Nhận định chứng khoán 1/4: Các CTCK đồng thuận về xu hướng thị trường
Thị trường chứng khoán tiếp tục diễn biến tiêu cực khi VN-Index giảm phiên thứ tư liên tiếp, áp sát ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.300 điểm. Áp lực bán lan rộng, thanh khoản gia tăng, trong khi dòng tiền bắt đáy tỏ ra thận trọng.
![]() |
Tổng hợp nhận định từ các công ty chứng khoán |
Chứng khoán Asean: Tiêu cực – tín hiệu thị trường tương đối tiêu cực
Thị trường hôm nay ghi nhận phiên giảm thứ tư liên tiếp với giá đóng cửa ở mức gần thấp nhất trong ngày, là tín hiệu tương đối tiêu cực. Điều này cho thấy bên bán đang chiếm ưu thế và xu hướng ngắn hạn trở nên xấu đi. Tuy nhiên, xét về kỹ thuật, VN-Index đang tiến vào vùng quá bán và có thể hồi phục trở lại bất cứ lúc nào. Do đó, ở kịch bản trung lập, lực cầu được kỳ vọng sẽ gia tăng trở lại khi VN-Index về vùng hỗ trợ quanh ngưỡng 1.300 điểm. Chứng khoán Asean cho rằng hành động phù hợp nhất lúc này là xem xét giải ngân từng phần tại vùng hỗ trợ quanh ngưỡng 1.300 điểm, tập trung vào các mã hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế, có kết quả kinh doanh tăng trưởng, định giá thấp và cổ tức tiền mặt cao, ưu tiên nhóm cổ phiếu Ngân hàng, Chứng khoán và Đầu tư công.
Nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao không nên sợ hãi bán ra bằng mọi giá, mà nên xem xét cơ cấu lại các cổ phiếu yếu trong danh mục ở những phiên hồi phục kỹ thuật, đồng thời chuẩn bị phương án quản trị rủi ro phù hợp. Tỷ trọng cổ phiếu hợp lý ở mức tối đa 40% đối với các vị thế ngắn hạn.
Chứng khoán BSC: Tiêu cực - VN-Index về 1.300 điểm
VN-Index tiếp tục giảm hơn 10 điểm trong phiên hôm nay và đóng cửa tại mốc 1.306,86 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 15/18 ngành giảm điểm, trong đó ngành Hóa chất dẫn đầu đà giảm, theo sau là ngành Công nghệ thông tin. Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng trên sàn HSX. Trong những phiên tới, VN-Index có thể tìm điểm cân bằng trong vùng 1.300 - 1.315 điểm sau nhịp điều chỉnh.
Chứng khoán Phú Hưng: Tiêu cực - VN-Index có thể tiếp tục điều chỉnh
Dưới góc độ kỹ thuật, VN-Index đang áp sát khu vực hỗ trợ quan trọng quanh ngưỡng tâm lý 1.300 điểm, khả năng sẽ có lực đỡ trong các phiên tới. Nhóm cổ phiếu trụ vẫn luân phiên giữ điểm cho thị trường. Dù vậy, mức phục hồi vẫn còn riêng lẻ và chưa có nhóm ngành mang tính dẫn dắt rõ ràng. Hơn nữa, áp lực bán cũng xoay vòng giữa các nhóm cổ phiếu, dễ tác động lên tâm lý giao dịch, nên chỉ có thể kỳ vọng chỉ số “cân bằng tạm thời”, chứ chưa thể kết luận đây là đáy của nhịp điều chỉnh ngắn hạn.
VN30 tạo nến hammer cho thấy sự tham gia của dòng tiền bắt đáy, nhưng mức giảm còn lớn, hàm ý động lực chưa đủ mạnh, khả năng thị trường vẫn còn rung lắc. Chiến lược phù hợp là giữ trạng thái tài khoản ở mức trung bình và theo dõi phản ứng tại vùng hỗ trợ. Nếu xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật, nên ưu tiên giảm tỷ trọng ở những vị thế chưa kịp cơ cấu trước đó, đồng thời hạn chế mua bình quân cho đến khi có tín hiệu xác nhận xu hướng rõ ràng hơn.
Chứng khoán TPS: Tiêu cực - VN-Index về 1.296 - 1.300 điểm
Chỉ số VN-Index đã đánh mất mốc hỗ trợ 1.316 điểm - đây là mốc mà chúng tôi đã lưu ý trước đó, với kịch bản sau khi thủng mốc này, chỉ số có thể tìm về các vùng hỗ trợ thấp hơn, từ 1.296 - 1.300 điểm. TPS nhận thấy dư địa giảm (downside) của thị trường không còn nhiều, nên đưa ra khuyến cáo nhà đầu tư ưu tiên quan sát và hạn chế bán ra khi chỉ số lùi về gần vùng hỗ trợ mạnh, để tránh sai lầm không đáng có. Nhìn về trung và dài hạn, TPS vẫn lạc quan nhờ các yếu tố vĩ mô trong nước thuận lợi và định giá của thị trường chung vẫn tương đối hấp dẫn.
Chứng khoán MAS: Tiêu cực
Mở cửa phiên đầu tuần, sắc đỏ tiếp tục chiếm ưu thế xuyên suốt thời gian giao dịch khiến đà giảm chưa dừng lại. Chỉ số chốt tháng áp sát ngưỡng 1.300 điểm, dừng chân tại 1.306 điểm, tương ứng giảm 10,6 điểm (-0,8%). Tổng khối lượng giao dịch tăng 17,3%, đạt 867 triệu cổ phiếu, tương đương 21.206 tỷ đồng về giá trị. Phiên giao dịch giảm điểm kèm thanh khoản tăng khiến điểm số đánh giá kỹ thuật ngắn hạn theo thang điểm của MAS duy trì ở mức -5 (tiêu cực).
>> Chứng khoán nâng hạng: Trang bị hành trang giúp doanh nghiệp thu hút dòng vốn ngoại