Trong thời gian sóng gió của ngành bất động sản vừa qua, Novaland (NVL) thuộc top doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ áp lực trái phiếu cho đến các dự án bị dừng triển khai.
Trong thông điệp gửi đến cổ đông, khách hàng và đối tác, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (NVL ), chia sẻ trong bối cảnh khó khăn, tập đoàn nhận được sự chia sẻ, cảm thông và đồng hành của khách hàng, cộng đồng, nhà đầu tư, đối tác và trên hết là chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ.
Theo đó, những khó khăn của NVL đang từng bước được tháo gỡ. “Novaland tự tin sẽ vượt qua mọi trở ngại để khối rubik màu xanh tiếp tục thắp sáng khắp các tỉnh thành. Cho đến thời điểm này, về cơ bản Novaland đã hoàn thành tái cấu trúc lại các khoản nợ vay và nợ trái phiếu trong và ngoài nước, tài sản của công ty vẫn cân đối với các khoản nợ.
Việc tháo gỡ pháp lý của các dự án chậm so với dự kiến khiến Novaland không thực hiện đúng các cam kết với khách hàng. Đây là một tổn thất rất lớn ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của Novaland và bằng mọi cách tập đoàn phải cố gắng từng bước khắc phục”, Chủ tịch Bùi Thành Nhơn khẳng định.
Đây là thông tin tích cực đối với Novaland và cổ đông của Tập đoàn sau hơn một năm nỗ lực lèo lái vượt khủng hoảng của “thuyền trưởng” Bùi Thành Nhơn.
Cơn đại khủng hoảng của Novaland (NVL)
Các chính sách đột ngột thay đổi, tiền qua thời rẻ, lãi suất tăng nhanh và mạnh khiến Novaland bất ngờ rơi vào khủng hoảng: thanh toán hoặc tái cấu trúc các khoản nợ vay và trái phiếu sắp đáo hạn; thực hiện các giải pháp khác tạo ra dòng tiền để tài trợ cho hoạt động kinh doanh bình thường của Tập đoàn trong ngắn hạn.
Tại ngày 31/12/2022, tài sản của Novaland đạt mức 257.365 tỷ đồng (hơn 10 tỷ USD), tăng gấp 5 lần sau 5 năm. Tuy nhiên việc gia tăng tài sản trên bảng cân đối kế toán chủ yếu đến từ việc sử dụng nợ.
Tổng nợ phải cuối năm 2022 lên đến 212.436 tỷ đồng gồm 25.500 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn và 39.060 tỷ đồng vay nợ dài hạn. Dư nợ trái phiếu hơn 44.100 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của Novaland bắt đầu đi xuống từ quý III/2022 và kéo dài sang đến năm 2023 khi công ty lần đầu tiên báo lỗ trong lịch sử hoạt động. Nội tại doanh nghiệp kém tích cực cùng những tác động điều chỉnh của thị trường chung khiến cổ phiếu NVL rơi tự do từ vùng giá 8x về vùng giá 10.000 đồng/cp.
Trong chuỗi giảm kỷ lục trước áp lực đáo hạn nợ, giải chấp,… hồi giữa quý IV/2022, NVL buộc phải ra chiến lược tái cấu trúc toàn diện với sự quay lại của tỷ phú Bùi Thành Nhơn.
Chủ tịch Bùi Thành Nhơn đồng hành, đưa Novaland vượt giông bão
Thời điểm đó, ông Bùi Thành Nhơn chia sẻ: “Tôi trở lại với vai trò Chủ tịch HĐQT và là đại diện pháp luật của Novaland vì tôi nghĩ rằng, đã là doanh nhân - chúng ta phải chấp nhận đối mặt với khó khăn và thách thức. Vì trở ngại này vừa vượt qua thì khó khăn khác sẽ đến. Tôi mong rằng, với ý thức luôn thượng tôn pháp luật và tập trung vào lõi chuyên môn, khối rubic màu xanh sẽ tiếp tục toả sáng khắp các tỉnh thành, góp phần mang lại niềm vui, hạnh phúc cho hàng triệu khách hàng, tiếp tục góp phần vào một nước Việt Nam phát triển”.
Việc ông Nhơn trở lại chiếc ghế Chủ tịch HĐQT Novaland nhưng hai tổ chức có liên quan lại liên tục bán ra lượng lớn cổ phiếu NVL khiến các nhà đầu tư, những người đã mất đi phần nào niềm tin với doanh nghiệp trong biến cố 2022, không khỏi băn khoăn về “một cuộc tháo chạy”.
Nỗi lo về việc có cuộc tháo chạy của cổ đông công ty là có cơ sở song tại ĐHCĐ, bà Đỗ Thị Phương Lan, thành viên HĐQT Novaland từng khẳng định “không có bất kỳ cuộc tháo chạy nào”.
Theo bà Đỗ Thị Phương Lan, thành viên Hội đồng Cố vấn điều hành của Novaland, gia đình Chủ tịch Bùi Thành Nhơn là cổ đông sáng lập, coi Novaland như là công ty của mình nên khi công ty khó khăn trong việc huy động vốn, gia đình Chủ tịch dùng chính cổ phiếu của mình để bảo lãnh cho các khoản vay của công ty rất nhiều.
Xét về quản trị doanh nghiệp, các chủ doanh nghiệp khác sẽ không làm việc này bởi đây là công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn, tức là ông Nhơn chỉ có trách nhiệm với công ty tương ứng với lượng vốn góp của ông vào công ty, còn cổ phiếu là tài sản riêng của gia đình ông.
