Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, quán tính giảm điểm vẫn còn song với việc dòng tiền bắt đáy vùng giá thấp đang gia tăng, có khả năng VN-Index sẽ được hỗ trợ mạnh tại vùng quanh 1.150 điểm và nhanh chóng hồi phục trở lại.
Tổng quan thị trường chứng khoán ngày 13/5
Trái với kỳ vọng phục hồi cùng các thị trường châu Á, chứng khoán Việt Nam tiếp tục chìm trong vòng xoáy bán tháo. Gần như chẳng có nỗ lực bắt đáy nào đáng kể cho đến 13h50, VN-Index thủng hỗ trợ "siêu cứng" 1.200 một cách tương đối dễ dàng, thậm chí có thời điểm xuống sát 1.180 điểm.
Tại đây, dòng tiền bắt đáy mới chịu xuất hiện kéo chỉ số phục hồi đôi chút. Thế nhưng, áp lực bán lại một lần nữa kéo thị trường quay đầu. Cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, khu công nghiệp, thép, phân bón, thủy sản, dệt may, xây dựng, bán lẻ,... đều giảm sàn la liệt.
Không có nhóm cổ phiếu nào ngược dòng mà chỉ "lác đác" vài cái tên đơn lẻ trong đó đáng chú ý nhất là VJC, cổ phiếu duy nhất trong VN30 còn giữ được sắc xanh.
Trong khi đó, hàng loạt Bluechips như VCB, GAS, HPG, MSN, VPB, BID, TCB, MWG, GVR, MBB, BCM, ACB, CTG, VHM, VIC,... đều chìm sâu gây áp lực lớn lên chỉ số.
Kết phiên giao dịch, VN-Index giảm 56,07 điểm (-4,53%) xuống 1.182,77 điểm; toàn sàn có 37 mã tăng, 436 mã giảm (197 mã sàn) và 20 mã đứng giá. Đây là lần đầu tiên chỉ số này đóng cửa dưới 1.200 điểm trong vòng hơn 13 tháng trở lại đây kể từ phiên 31/3/2021.
HNX-Index giảm 13,13 điểm (-4,16%) xuống 302,39 điểm; toàn sàn có 45 mã tăng, 201 mã giảm và 22 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 2,83 điểm (-2,93%) xuống 93,61 điểm.
Tổng giá trị khớp lệnh đạt 20.969 tỷ đồng - tăng 33,4% trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE tăng 31,3% lên 18.388 tỷ đồng.
Khối ngoại mua ròng 550 tỷ đồng ở sàn HOSE.
Nhận định thị trường chứng khoán ngày 16/5
CTCK SHS: Nhịp điều chỉnh hoàn toàn có thể xảy ra
Xét trên góc nhìn về phân tích kỹ thuật thì thị trường mà đại diện là chỉ số VN-Index dường như đang gần được target của sóng điều chỉnh a với target đầu tiên theo lý thuyết là ngưỡng 1.200 điểm (Fib 38,2% sóng tăng 5).
Tuy nhiên, nếu tình trở nên tiêu cực hơn, VN-Index vẫn có thể lùi những ngưỡng hỗ trợ sâu hơn mà gần nhất là ngưỡng 1.100 điểm (Fib 50% sóng tăng 5).
CTCK Phú Hưng (PHS): Thị trường nằm trong xu hướng giảm
Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index có phiên giảm mạnh thứ hai liên tiếp. Khối lượng giao dịch gia tăng vượt mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý áp lực bán đang khá mạnh.
Không những vậy, chỉ số đi xuống thủng ngưỡng 1.200 điểm và duy trì đóng cửa dưới MA5, cùng với chùm MA5, 10, 20 ở trạng thái phân kỳ âm tiêu cực, cho thấy xu hướng giảm đang tiếp diễn.
Thêm vào đó, các chỉ báo như MACD và RSI đang hướng xuống tiêu cực, cho thấy chỉ số có thể chịu sức ép về vùng hỗ trợ tâm lý 1.100 điểm.
CTCK Rồng Việt (VDSC): Test hỗ trợ tại mốc 1.150 điểm
VN-Index tiếp tục suy giảm và đóng cửa dưới hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm, bất chấp dòng tiền bắt giá thấp có hoạt động khá sôi động.
Hiện tại, quán tính giảm vẫn còn nhưng với việc dòng tiền bắt đáy vùng giá thấp đang gia tăng, có khả năng VN-Index sẽ được hỗ trợ mạnh tại vùng quanh 1.150 điểm và nhanh chóng hồi phục trở lại.
CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI): Tâm lý hoảng loạn vẫn có thể kéo dài
Trái với kỳ vọng, VN-Index đã xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ cứng 1.200 điểm trong phiên cuối tuần trước, khiến những nhà đầu tư đang cầm cổ “lạnh toát”.
Giống như phiên trước đó, hàng loạt các cổ phiếu thuộc các nhóm ngành khác nhau nằm sàn la liệt với thanh khoản tăng cao và đây là phiên có giá trị khớp lệnh lớn nhất trong tuần.
Rõ ràng, xu hướng của thị trường đang rất xấu, xuyên thủng mốc hỗ trợ 1.200 điểm, tạo ra nỗi hoang mang tột độ cho giới đầu tư.
Chúng tôi cho rằng sự hoảng loạn vẫn có thể kéo dài thêm một vài phiên tiếp theo.