Trên địa bàn của xã đang có tới 10 dự án điện gió.
Ngày 18/5, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị cho biết đang xem xét điều kiện để nhà đầu tư từ Trung Quốc góp vốn, mua cổ phần và mua lại phần vốn góp vào Công ty Cổ phần Điện gió Hướng Linh 3, chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 3 ở xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Trước đó, Công ty Cổ phần Phát triển Năng lượng Sạch Hướng Linh đã nộp hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần và mua lại phần vốn góp vào Công ty Cổ phần Điện gió Hướng Linh 3. Công ty này có cổ đông là doanh nghiệp nước ngoài mang quốc tịch Trung Quốc.
Thông tin từ Báo Tuổi Trẻ, Công ty Cổ phần Phát triển Năng lượng Sạch Hướng Linh dự kiến góp vốn 255,6 tỷ đồng, tương đương 61,3% tổng vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Điện gió Hướng Linh 3. Để thẩm định và xem xét việc mua cổ phần này, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị sẽ tham khảo ý kiến của Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan.
Ảnh minh hoạ |
>> Cách nào để doanh nghiệp mua bán điện 'sạch' không qua EVN? 
Dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 3 có công suất quy mô gồm 9 tổ máy, tổng công suất 30MW, với tổng mức đầu tư 1.118 tỷ đồng.
Hiện tại, tỉnh Quảng Trị đã có 31 dự án điện gió với tổng công suất 1.177,2MW được phê duyệt vào quy hoạch phát triển điện lực và quy hoạch phát triển điện gió. Trong đó, 20 dự án đã đi vào vận hành thương mại với tổng công suất 742,2MW, một dự án đã hoàn thành thi công và đang hoàn thiện thủ tục vận hành, và 10 dự án khác đang triển khai đầu tư với tổng công suất 394MW.
Nổi bật, 5 dự án điện gió gồm Nhà máy điện gió Gelex 1, 2, 3 (do Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex Quảng Trị làm chủ đầu tư), Nhà máy điện gió Hướng Phùng 2 và 3 (do Công ty TNHH Điện gió Hướng Phùng làm chủ đầu tư) đã xin phép bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài và đã được cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị xác nhận đủ điều kiện chuyển nhượng.
Riêng dự án điện gió AMACCAO Quảng Trị 1 do Công ty Cổ phần Điện gió Khe Sanh làm chủ đầu tư vẫn chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng cổ phần cho công ty có trụ sở ở Bắc Kinh và Hong Kong (Trung Quốc).
Địa bàn thu hút dự án điện gió nhiều nhất hiện nay của tỉnh là huyện Hướng Hóa, với hơn một nửa số xã có nhà đầu tư điện gió đến thực hiện dự án. Trong đó, riêng xã Hướng Linh có tới hơn 10 dự án. Nếu tính cả những dự án đang chờ bổ sung vào quy hoạch thì điện gió gần như phủ kín cả vùng núi này.
Theo trang tin điện tử của xã Hướng Linh, đây là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa, tổng diện tích đất tự nhiên: 114,6653km2, toàn xã có 448 hộ, 2.418 khẩu, xã Hướng Linh thuộc xã loại 2, khu vực III (khu vực ĐBKK), toàn xã có 07 thôn đều thuộc thôn loại 2.
>> Đối tác hơn 40 năm của Petrovietnam muốn làm dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam 
Đối tác hơn 40 năm của Petrovietnam muốn làm dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam 
Bình định đón dự án nhà máy điện gió hơn 5.500 tỷ đồng từ tỷ phú Singapore