Bà đã dày công sưu tầm rất nhiều hình ảnh, tư liệu, sách báo về Bác Hồ. Đây cũng là người tham gia xây dựng Lăng Bác và được gặp Bác từ hồi còn nhỏ.
Nhắc tới bà Nguyễn Thị Nguyệt (ngụ quận 1, TP.HCM), người ta lại nghĩ đến 1 người phụ nữ may mắn được gặp Bác Hồ. Khi về già, bà còn dành nhiều thời gian sưu tầm những hình ảnh, tư liệu quý báu liên quan tới Bác với mong muốn thế hệ sau sẽ hiểu hơn về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Được gặp Bác Hồ hồi còn nhỏ, 65 năm sau vẫn không quên
Khi có dịp gặp gỡ báo chí, bà Nguyệt không nén nổi xúc động khi nhắc về những ký ức được gặp Bác Hồ . Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Nguyệt: "Bác có thói quen mỗi lần đến Hải Phòng công tác, Người đều ghé thăm một trường nào đó. Năm 1959, cũng trong dịp đến Hải Phòng, Bác ghé thăm trường Học sinh miền Nam". Đây cũng là nơi bà Nguyệt theo học và có cơ duyên gặp bác tại trường.
Bà Nguyệt nhớ lại, Bác tới thăm trường vào buổi trưa. Bà là Thanh niên cờ đỏ nên đứng trực ở ngoài cổng trường. Khi xe Bác đi qua cổng, bà là học sinh tới mở cửa xe cho Bác. Lúc Bác ra khỏi xe, bà Nguyệt ôm chầm lấy Bác và khóc nức nở vì quá hạnh phúc.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt có nhiều kỷ niệm được gặp Bác Hồ. Ảnh: TTXVN
Sau khi tiến hành viết lưu niệm, Bác Hồ để lên bục rất nhiều kẹo cho học sinh. Bác còn hỏi: "Các cháu ăn có no không?", ai nấy đều trả lời: "Dạ có". Nhưng khi Bác hỏi tiếp: "Các cháu ăn có đói không?", toàn thể học sinh vẫn đáp: "Dạ có". Bác nghe xong mà bật cười vì hỏi sao học sinh cũng trả lời là "có".
Những ký ức đẹp đẽ ấy in sâu trong tâm trí của bà Nguyệt sau nhiều năm. Tới nay, đã 65 năm kể từ ngày bà được gặp Bác Hồ nhưng kỷ niệm được gặp Bác, ôm Bác khiến bà không thể quên được.
Cũng tại ngôi trường này, bà Nguyệt còn có thể tự may quần áo cho chính mình nhờ "chỉ đạo" của Bác Hồ. Khi ấy, trường của bà đã thuê người may đồng phục cho học sinh nhưng lại dư rất nhiều vải vụn gây lãng phí. Vì thế, Bác Hồ đã yêu cầu trường phải hướng dẫn học sinh tự tay may đồng phục. Nhờ đó, bà Nguyễn Thị Nguyệt có được bộ trang phục do chính tay mình làm nên, dù cổ áo lệch nhau, bên to bên nhỏ nhưng nhìn chúng bà lại nhớ ngay tới Bác Hồ.
Là người có cơ hội xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bà Nguyễn Thị Nguyệt còn là người may mắn được tham gia xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. "Thời điểm đó, Nhà nước có phong trào Phụ nữ ba đảm đang. Tôi vinh dự được chọn là người có đủ yếu tố của phong trào nên cơ quan giới thiệu, đề cử tôi tham gia lao động công ích xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh" - bà Nguyệt kể lại trong sự tự hào vô bờ.
Không chỉ có các KTS, Họa viên và Kỹ thuật viên đóng góp vào quá trình xây Lăng Bác mà còn có nhiều người hoạt động công ích như bà Nguyệt. Ảnh: Trang tin điện tử Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Những ngày tháng ấy, người phụ nữ này thường rửa những viên đá dùng để trộn bê tông xây Lăng. Sang năm thứ 2, bà tiếp tục lao động công ích, đánh bóng những viên gạch xây gian thứ nhất của Lăng. Dù là lao động công ích nhưng bà Nguyệt cho biết ai cũng đều có tinh thần trách nhiệm. Không chỉ bà mà ai có cơ hội tham gia xây Lăng Bác đều vô cùng tự hào, hãnh diện, thể hiện sự biết ơn với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Hơn 40 năm sưu tầm tài liệu về Bác
Có những ấn tượng sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Nguyệt còn dành rất nhiều năm để tìm và giữ lại những tài liệu liên quan tới Bác. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà Nguyệt trở về quê hương của mình nhưng luôn nhớ miền Bắc, nhớ cả công ơn của Bác Hồ. Điều đó thôi thúc bà đi tìm những hình ảnh, sách báo... về Bác làm thành 1 cuốn sách dày cộp.
Bà Nguyệt cất công sưu tầm sách báo, ảnh về Bác trong hơn 40 năm. Ảnh: Vietnamnet
Sau hơn 40 năm sưu tầm, cuốn sách chứa những tư liệu về Bác Hồ của bà Nguyệt ngày càng dày thêm. Từ hơn 40 năm trước, bà Nguyệt đã thường xuyên đạp xe tới các thư viện, nhà sách để tìm ảnh Bác Hồ. Bà cũng bỏ tiền ra để mua sách, báo có hình ảnh về Bác. Thậm chí, khi nghe tin có người giữ ảnh Bác, bà Nguyệt cũng tìm tới nơi xin chụp ảnh và scan lại, dán thêm vào cuốn sách đặc biệt.
Bà Nguyệt luôn mong muốn tìm được nhiều hình ảnh, tài liệu  về Bác nên hơn 40 năm sưu tầm chưa ngày nào ngừng nghỉ. Có lần, bà tìm được 1 cuốn sách hay viết về vị lãnh tụ của dân tộc nhưng không đủ tiền mua, may mắn lại được chủ tiệm sách tặng lại. Bà vô cùng xúc động trước hành động này.
Đây là "tài sản" vô giá của 1 người luôn dành sự tôn kính cho Bác Hồ. Ảnh: Người Đưa Tin
Càng tìm hiểu về Bác Hồ, bà Nguyệt lại càng cảm phục cốt cách, ý chí và tình yêu thương đồng bào, dân tộc của Người. "Càng đọc, càng nghiên cứu mới thấu hiểu hơn những tư tưởng của Người. Tôi rất cảm phục tinh thần ham học hỏi của Bác; Phẩm chất của một vị lãnh tụ hết lòng vì dân, không gia trưởng hay nghĩ đến lợi ích cá nhân" - bà Nguyệt khẳng định. Bà cũng mong muốn các con cháu dù không được gặp Bác nhưng vẫn cảm nhận được sự vĩ đại của Người đối với cả dân tộc và từng cá nhân. Bởi vậy, người phụ nữ này dù đã có tuổi nhưng luôn dành thời gian tìm tòi, sưu tầm những giá trị tốt đẹp.
Tới hiện tại, bà Nguyệt có hơn 3.000 tấm ảnh về Bác Hồ. Bà cũng đã gửi tặng Bảo tàng gần 2.000 bức ảnh vô giá này.
Tham khảo:
- Chuyện về người phụ nữ từng tham gia xây dựng Lăng Bác Hồ - Vietnamnet
- "Kỷ lục gia" sưu tầm ảnh Bác Hồ và kỷ niệm không quên về lần được gặp Bác - Người Đưa Tin
- Người phụ nữ 37 năm sưu tầm tư liệu về Bác Hồ - Trang tin điện tử Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh