Nhà cung cấp nguyên liệu hàng đầu cho Hòa Phát: Doanh thu nghìn tỷ, lợi nhuận ‘nhỏ giọt’ chỉ vài tỷ đồng
Mặc dù đạt doanh thu kỷ lục, công ty này vẫn chật vật với lợi nhuận ‘mỏng manh’.
CTCP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (mã chứng khoán: VPG ) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với nhiều điểm nổi bật. Doanh thu thuần trong kỳ của công ty đạt 3.289 tỷ đồng, tăng 85,32% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, với biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 5,38%, lãi gộp của công ty ghi nhận ở mức 177,3 tỷ đồng, nhưng tăng gần 77% so với cùng kỳ.
Một điều đáng chú ý là tất cả các khoản chi phí của VPG đều tăng trong quý II/2024. Chi phí tài chính lên tới 97,2 tỷ đồng, tăng 112%, chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá lên đến 55,3 tỷ đồng (tăng gấp 212 lần so với quý II/2023). Chi phí bán hàng cũng tăng 151,09% lên 79,9 tỷ đồng do gia tăng chi phí dịch vụ mua ngoài. Chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 38 tỷ đồng, tăng 116,35%, do sự gia tăng về thuế và các lệ phí (tăng gấp 2,65 lần), cũng như trích lập dự phòng phải thu khó đòi 10,8 tỷ đồng (tăng gấp 4,4 lần).
Kết quả, lãi ròng của VPG trong quý II/2024 chỉ còn hơn 2 tỷ đồng, giảm 91,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong nửa đầu năm 2024, doanh thu thuần của VPG đạt hơn 6.533 tỷ đồng, tăng hơn 83% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức doanh thu cao nhất mà công ty đạt được kể từ khi niêm yết. Tuy nhiên, sau khi trừ đi giá vốn và các khoản chi phí, lợi nhuận lại giảm sâu gần 94%, chỉ còn 3,8 tỷ đồng.
Vào ngày 8/7, Hội đồng quản trị của VPG đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024, đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất là 12.998 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 150 tỷ đồng. Như vậy, VPG đã hoàn thành 50,3% kế hoạch doanh thu và 2,5% chỉ tiêu lợi nhuận cho cả năm.
Từ năm 2022 đến nay, tình trạng doanh thu hàng nghìn tỷ đồng nhưng lãi ròng "nhỏ giọt" đã trở thành vấn đề của VPG. Theo tính toán, biên lợi nhuận ròng của VPG trong giai đoạn này chỉ dao động từ 0,058% đến hơn 1%, nghĩa là với 100 đồng doanh thu, VPG chỉ thu về được chưa đầy 1 đồng lợi nhuận.
Con số này thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước, khi biên lợi nhuận ròng đạt 10,9% vào năm 2021 và dao động từ 2,3% đến 3,8% trong giai đoạn 2018-2020.
Ảnh minh hoạ |
Điều này có thể được lý giải bởi đặc thù kinh doanh của VPG. Thành lập từ năm 2008, công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh, xuất nhập khẩu và cung cấp quặng sắt, than nhiệt cho các nhà máy thép và nhiệt điện.
VPG là nhà cung cấp nguyên liệu hàng đầu cho nhiều nhà máy thép lớn như Hòa Phát (HPG ), Gang thép Thái Nguyên , DONGBU, SAMINA,... và là đối tác cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN, PVN. Đáng chú ý, đây đều là các mặt hàng chịu ảnh hưởng lớn theo các chỉ số giá trên thị trường quốc tế.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ban lãnh đạo VPG cho biết hoạt động cung cấp nguyên liệu cho ngành thép là lĩnh vực mà công ty đặc biệt chú trọng. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 cùng những khó khăn chung của nền kinh tế đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành sản xuất thép, khiến hoạt động thương mại cung cấp nguyên liệu cho ngành này gặp nhiều thách thức.
Mặt khác, than nhiệt là một mặt hàng có tính đặc thù riêng. Để có thể cạnh tranh trong các gói thầu cung cấp than cho các nhà máy, VPG phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt về giá, chất lượng hàng hóa, năng lực và uy tín... Cũng như với quặng sắt, giá mua vào và bán ra của than nhiệt đều phải điều chỉnh linh hoạt theo các chỉ số trên thị trường quốc tế.
>>Một cổ phiếu được dự báo tăng hàng chục % trước kỳ vọng hưởng lợi từ Luật Đất đai mới