ứng dụng trong chế biến mì sợi”, chị Tâm tự hào nói.
Nếm “quả ngọt” từ sự chuyên tâm, tận hiến
Với 2 sản phẩm chủ đạo là mì cải bó xôi và mầm lúa mạch, cùng những sản phẩm mì rau củ hữu cơ khác, nữ doanh nhân Đặng Thị Tâm đã gặt hái được những thành công bước đầu khi thu về lợi nhuận từ 1 – 2 tỷ đồng/năm, sau khi trừ tất cả chi phí khác.
Bên cạnh việc mang lại lợi ích về kinh tế, chị còn tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 40 lao động và 80 lao động theo thời vụ, chủ yếu là chị em phụ nữ; đồng thời mở ra một hướng phát triển kinh tế mới trên mảnh đất quê hương, nơi đa phần người dân bám đồng bám ruộng, sản xuất nông nghiệp.
Nói về mô hình sản xuất mì rau củ hữu cơ của chị Đặng Thị Tâm ở huyện Diễn Châu, ông Ngô Hoàng Linh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Nghệ An cho biết: “Mô hình của chị Đặng Thị Tâm là một trong những mô hình nổi bật về sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những sản phẩm như: Mì mầm lúa mạch, mì cải bó xôi, củ cải đỏ, củ nghệ thiên nhiên hữu cơ… đã và đang đứng vững ở thị trường trong nước, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng”.
Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, nữ doanh nhân Đặng Thị Tâm còn có khát vọng to lớn khác, đó là hiện thực hóa giấc mơ đưa sản phẩm mì rau củ hữu cơ của mình trải rộng khắp năm châu, được mọi người dân trên thế giới biết đến.
“Chúng tôi đã tư vấn hỗ trợ công nghệ chế biến và sau đó là làm tinh bột, tinh chất từ mầm lúa mạch tạo ra những sản phẩm có giá trị thương mại cao hơn, chinh phục được thị trường khó tính như Nhật Bản. Sắp tới, trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đơn vị về khoa học, công nghệ để tiếp tục mở rộng thị trường vươn ra thế giới trong thời gian tới”, ông Ngô Hoàng Linh nói.
Trao đổi với chúng tôi, ánh mắt của chị Tâm lấp lánh và ánh lên niềm tự hào cho biết: “Sản phẩm mì rau củ hữu cơ nhỏ bé vô cùng nhưng khi được đồng hành cùng các nhà khoa học, cùng những người nông dân và nhiều phụ nữ tại nông thôn, chúng tôi trở thành một tập thể lớn mang theo ước mơ cũng dần lớn với giấc mơ nông sản Việt bước ra thế giới sẽ chẳng còn xa”.
Tuệ Linh Farm hợp tác Agri - Dynamics Việt Nam phát triển nông nghiệp hữu cơ 
Payoo hợp tác Cam Mặt Trời mang đến giải pháp thanh toán hiện đại