Nguy hại từ việc sử dụng 'thuốc lá mới'

21-07-2023 10:01|Nguyệt Linh

Khi chưa có các nghiên cứu độc lập chứng minh thuốc lá điện tử không gây hại cho sức khỏe con người, sản phẩm này đang ngấm ngầm tạo ra một thế hệ sử dụng thuốc lá mới với tốc độ lan truyền ngày càng mạnh mẽ hơn.

Khi chưa có các nghiên cứu độc lập chứng minh thuốc lá điện tử không gây hại cho sức khỏe con người, sản phẩm này đang ngấm ngầm tạo ra một thế hệ sử dụng thuốc lá mới với tốc độ lan truyền ngày càng mạnh mẽ hơn.

_____________________

black-and-red-modern-limited-edition-earphone-facebook-cover-1-3052.png

Có thói quen sử dụng thuốc lá điện tử hơn 4 năm nay, Tùng Lâm (25 tuổi), nhân viên văn phòng tại Hà Nội chia sẻ lý do ban đầu khiến cậu sử dụng thuốc lá điện tử là để “từ bỏ thói quen hút thuốc lá truyền thống và giảm lượng nicotine dung nạp hằng ngày”.

Theo Lâm, việc sử dụng thuốc lá điện tử ngày nay đã trở nên rất phổ biến đối với người trẻ, trong đó có cả các bạn sinh viên, học sinh. Thuốc lá điện tử được ưa chuộng hơn dòng truyền thống bởi có nhiều tinh dầu với hương vị đặc sắc như hoa quả, cà phê, trà sữa… phù hợp với nhu cầu cá nhân người dùng.

Bên cạnh đó, sản phẩm này mang tính tiện lợi vì có thể sử dụng ở bất cứ đâu, cả trong các khu vực cấm hút thuốc, bởi không tạo ra mùi khét như thuốc lá truyền thống. Khói từ thuốc lá điện tử cũng ám vào trang phục không đáng kể. Quan trọng với nhiều người, sản phẩm này không gây mùi khó chịu trong khoang miệng.

Gắn bó với thuốc lá điện tử gần 2 năm, Đức Lương (22 tuổi), du học sinh tại Canada cho biết lý do “làm quen” với thuốc lá điện tử bởi ở nước ngoài, thuốc lá truyền thống là mặt hàng khá đắt tiền. Trong khi đó, Lương đã quen hút thuốc thường xuyên từ hồi còn đi học ở Việt Nam. Mỗi ngày cậu cần từ 2 đến 5 điếu thuốc để xua đi cảm giác bứt rứt, duy trì sức tập trung.

2-10-9461.jpg

Khi được hỏi về tần suất sử dụng thuốc lá điện tử trong ngày và khả năng gây nghiện, Tùng Lâm cho rằng nếu thuốc lá thường tính bằng điếu thì thuốc lá điện tử tính bằng hơi/ngày. Trước đây, khi sử dụng thuốc lá truyền thống, mỗi ngày Lâm hút nửa bao, tức khoảng 10 điếu. Từ khi chuyển sang thuốc lá điện tử, cậu nhẩm tính bản thân hút khoảng 200 hơi/ngày.

Còn theo Đức Lương, “nghiện” là khái niệm rất khó định nghĩa bởi tùy thuộc vào thể trạng của từng người. Với Lương, người được coi là nghiện thuốc khi sử dụng trên 10 điếu/ngày. Về khả năng gây nghiện của thuốc lá điện tử, cậu cho rằng tinh dầu tuy ít nhưng vẫn chứa một hàm lượng nicotine nhất định mà nhà sản xuất đã ghi trên bao bì.

“Nicotine là chất gây nghiện nổi tiếng xuất hiện trong thành phần của thuốc lá truyền thống. Nếu tinh dầu của thuốc lá điện tử vẫn chứa chất này thì mình nghĩ rằng hút nhiều có thể gây nghiện”, Đức Lương nhận định.

black-and-red-modern-limited-edition-earphone-facebook-cover-2-9533.png

Để trả lời câu hỏi trên, cần tìm hiểu quá trình tạo ra thuốc lá điện tử cũng như cơ chế khiến người sử dụng ưa thích sản phẩm này.

Theo đó, lý do khiến hầu hết người nghiện thuốc là là bởi nghiện chất nicotine chứa trong sản phẩm. Nicotine chính là chất gây nghiện, có khả năng khiến người sử dụng lệ thuộc, bắt buộc phải dùng thuốc lá hằng ngày. Một khi đã nghiện, nếu không được hút thuốc đủ tần suất, người nghiện sẽ có cảm giác khó chịu, thậm chí vật vã. Cùng với việc nghiện nicotine, người nghiện thuốc lá còn có thể nghiện lặp lại các thao tác trong quy trình hút thuốc như cách kẹp tay vào điếu thuốc, châm lửa, rít hơi, nhả khói...

thuoc-la-9425.jpg

Ban đầu, thuốc lá điện tử được tạo ra nhằm đáp ứng hai chứng nghiện trên khi vừa cung cấp một lượng vừa đủ nicotine để chữa nghiện, vừa mang hình dạng giống điếu thuốc thật để người dùng có thể phì phà rít hơi, nhả khói.

Về cấu tạo, thuốc lá điện tử có hai phần gồm đầu lọc chứa nicotine cùng hỗn hợp chất tạo mùi thơm và thân ống là một thiết bị điện tử khi kích hoạt sẽ phun hỗn hợp hơi để đi qua đầu lọc, hòa tan nicotine và chất tạo mùi. Khi người hút rít hơi thuốc, hơi nicotine và mùi thơm sẽ vào miệng và hệ hô hấp tương tự như phản ứng diễn ra với khói thuốc.