“Vì gắn bó với Novaland suốt nhiều năm và gia đình làm kinh doanh với tâm thế hết lòng, hết sức với công ty nên ông Bùi Thành Nhơn đem tài sản riêng của mình ra bảo lãnh cho công ty vay vốn vào thời điểm khó khăn”, bà Đỗ Thị Phương Lan, thành viên Hội đồng Cố vấn điều hành của Novaland chia sẻ.
“Khi chúng tôi tiến hành đàm phán với các chủ nợ trong thời gian vừa rồi, trên 90% chủ nợ đồng ý hỗ trợ cho Novaland gia hạn nợ hoặc hoán đổi nợ thành cổ phần của các công ty. Tuy nhiên, cũng có một số chủ nợ, đặc biệt là trái chủ của các trái phiếu bán lẻ không đồng ý. Ví dụ như lô trái phiếu 700 tỷ đồng với hàng trăm trái chủ, họ lo lắng và họ bán đi cổ phiếu là tài sản bảo đảm, chúng tôi không thể nào ngăn chặn và cổ phiếu cứ thế bị bán ra thị trường”, bà Lan chia sẻ.
Đồng thời, lãnh đạo Novaland cũng cam kết: “Trong cơn khủng hoảng, trong bối cảnh không có tiền hoạt động, tiền vốn và tiền bán hàng bị ngân hàng siết chặt, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận mọi sự mất mát, mọi khó khăn trở ngại, cam kết nỗ lực hành động bù đắp cho khách hàng, cổ đông”.
Sở hữu ‘nhóm’ ông Bùi Thành Nhơn tại NVL giảm từ 60,8% giảm về 39,9% vốn sau 18 tháng |
Bản thân hệ sinh thái NovaGroup đã dùng cổ phiếu NVL để thế chấp cho các khoản vay và khi giá cổ phiếu giảm nhiều sẽ dẫn tới việc bị bán giải chấp để thu hồi các khoản vay của các công ty chứng khoán. Bên cạnh đó, 2 công ty của ông Nhơn là Novagroup và Diamond Properties đã phải chủ động bán ra lượng lớn cổ phiếu NVL nhằm cơ cấu hỗ trợ nợ vay cho tập đoàn.
Cụ thể, Novagroup bắt đầu có ý định thoái bớt vốn khỏi Novaland từ cuối năm 2022. Khi ấy, cổ đông lớn nhất của NVL dự định bán ra 150 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu xuống còn 560,9 triệu cổ phiếu tương đương 28,768% vốn điều lệ. Mục đích thực hiện giao dịch là tập trung bổ sung các nguồn vốn để thực hiện các phương án xử lý trái phiếu, đưa hệ số tài chính của công ty về mức an toàn trong chiến lược tái cấu trúc toàn bộ tập đoàn.
Hồi tháng 10/2022, Novagroup và Diamond Properties sở hữu 37% và 10,4% vốn của Novaland. Tới thời điểm hiện tại, tổng tỷ lệ nắm giữ của 2 cổ đông lớn nhất tập đoàn chỉ còn khoảng 27,2%, tương ứng 533,4 triệu cổ phiếu. Như vậy, các tổ chức này đã bị bán giải chấp để thu hồi khoản nợ và chủ động ‘xả’ nhằm lấy tiền cơ cấu nợ cho Novaland tổng cộng 20,2% vốn NVL, tương ứng 394 triệu cổ phiếu. Chiếu theo mức giá trung bình giai đoạn này (17.000 đồng/cp), ước tính giá trị giao dịch lên đến 6.698 tỷ đồng. Các khoản nợ của NVL theo đó cũng vơi dần qua từng đợt ‘nhóm’ ông Bùi Thành Nhơn giảm sở hữu. Tại ngày 10/4/2024, nhóm cổ đông này nắm giữ 39,9% vốn điều lệ Novaland.
Ông Bùi Thành Nhơn và nhóm cổ đông có liên quan nắm giữ 39,9% vốn điều lệ NVL |
Nhiều tín hiệu tích cực cho Novaland - khối rubik màu xanh tiếp tục thắp sáng khắp các tỉnh thành
Việc ông Bùi Thành Nhơn đã quay trở lại để đồng hành và cùng Novaland vượt qua khó khăn, làm lại từ đầu đã thật sự đem lại những biến chuyển tích cực cho tập đoàn.
Đúng như lời hứa của vị lãnh đạo này, Novaland có lãi trở lại vào quý III/2023. Loạt dự án gồm The Grand Manhattan, Victoria Village, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, Aqua City được tái khởi động dưới sự hỗ trợ của TPBank, MBBank…. Việc xây dựng các dự án này kỳ vọng sẽ giới thiệu quỹ sản phẩm mới ra thị trường từ quý IV/2024 - I/2025.
Các dự án, phân khu khác, các ngân hàng cũng đang khảo sát, xem xét để tài trợ cấp vốn triển khai cuốn chiếu trong thời gian tới.
Trước những diễn biến tích cực của các dự án sống còn, Novaland lên kế hoạch kinh doanh năm 2024 với 32.587 tỷ đồng doanh thu và 1.079 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt gấp 6,8 và 2,2 lần so với thực hiện năm ngoái.
Về tình hình tài chính, cuối năm 2023, nợ vay giảm khoảng 7.156 tỷ đồng so với năm 2022. Bên cạnh đó, NVL đã thành công thoả thuận giãn nợ, chuyển đổi thanh toán nợ bằng tài sản khác với nhiều trái chủ. Gần nhất, Novaland (NVL) báo tin vui 25 trái chủ đồng ý đổi khoản nợ 7.000 tỷ đồng lấy cổ phiếu NVL.
Cùng với việc lãi suất dần hạ nhiệt, kênh trái phiếu trở lại hoạt động cũng như Chính phủ có những chỉ đạo trực tiếp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, NVL đã dễ thở hơn trong việc cân đối dòng tiền.