Nhà nghiên cứu công nghệ tên lửa hạt nhân trở thành phi hành gia trẻ
TRUNG QUỐC - Là phi hành gia trẻ tham gia vào sứ mệnh phóng tàu vũ trụ Thần Châu-19, Vương Hạo Trạch gây ấn tượng vì xuất phát điểm là nhà nghiên cứu công nghệ tên lửa hạt nhân.
Tháng 9/2020, Vương Hạo Trạch được chọn là lứa phi hành gia  thứ ba của Trung Quốc, thực hiện sứ mệnh phóng tàu vũ trụ Thần Châu-19. Ngày 30/10, Hạo Trạch cùng chỉ huy Thái Húc Triết và phi hành gia Tống Lệnh Đông lên đường thực hiện nhiệm vụ dài 6 tháng.
Vương Hạo Trạch sinh năm 1990 ở Hà Bắc (Trung Quốc), trong một gia đình trí thức. Cô là cử nhân Kỹ thuật điện & Kỹ thuật nhiệt Vật lý của Đại học Đông Nam (Trung Quốc). Nghiên cứu thạc sĩ về plasma, năm 2015, sau khi tốt nghiệp, Hạo Trạch gia nhập Tập đoàn Khoa học & Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc với vai trò là nhà nghiên cứu động cơ tên lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Chia sẻ với CCTV, Hạo Trạch cho biết, 6 tháng trên trạm vũ trụ, cô chủ yếu nghiên cứu sơ bộ về động cơ mới để phát triển tên lửa tương lai, phục vụ hoạt động thám hiểm không gian sâu. Với sứ mệnh quan trọng này, phi hành gia trẻ của Trung Quốc dồn hết tâm sức để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
"Tôi chưa từng nghĩ, người làm khoa học vũ trụ như tôi lại trở thành phi hành gia. Đối với tôi, đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thử thách". Suốt quá trình huấn luyện, để vượt qua những bài kiểm tra khắc nghiệt, nữ phi hành gia phải đối mặt với vô vàn khó khăn.
Thách thức lớn nhất là Hạo Trạch phải đối mặt với máy ly tâm mô phỏng lực hấp dẫn gấp 6 lần cường độ của tàu vũ trụ. Lần đầu tập luyện, Hạo Trạch khó thở, cảm giác phổi như bị xé toạc. Chế ngự nỗi sợ của bản thân, Hạo Trạch đã không ấn chuông báo động.
Dù quá trình huấn luyện khắc nghiệt nhưng Hạo Trạch không nghĩ đến bỏ cuộc. Ngoài việc tích cực học hỏi kinh nghiệm từ các tiền bối, nghiêm túc thực hiện yêu cầu của huấn luyện viên, Hạo Trạch cho biết, bản thân luôn giữ tinh thần lạc quan để hoàn thành tốt thử thách.
Trong số 7 người được chọn vào lứa phi hành gia thứ ba, Hạo Trạch có lợi thế về kiến thức chuyên môn nhưng thể chất lại là rào cản. Để theo đuổi giấc mơ trở thành phi hành gia, Hạo Trạch phải nỗ lực rất nhiều, vượt xa những gì người bình thường có thể tưởng tượng.
Từ nhà nghiên cứu trở thành phi hành gia thực hiện sứ mệnh phóng tàu Thần Châu-19, Hạo Trạch nhận thấy trách nghiệm của bản thân tương đối lớn: "Trước đây, khi làm công tác khoa học, tôi cũng có áp lực nhưng không bằng việc này. Trong hàng nghìn nhà nghiên cứu công nghệ vũ trụ, tôi được chọn nên nhất định phải làm tốt. Tôi sẽ nỗ lực hết mình để đáp lại sự tin tưởng của đất nước và nhân dân".
Trước khi lên đường, Hạo Trạch cho biết, suy nghĩ của bản thân lúc này tập trung vào việc hoàn thành tốt công việc trên trạm vũ trụ. "Chúng tôi đang đi trên một con đường ít người đi nhưng tôi thích. Nếu nó đầy rẫy gai góc, chúng tôi sẽ cùng xông pha tiến về phía trước", Hạo Trạch nói.
>> Trung Quốc đưa thêm ba phi hành gia vào không gian 
Trung Quốc đưa thêm ba phi hành gia vào không gian 
Phát minh "Siêu Chi" giúp phi hành gia đứng vững trên Mặt Trăng