Vĩ mô

Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam có thể vận hành sớm nhất năm 2031

Phúc Lam 06/02/2025 13:36

Tại dự thảo lấy ý kiến về điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 (Quy hoạch điện VIII), Bộ Công Thương đề xuất hai kịch bản về cơ cấu nguồn điện.

Theo đó, thời gian vận hành (phát điện) các nhà máy điện hạt nhân dự kiến sẽ theo hai phương án sau:

Với kịch bản cơ sở, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I (2x1.200 MW) sẽ vận hành giai đoạn 2031 – 2035 và Ninh Thuận II (2x1.200 MW) sẽ vận hành giai đoạn 2036 – 2040.

Với kịch bản cao, cả hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I và II (4x1.200 MW) sẽ cùng vận hành giai đoạn 2031 – 2035, giúp bổ sung công suất sớm hơn so với kế hoạch cơ bản.

Như vậy, với 2 kịch bản trên, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên có thể vận hành vào năm 2031 và muộn nhất vào năm 2035.

Hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận dự kiến sẽ có tổng công suất 4 tổ máy với 4.800 MW, cao hơn 800 MW so với kế hoạch ban đầu của Chính phủ vào cuối năm 2009.

Cùng với sự phát triển của điện hạt nhân, hệ thống lưới điện truyền tải cũng sẽ được nâng cấp để đảm bảo đầu mối và giải tỏa công suất từ các nhà máy.

Theo quy định, nhà máy điện hạt nhân phải có giai đoạn vận hành thử trước khi nạp nhiên liệu vào lò phản ứng hạt nhân. Việc vận hành thử phải được thực hiện đồng thời với việc kiểm tra các chỉ tiêu kỹ thuật.

Cơ quan An toàn Bức xạ và Hạt nhân sẽ thẩm định báo cáo kết quả vận hành thử và báo cáo phân tích an toàn. Sau đó, họ sẽ trình Hội đồng an toàn Hạt nhân Quốc gia xem xét việc cấp giấy phép vận hành chính thức.

Bên cạnh việc tập trung vào các nhà máy quy mô lớn, Bộ Công Thương cũng xem xét khả năng phát triển điện hạt nhân quy mô nhỏ (SMR) tại những khu vực có điều kiện địa chất phù hợp.

Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam có thể vận hành sớm nhất năm 2031
Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên có thể vận hành vào năm 2031 và muộn nhất vào năm 2035 - Ảnh: Báo Công lý

Theo đánh giá ban đầu, Việt Nam có thể phát triển điện hạt nhân tại ba vùng chính: Nam Trung Bộ (25 – 30 GW), Trung Trung Bộ (10 GW) và Bắc Trung Bộ (4 - 5 GW).

Hiện nay, 2 địa điểm Phước Dinh và Vĩnh Hải (Ninh Thuận) đã được quy hoạch làm khu vực xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Cùng với đó, một số địa điểm tiềm năng tại Quảng Ngãi và Bình Định cũng đang được xem xét để phát triển thêm các tổ máy quy mô lớn. Tuy nhiên, những địa điểm này cần được rà soát và đánh giá lại sau 10 năm do chưa có quy hoạch chính thức được công bố.

Thủ tướng nhấn mạnh, điện hạt nhân là một trong những lĩnh vực quan trọng, đòi hỏi sự đầu tư công phu, kỹ lưỡng từ nghiên cứu, xây dựng đến vận hành. Vì vậy, trong quá trình triển khai dự án, cần có sự đồng bộ giữa các Bộ, ngành và địa phương cũng như sự phối hợp chặt chẽ của toàn bộ hệ thống chính trị nhằm đảm bảo chất lượng và tiến độ của dự án.

Đến năm 2050, tại Bắc Trung Bộ, có thể bổ sung thêm 5 GW điện hạt nhân, ngoài 4.800 GW đã cam kết tại Ninh Thuận. Đồng thời, nguồn điện từ tuabin khí chu trình hỗn hợp và khí hóa lỏng (LNG) có thể tăng thêm 8,4 GW.

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng, điện gió, điện mặt trời và hệ thống pin lưu trữ cũng sẽ tiếp tục được mở rộng.

>>Khẩn trương bổ sung, hoàn thành quy định hướng dẫn về mua bán điện

Thủ tướng: Xây dựng nhà máy điện hạt nhân là vấn đề 'quốc gia đại sự'

Chủ tịch Ninh Thuận có nhiệm vụ mới liên quan dự án điện hạt nhân

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nha-may-dien-hat-nhan-dau-tien-cua-viet-nam-co-the-van-hanh-som-nhat-nam-2031-274843.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam có thể vận hành sớm nhất năm 2031
    POWERED BY ONECMS & INTECH