Theo các chuyên gia, trong khói thuốc lá có chứa hàng trăm chất độc bao gồm CO (carbon oxide là khí rất độc gây chết với lượng rất nhỏ), các chất gây ung thư (có nhóm benzopyrene gây ung thư phổi, da, bàng quang). Khói thuốc lá là nguồn phát sinh độc hại khi không chỉ ảnh hưởng đến người hút mà còn khiến người xung quanh (người hút thuốc lá thụ động) gặp những biến chứng xấu đối với sức khỏe.

3727-thuoc-la-dien-tu-khong-co-nhan-to-gay-hai-4-6928.jpg

Riêng chất nicotine trong thuốc lá là “thủ phạm” gây nghiện và dẫn đến vấn đề nghiêm trọng về tim mạch cho người hút thuốc lá.

Người nghiện hút thuốc lá do lệ thuộc nicotine không thể đột ngột dứt bỏ việc hút nên phải dùng biện pháp cung cấp nicotine để rồi giảm dần việc cung cấp và đi đến chỗ dứt bỏ, không cần cung cấp nicotine nữa. Đây là lý do thuốc lá điện tử được tạo ra.

Tuy nhiên hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa chứng minh một cách độc lập rằng thuốc lá điện tử không tạo ra độc và gây những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe của người hút và người ngửi khói thuốc. Nicotine và hỗn hợp hơi dùng trong thuốc lá điện tử vẫn chưa được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thừa nhận trong điều trị.

black-and-red-modern-limited-edition-earphone-facebook-cover-3-3287.png

Nếu xem dùng thuốc lá điện tử là biện pháp để người nghiện thuốc lá giảm dần rồi cai hẳn việc hút thuốc thì việc sử dụng sản phẩm này có thể chấp nhận được. Theo đó, để cai bằng thuốc lá điện tử, người nghiện phải có sự quyết tâm, hút thuốc lá điện tử trong một thời gian ngắn, giảm dần tần số và liều lượng hút, để rồi bỏ thuốc lá hoàn toàn thì đó là biện pháp không gây hại.

Nhưng thực tế cho thấy, thuốc lá điện tử không giúp việc cai được thuốc lá dễ dàng. Chính việc tiếp tục “phì phèo” điếu thuốc, dù là thuốc lá điện tử, làm cho người có ý định cai dùng luôn thuốc lá điện tử hoặc trở lại hút thuốc lá thật. Trong một nghiên cứu của Polosa thử nghiệm trên 40 người nghiện hút thuốc lá tình nguyện hút thuốc lá điện tử, có 22% người bỏ được thuốc lá nhưng hầu hết duy trì sử dụng hút thuốc lá điện tử.

image001-1965-1669781207-2999.jpg

Ngoài ra, cần xét đến nicotine có trong thuốc lá điện tử. Đây là dung dịch không hề nguyên chất mà đã bị pha tạp với nhiều thành phần có hại cho sức khỏe. Cụ thể, nicotine vốn là chất không tan trong nước nên hỗn hợp hơi hòa tan trong thuốc lá điện tử phải là dung môi hữu cơ và được xác định là propylene glycol hoặc diethylene glycol là các chất độc hại đối với con người.

Hiện nay tại Việt Nam, đang có một thực trạng đáng lo ngại là các sản phẩm thuốc lá điện tử tuy chưa được cấp phép lưu hành, buôn bán trong nước nhưng hiện được quảng cáo rất rầm rộ, bày bán công khai trên thị trường. Dù Bộ Y tế đã đề nghị các đơn vị tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân có hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển, mua bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng... nhưng tình trạng này vẫn chưa được cải thiện.

Từ quan sát của người dùng, Tùng Lâm cho rằng hiện tại thuốc lá điện tử đang là mặt hàng được buôn bán, quảng cáo tràn lan trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội tại Việt Nam. Thậm chí là tại các tuyến phố lớn của Hà Nội cũng có những cửa hàng chuyên buôn bán phụ kiện đa dạng dành cho sản phẩm này.

Ông Ira J. Strumpf, phát ngôn viên của Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, đã bày tỏ lo ngại sâu sắc là thuốc lá điện tử được quảng cáo không chỉ nhằm đến đối tượng cai thuốc lá mà còn cả cho số lượng đông đảo người trước kia chưa hề hút thuốc, đặc biệt là giới trẻ.

Cơ quan FDA Mỹ đã ra cảnh báo về sự thiếu thử nghiệm lâm sàng khoa học chứng thực độ an toàn của thuốc lá điện tử. Một số nước như Úc, Canada và Brazil nhận thấy thuốc lá điện tử có hại nhiều hơn có lợi nên đã cấm lưu hành sử dụng trong nước họ.

Việt Nam là một trong 15 nước hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và là quốc gia đứng thứ ba trong khu vực ASEAN có số người trưởng thành hút thuốc lá cao nhất. Theo kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13-15 tuổi của Bộ Y tế năm 2022 cho thấy, tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá hiện nay khoảng 2,9%. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh nữ sử dụng thuốc lá có dấu hiệu gia tăng, chủ yếu là sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử.

Mức phạt cho người sử dụng, buôn bán thuốc lá điện tử, ‘bóng cười’ từ 1/1/2025

Từ hôm nay, Việt Nam chính thức cấm bóng cười, thuốc lá điện tử

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/nguy-hai-tu-viec-su-dung-thuoc-la-moi-post136397.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Nguy hại từ việc sử dụng 'thuốc lá mới'
    POWERED BY ONECMS & INTECH