Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn lỗ gấp 15 lần Dung Quất

15-02-2022 16:56|Minh Tùng

Trong 3 năm đầu đi vào hoạt động, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn lỗ tới 61.200 tỷ đồng, gấp 15 lần nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Hiện nay, nguồn cung xăng dầu trong nước đến từ 2 nhà máy: Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (thuộc Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn) và Nhà máy lọc dầu Dung Quất (thuộc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn - BSR), đáp ứng khoảng 75% nhu cầu thị trường. Dù là 2 nhà máy lọc dầu chủ lực của cả nước nhưng hiệu quả hoạt động của 2 nhà máy này hoàn toàn trái ngược nhau.

Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn được thành lập tháng 4/2008 với tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD chính thức vận hành thương mại từ cuối năm 2018. Cổ đông của công ty gồm Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) nắm 25,1%; Công ty Idenmitsu Kosan (Nhật Bản) nắm 35,1%, Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản) sở hữu 4,7% và Tập đoàn dầu mỏ Cô-oét 35,1%.

Tuy nhiên, trong 3 năm hoạt động từ 2018 - 2020, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã lỗ tổng cộng 61.200 tỷ đồng. Cụ thể, ngay năm đầu tiên đi vào hoạt động thương mại Nghi Sơn đã lỗ 10.412 tỷ đồng, năm 2019 lỗ nâng lên 22.684 tỷ đồng, năm 2020 số lỗ lên mức kỷ lục 28.147 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Nghi Sơn (50.000 tỷ) đã âm hơn 11.000 tỷ đồng. Doanh thu năm 2019 đạt 86.675 tỷ thì năm 2020 chỉ còn 74.848 tỷ đồng.

Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) được thành lập năm 2008 với 100% vốn góp của PVN, mục đích là tiếp nhận và vận hành hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Bắt đầu từ 30/5/2010, Dung Quất chính thức chuyển sang giai đoạn vận hành thương mại. Trong một báo cáo gửi lên Chính phủ, PVN cho biết, năm 2010, công ty lỗ gần 3.200 tỷ đồng, năm 2011 lỗ gần 4.800 tỷ đồng. Năm 2012, năm 2013 lần lượt lỗ trên 6.400 và 6.000 tỷ đồng. Năm 2014 Lọc hóa dầu Bình Sơn lỗ 7.136 tỷ đồng…

Tuy nhiên, khoản ưu đãi giữ lại thuế nhập khẩu đã giúp gánh bớt lỗ cho Dung Quất, khi đơn vị này chỉ còn lỗ 1.300 - 3.000 tỷ đồng vào năm 2011 và 2012, trước khi hạch toán lãi gần 3.000 tỷ vào năm 2013 nhờ được giữ lại tới 8.856 tỷ đồng.

Như vậy, 3 năm đầu tiên Dung Quất lỗ tổng cộng 14.092 tỷ đồng nếu như không được ưu đãi giữ lại 3 - 7% thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, số lỗ được giảm đáng kể khi nhà máy được giữ lại thuế nhập khẩu. Cụ thể, sau 3 năm hoạt động, Dung Quất được giữ lại nguồn thuế nhập khẩu khiến cho tổng số lỗ 3 năm đầu đi vào hoạt động giảm xuống 4.129 tỷ đồng.

Như vậy, có thể thấy, việc Nghi Sơn lỗ gấp 15 lần Dung Quất trong 3 năm đầu đi vào hoạt động một phần là do chính sách giữ lại thuế nhập khẩu Dung Quất đang được hưởng. 

PVN cấp bù thuế vẫn lo ngày đóng cửa

Theo thỏa thuận giữa Chính phủ và liên doanh nhà đầu tư, PVN sẽ là đơn vị bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn, với giá bán buôn tại cổng nhà máy bằng với giá xăng dầu nhập khẩu cộng thêm thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu, 3% đối với các sản phẩm hóa dầu (polypropylen, benzen...). Trong 10 năm (đến 2028), nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm bù cho Lọc dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch này.

Trên thực tế, theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), với xăng từ năm 2023 thuế nhập khẩu sẽ xuống 5% và từ năm 2024 là 0%. Diesel và mazut là 0% từ năm 2016. Còn theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), thuế nhập khẩu diesel từ 2016 là 5% và từ năm 2018 là 0%, riêng mazut từ năm 2016 thuế nhập khẩu đã là 0%.

Như vậy, có thể thấy, PVN sẽ sớm phải thực hiện cơ chế cấp bù thuế nhập khẩu từ 3-7% với các mặt hàng xăng dầu của Nghi Sơn.

Theo một chuyên gia có nhiều năm công tác trong ngành Công Thương, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có vốn nước ngoài chi phối, PVN chỉ chiếm 25,1%. Với tỉ lệ nắm giữ vốn thấp, phía Việt Nam không quyết định trong điều hành và biểu quyết trong hội đồng cũng chỉ có ý nghĩa đồng thuận tuyệt đối hay không.

Hiện các nhà máy lọc dầu trong nước chỉ đáp ứng được hơn 70% lượng xăng dầu tiêu thụ nội địa, còn lại Việt Nam vẫn nhập khẩu lớn từ Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan. 

"Bức tranh thị trường xăng dầu của ta phụ thuộc cả trong nước và nhập khẩu. Sản lượng trong nước chỉ đáp ứng chừng 70%. Dầu thô khai thác trong nước không đủ cho công suất lọc dầu. Bất cứ biến động nào của nguồn cung về sản lượng cũng như giá cả đều ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước. Câu chuyện của những ngày này là việc cắt giảm công suất của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn", vị chuyên gia nói. 

Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm: "Khi doanh nghiệp lỗ sẽ thiếu hụt dòng tiền, không có tiền thì không nhập được dầu thô để lọc, không nhập được thì phải giảm công suất, giảm công suất thì càng không hiệu quả. Đấy là câu chuyện của nhà sản xuất."

Bên cạnh đó, doanh nghiệp không có vốn nhà nước luôn quan tâm đến câu chuyện lợi nhuận và có thể đóng cửa khi không nhìn thấy hướng có lãi.

"Quản lý đầu tư nước ngoài thì hoàn toàn có đủ dữ liệu để đánh giá phân tích nguyên nhân lỗ thực của họ. Chưa kể đã có dữ liệu của nhà máy Dung Quất để so sánh. Có một điều thực tế là một lít xăng phải chịu 10% thuế thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% VAT, 4.000 đồng phí môi trường. Doanh nghiệp có lãi thường cũng chỉ vài %", vị chuyên gia nhấn mạnh. 

Về phía PVN, do đơn vị này chỉ nắm hơn 25% cổ phần, nên công tác quản trị của Nghi Sơn do phía nước ngoài điều hành. Trong có trình quản lý, nhiều bất cập đã góp phần vào các khó khăn về tài chính hiện nay của Nghi Sơn. PVN khẳng định, việc tái cấu trúc tổng thể Nghi Sơn là nhu cầu cần thiết và cấp bách. PVN đang trong giai đoạn đàm phán với các bên góp vốn nước ngoài về nội dung tái cấu trúc tổng thể Nghi Sơn.

PVN báo doanh thu 830.000 tỷ đồng sau 11 tháng, vượt 23% kế hoạch năm

Mang về 169.000 tỷ doanh thu, Petrolimex (PLX) hoàn thành gần 90% kế hoạch năm

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nha-may-loc-dau-nghi-son-lo-gap-15-lan-dung-quat-122339.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn lỗ gấp 15 lần Dung Quất
    POWERED BY ONECMS & INTECH