Nhà đầu tư rút 61.000 tỷ đồng khỏi các CTCK để 'ăn Tết'
Trong thời gian ngắn hạn, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng và ưu tiên chiến lược phòng thủ trước khi các yếu tố hỗ trợ tích cực hơn xuất hiện.
Hình minh họa |
Dư nợ margin lập đỉnh, dòng tiền rút khỏi thị trường
Dư nợ margin trên thị trường chứng khoán tiếp tục chạm mốc cao nhất lịch sử với gần 250.000 tỷ đồng vào cuối quý IV/2024. Tuy nhiên, phần lớn dư nợ này được ghi nhận từ các giao dịch thỏa thuận giữa tổ chức và công ty chứng khoán, thay vì chảy trực tiếp vào thị trường. Hệ quả là chỉ số VN-Index gần như đi ngang, thanh khoản giảm mạnh, còn giá cổ phiếu ít biến động.
Số liệu từ FiinGroup cho thấy, tổng tài sản của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán giảm thêm 61.000 tỷ đồng trong quý IV. Trong đó, giá trị tài sản tài chính (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ) giảm 43.700 tỷ đồng, trong khi số dư tiền gửi của nhà đầu tư giảm 17.800 tỷ đồng, xuống mức 73.500 tỷ đồng – thấp nhất trong 6 quý gần đây.
FiinGroup nhận định: “Dư nợ margin tăng nhưng dòng tiền không thực sự chảy vào thị trường cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong nước. Cùng với áp lực bán ròng từ khối ngoại, triển vọng ngắn hạn của thị trường khó khởi sắc”.
Rủi ro gia tăng khi thanh khoản yếu
Chuyên gia chứng khoán tại SHS đánh giá thị trường đang bước vào giai đoạn phân hóa mạnh, với nhiều cổ phiếu biến động trái chiều. Nhà đầu tư nội tỏ ra thận trọng trước khi các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý IV/2024 và kế hoạch năm 2025. Thanh khoản thấp còn do áp lực giảm tỷ trọng đầu cơ khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cận kề.
Chuyên gia từ BSC cũng cảnh báo rủi ro ngắn hạn gia tăng: “VN-Index có khả năng lùi về vùng 1.220-1.225 điểm nếu dòng tiền tiếp tục thiếu vắng”. Các nhà đầu tư được khuyến nghị hạn chế giao dịch trong thời gian này và chờ tín hiệu cải thiện từ dòng tiền cũng như các yếu tố vĩ mô hỗ trợ thị trường.
Bức tranh hiện tại cho thấy dòng tiền đã và đang chuyển dịch sang các loại tài sản khác, đồng thời phản ánh tâm lý phòng thủ của nhà đầu tư. Khi dư nợ margin tăng kỷ lục nhưng không thúc đẩy giá cổ phiếu, thị trường sẽ cần những động lực lớn hơn từ chính sách, dòng vốn ngoại hoặc diễn biến kinh doanh tích cực của doanh nghiệp để thay đổi cục diện.
>> Dư nợ margin quý IV/2024 tiếp tục lập đỉnh, vì sao chứng khoán vẫn èo uột? 
Kéo trụ, VN-Index vượt mốc 1.250 điểm 
Dư nợ margin quý IV/2024 tiếp tục lập đỉnh, vì sao chứng khoán vẫn èo uột?