Nguyên hiệu trưởng hiến kế chống lạm thu bằng 'bốn chữ C'
Nếu chúng ta làm nghiêm những việc này, lạm thu tiền trường sẽ không tồn tại. Hội phụ huynh lúc này hoạt động đúng chức năng, sẽ không còn cuộc tranh luận không có hồi kết rằng hội đại diện cho ai, bỏ hay không bỏ.
Mỗi dịp đầu năm học, vai trò của ban đại diện phụ huynh luôn trở thành chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm của đông đảo cha mẹ học sinh và giáo viên. Liệu ban phụ huynh có thực sự đại diện cho tiếng nói của phụ huynh và làm đúng vai trò, nhiệm vụ của mình?
Diễn đàn Vai trò của hội phụ huynh trong nhà trường do chuyên mục Giáo dục của VietNamNet mong muốn lắng nghe ý kiến, chia sẻ và đóng góp từ chính các bậc phụ huynh, giáo viên và những ai quan tâm tới nền giáo dục nước nhà để xây dựng giải pháp thực tiễn cho vấn đề này.
Trong bài viết dưới đây, TS Nguyễn Hoàng Chương, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát (Huyện Bảo Lộc, Lâm Đồng) góp ý một số giải pháp nhằm hạn chế tình trạng Ban đại diện cha mẹ học sinh lạm thu, không thực hiện đúng chức năng.
Vai trò ban đại diện cha mẹ học sinh luôn thu hút sự quan tâm của dư luận cả trong và ngoài ngành giáo dục. Trước câu hỏi nên hay không nên tồn tại ban đại diện này trong nhà trường, nhiều ý kiến đề xuất bỏ ngay nhưng cũng có chia sẻ về những hoạt động tích cực, nhân văn ở nơi này, nơi khác của hội phụ huynh học sinh lớp, trường.
Mới đây, chiều 3/10, Sở GD-ĐT TPHCM cũng đã đưa ra quan điểm sau khi có nhiều ý kiến đề nghị xóa bỏ hội phụ huynh nhằm tránh tình trạng lạm thu . Theo Sở, hoạt động của ban này được quy định tại thông tư 55 của Bộ GD-ĐT. Ban đại diện cha mẹ học sinh có nhiệm vụ phối hợp với giáo viên tổ chức các hoạt động giáo dục, giúp đỡ học sinh và chuẩn bị nội dung các cuộc họp phụ huynh.
Kinh phí hoạt động của ban từ nguồn ủng hộ tự nguyện và các khoản tài trợ. Thông tư 55 nêu rõ ban không được thu tiền nếu không theo nguyên tắc tự nguyện hoặc không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban; không dùng quỹ ban để mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc giáo viên.
Với những quy định trên, Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng các trường cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các quy định để phụ huynh hiểu rõ, từ đó phát huy được vai trò và nhiệm vụ của ban.
Tôi là nhà giáo, có thâm niên quản lý trường THPT, có lúc cũng đứng giữa 2 luồng suy nghĩ: "Hội phụ huynh tội tình gì mà bỏ?”, hay "Có nên dẹp ban đại diện cha mẹ học sinh?". Giận thì giận, mà buông lòng không yên. Khó có thể phủ nhận "công" của hội phụ huynh khi kết nối những người làm cha làm mẹ, là cầu nối giữa gia đình và nhà trường... Nhưng nếu ban đại diện cha mẹ học sinh cứ là "cánh tay nối dài" của hiệu trưởng, nhất là khi đặt ra đủ loại khoản tiền “tự nguyện”, trường học đã, đang và sẽ chịu hệ lụy xấu.
Cụ thể, gần đây, chuyện một giáo viên tiểu học ở TPHCM, xin phụ huynh tài trợ laptop hay ban đại diện cha mẹ học sinh trường THPT ở Bình Định vận động thu tiền mua 7 tivi với giá 50 triệu đồng gây bức xúc trong dư luận. Đặc biệt, nhiều phụ huynh đánh giá vai trò và hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh không tương xứng với kỳ vọng ban đầu khiến cho hội này đã vô tình bị "dán mác" là "hội thu tiền" vào mỗi năm học mới.
Nhân đây, tôi đề nghị hai nhóm giải pháp giúp chữa "căn bệnh" lạm thu tiền trường.
Chống lạm thu bằng 4 chữ C
Công khai, minh bạch các khoản thu trên trang tin của mỗi trường học đến toàn thể giáo viên, từng phụ huynh, học sinh.
Chấn chỉnh thu tiền trường bằng giám sát, kiểm tra, thanh tra của ngành giáo dục và của ban, ngành chức năng, của đoàn thể tại địa phương.
Có chế tài xử lý các đối tượng trực tiếp, gián tiếp để xảy ra lạm thu, đó là: giáo viên chủ nhiệm, trưởng ban phụ huynh, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán. Tùy mức độ vi phạm, mức kỷ luật là cảnh cáo, cách chức, đề nghị xử lý hình sự.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc, coi chống lạm thu là nhiệm vụ quan trọng. Để xảy ra lạm thu tiền trường, kỷ luật thích đáng người đứng đầu. Trước đó, vào năm 2023, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng ban hành văn bản nhân mạnh xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để xảy ra lạm thu và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nếu để xảy ra tình trạng lạm thu, thu không đúng quy định. Làm nghiêm, lạm thu tiền trường sao tồn tại? Ban phụ huynh lúc này hoạt động đúng chức năng, sẽ không còn cuộc tranh luận không có hồi kết rằng ban này đại diện cho ai, bỏ hay không bỏ?
Giải pháp lâu dài
Chúng ta cần phát triển mạnh trường ngoài công lập, trường công lập tự chủ về tài chính. Trên cơ sở đó, một và chỉ một khoản thu trong trường công lập: Học phí. Các khoản thu khác, cơ quan, tổ chức nào thu, phụ huynh học sinh trực tiếp thanh toán cho họ.
Trường công lập đóng ở vùng khó khăn, vùng trũng về chất lượng, trường chuyên biệt - ngân sách Nhà nước đảm bảo toàn bộ hoạt động giáo dục theo nguyên tắc "không một trường học nào bị bỏ lại phía sau".
Hàng năm, căn cứ kế hoạch giáo dục được duyệt, hiệu trưởng đề xuất mức thu học phí để cấp thẩm quyền xem xét, quyết định (đối với trường công lập các vùng còn lại).
Học sinh cố gắng theo học loại hình trường phù hợp. Khuyến khích các em tự học, học tập suốt đời. Người học được tạo cơ hội học tập tốt, tự học thuận lợi, được học khi có yêu cầu (của bản thân, gia đình…).
Chúng ta cần đầu tư cho trung tâm GDTX-GDNN để các đơn vị này làm tốt vai trò hỗ trợ cho mọi người khi có nhu cầu học tập. Giáo dục thường xuyên là tất yếu trong xã hội học tập. Triệt tiêu lạm thu tiền trường để nhà trường trở nên chuẩn mực, nhân văn, góp phần tạo nên gia đình hiếu học, làm nền tảng cho đất nước phát triển vững mạnh.
>> Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị kiểm điểm cá nhân gây bức xúc thu chi đầu năm học 
Hiệu trưởng các trường ở Đồng Nai chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lạm thu 
Cô giáo xin laptop, trường trả tivi cho phụ huynh... lùm xùm lạm thu đầu năm học